Thu hút FDI từ châu Âu: Giải quyết tồn đọng, chú ý đến yêu cầu của nhà đầu tư

Theo Nguyễn Hòa/congthuong.vn

Có nhiều cơ hội thu hút vốn đầu tư từ châu Âu, nhưng Việt Nam vẫn cần chú trọng nhiều hơn đến việc giải quyết các vấn đề lớn còn tồn đọng, chú ý đến những yêu cầu của nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án tại Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư châu Âu đã đầu tư vào Việt Nam trên 22 tỷ USD vốn FDI. Mặc dù kết quả này chưa tương xứng với tiềm năng, nhưng theo ông Vũ Văn Chung – Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, dự án FDI từ châu Âu được đánh giá cao về chất lượng, có sức lan tỏa và tạo giá trị gia tăng cao, theo đó đã đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững vào Việt Nam thời gian qua. Những kết quả trên có được cũng thể hiện sự tích cực sau hơn 1 năm Việt Nam thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), khiến dòng vốn FDI vào Việt nam 10 tháng đầu năm khá tích cực, bất chấp diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 vẫn được đánh giá khả quan.

Cụ thể, 10 tháng Việt Nam thu hút được 23,74 tỷ USD vốn FDI, trong đó vốn FDI từ EU đạt gần 1 tỷ USD, điều đó cho thấy, dòng vốn dịch chuyển toàn cầu thấp nhưng vốn FDI đổ vào Việt Nam vẫn khả quan. Đặc biệt theo ông Vũ Văn Chung, với những cam kết mạnh mẽ đảm bảo tính minh bạch, thông thoáng, thuận lợi trong môi trường đầu tư, kinh doanh Việt Nam đã tiếp nhận được nguồn vốn đầu tư chất lượng cao từ EU với những dự án có công nghệ tiên tiến, tạo ra giá trị và lợi ích chung cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên.

Đánh giá về cơ hội thu hút dòng vốn FDI từ châu Âu vào Việt Nam và dự báo giai đoạn tới, ông Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam - cho biết, Việt Nam có rất nhiều lợi thế tạo sức hút với các nhà đầu tư FDI trong làn sóng chuyển dịch đầu tư. Theo đó, khó khăn của dịch bệnh Covid-19 chỉ là nhất thời, không có chuyện nhà đầu tư châu Âu rút vốn ra khỏi Việt Nam chỉ vì dịch Covid-19.

Cũng theo ông Nguyễn Hải Minh, xu hướng đầu tư mới của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam là đi sâu vào các dự án tạo giá trị giá cao, dịch chuyển một số trung tâm phát triển nghiên cứu vào Việt Nam. Theo đó, cảng biển, giao thông đường xá, năng lượng … đang là những ngành nghề thu hút sự quan tâm đầu tư của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam.

Tổng giám đốc Tập đoàn Schaerffler Việt Nam (Đức), ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết, Schaeffler đã lựa chọn Đồng Nai - Việt Nam để xây dựng nhà máy lớn nhất, hiện đại nhất của Tập đoàn với tổng mức đầu tư giai đoạn đầu là đầu tư 45 triệu Euro, khi dịch qua đi chúng tôi sẽ triển khai xây dựng nhà máy giai đoạn 2 và nhà máy đóng vai trò là trung tâm sản xuất toàn cầu cho một loạt các sản phẩm công nghiệp. Schaeffler đang phát triển trung tâm sản xuất tại Việt Nam như một nhà máy thí điểm kỹ thuật số cho hệ thống sản xuất toàn cầu của mình.

Lý do Tập đoàn Schaeffler chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư, theo ông Nguyễn Xuân Thắng bởi: Việt Nam có nhiều cơ hội, lợi thế về nguồn nhân lực, ưu đãi đầu tư, Việt Nam cũng đã tham gia EVFTA, sự kiện này mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp trong nước và xây dựng chuỗi sản xuất cung ứng rất thuận lợi.

Mặc dù đang nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư châu Âu, tuy vậy, để thu hút được nhiều dự án lớn, có chất lượng của các nhà đầu tư đến từ các quốc gia như Mỹ, châu Âu, bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - cho rằng: Việt Nam cần chú trọng hơn đến đòi hỏi của những nhà đầu tư về một số khía cạnh, như: Tính công khai, minh bạch, ổn định, dễ dự báo về thể chế, chính sách và luật pháp; thực thi pháp luật nghiêm minh, thống nhất, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; thủ tục hành chính đơn giản, bảo đảm thời gian đã quy định. Trong đó, đối với các địa phương đã phát triển đang cần thu hút dự án công nghệ cao, công nghệ tương lai, dịch vụ hiện đại, cần chú trọng đến việc đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia về thời gian đàm phán, ký thỏa thuận và triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, theo bà Nguyễn Thị Hương, Việt Nam cũng cần rà soát lại việc sử dụng FDI hiện tại để có kế hoạch điều chỉnh, cơ cấu lại hợp lý. Trong đó, cần ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược; tạo lập chuỗi sản xuất toàn cầu; ưu tiên DN công nghệ cao và chuyển giao công nghệ cho DN Việt Nam; kiểm soát chặt chẽ những dự án đầu tư không phù hợp với nhu cầu phát triển của Việt Nam, hoặc những lĩnh vực mà DN trong nước đủ năng lực về công nghệ.

Rõ ràng, EVFTA và EVIPA đang mở ra những cơ hội lớn cho Việt Nam trong hút vốn FDI từ châu Âu, tuy nhiên, để tận dụng lợi thế này, các chuyên gia kinh tế vẫn khuyến nghị, trước mắt Việt Nam cần giải quyết các vấn đề lớn còn tồn đọng, triển khai các biện pháp đồng bộ nhằm tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, có như vậy mới hấp dẫn được những dự án đầu tư lớn, có chất lượng, trong đó bao gồm cả những dự án FDI đến từ châu Âu.

Ông Alain Cany - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam – đánh giá: Với những lợi thế sẵn có, cùng với tiềm năng từ EVFTA và EVIPA giúp Việt Nam có cơ hội thu hút làn sóng FDI mới từ các nhà đầu tư châu Âu đang tìm kiếm một điểm đến ổn định, an toàn, thịnh vượng và cạnh tranh.