Thực tiễn phát triển mô hình kinh doanh nền tảng công nghệ tại Việt Nam


Mô hình kinh doanh nền tảng công nghệ là hình thức kinh doanh dựa trên việc kích hoạt sự tương tác tạo nên giá trị giữa các nhà sản xuất bên ngoài với người tiêu dùng. Bài viết nghiên cứu thực trạng kinh doanh nền tảng công nghệ tại Việt Nam, từ đó gợi ý giải pháp thúc đẩy và phát triển mô hình kinh doanh này tại Việt Nam trong tương lai.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tổng quan về kinh doanh nền tảng công nghệ

Nền tảng kinh doanh công nghệ được hiểu là một không gian ảo, cho phép những người dùng có thể trao đổi các sản phẩm có giá trị với nhau. Công nghệ kỹ thuật số đã phá vỡ đáng kể các mô hình kinh doanh truyền thống.

Trên thị trường hiện nay có 2 nhóm nền tảng công nghệ chính như: (1) Các nền tảng cung cấp giá trị chủ yếu bằng cách tối ưu hóa trao đổi trực tiếp giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất, hay còn gọi là nền tảng trao đổi; (2) Nền tảng tạo ra giá trị bằng cách cho phép nhà sản xuất tạo ra các sản phẩm bố sung và phát hoặc phân phối chúng cho nhiều đối tượng hay còn gọi là nền tảng sản xuất. Cụ thể:

Về nền tảng trao đổi, gồm có:

- Thị trường dịch vụ: Cung cấp nền tảng trao đổi các sản phẩm dịch vụ (Ví dụ: Hotel Tonight, AirBnB, Traveloka...).

- Thị trường sản phấm: Cung cấp nền tảng trao đổi các sảm phẩm hàng hóa (Ví dụ: Etsy, Ebay, Amazon...).

- Nền tảng thanh toán: Cung cấp nền tảng thanh toán (Ví dụ: PayPal, Stripe, Adyen...).

- Nền tảng đầu tư: Cung cấp các khoản đầu tư (Sử dụng tiền để đổi lấy một công cụ tài chính, có thể là vốn chủ sở hữu hoặc khoản vay…).

- Mạng xã hội: Cung cấp nền tảng trong đó giao dịch cốt lõi là mô hình tương tác chọn lọc kép, một mạng xã hội (Ví dụ: Facebook, Twitter, Tinder...).

- Nền tảng giao tiếp: Giao tiếp xã hội trực tiếp (Ví dụ: Viber, Skype...).

- Nền tảng game xã hội: Nền tảng cho phép người dùng chơi game trên mạng xã hội.

Về nền tảng sản xuất, gồm có:

- Nền tảng nội dung: Nền tảng trong đó giao dịch cốt lõi tập trung vào khám phá và tương tác với người khác. Ví dụ: Khi khách hàng muốn tìm kiếm thông tin về một nhà hàng, nền tảng này sẽ cho phép khách hàng được tiếp cận tất cả các danh sách các nhà hàng với các thứ bậc khác nhau...

- Nền tảng phát triến khép kín: Phần mềm được xây dựng dựa trên quyền truy cập dữ liệu.

- Nền tảng phát triển được kiểm soát: Phần mềm được xây dựng trong môi trường phát triển tích hợp có kiểm soát.

- Nền tảng phát triển mở: Phần mềm nguồn mở và miền phí.

Phát triển mô hình kinh doanh nền tảng công nghệ trên thế giới và Việt Nam

Trong thập kỷ qua, mô hình kinh doanh nền tảng công nghệ phát triển mạnh mẽ trên thế giới và thâm nhập sâu rộng vào Việt Nam trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực như tài chính ngân hàng, dịch vụ, chăm sóc sức khoẻ, cung ứng lao động...

Thực tiễn phát triển mô hình kinh doanh nền tảng công nghệ tại Việt Nam - Ảnh 1

Trên thế giới, những nền tảng sáng tạo lớn như Microsoft, Oracle, Intel, SAP và Salesforce được định giá lên tới 911 tỷ USD. Trong khi đó, các nền tảng tích hợp giữa giao dịch và sáng tạo như Apple, Google, Facebook, Amazon, Alibaba và XiaoMi có giá lên đến 2.000 tỷ USD.

Từ năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 lan rộng trên khắp toàn cầu đã làm cho chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, phần đa các doanh nghiệp kinh doanh đều gặp khó khăn trong việc duy trì sản xuất. Trong khi, doanh nghiệp kinh doanh nền tảng công nghệ không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ, mở rộng quy mô và thịnh vượng. Bảng 1 cho thấy, các công ty lớn kinh doanh nền tảng tiếp tục giữ mức gia tăng về giá trị vốn hóa. Một số công ty nhỏ hơn như: Peloton, Zillow, Teladoc, Fiverr… cũng cố gắng đạt được mức tăng lớn về giá trị vốn hóa thị trường. Trong số 100 dữ liệu tài chính từ các công ty lớn nhỏ, lấy từ nguồn chính thống như Bloomberg, Quandl... thì có 17 trong số 30 công ty hàng đầu có trụ sở tại Hoa Kỳ và 5 công ty ở Trung Quốc.

Trong lĩnh vực truyền thông, Google và Facebook đã dùng chính mô hình nền tảng này để làm thay đổi cán cân và đặt ra nhiều thách thức đối với quảng cáo truyền thống. Thời kỳ hoàng kim của những trang quảng cáo báo in đã kết thúc và các thương hiệu đều đổ dồn chi phí marketing cho kênh kỹ thuật số thay vì truyền hình hay báo in như trước đây.

Ngay trong lĩnh vực vốn được coi là “chậm” thay đổi như xuất bản sách, cuộc Cách mạng công ngghiệp 4.0 đã dịch chuyển một phần nhu cầu đọc từ đọc sách giấy sang đọc sách điện tử. Sau đó, các nhà phát triển công nghệ nhanh chóng đưa ra những nền tảng kinh doanh đặc thù cho ebooks. Những cái tên lớn trên thế giới có thể kể đến như mô hình “tự xuất bản” của Amazon, iBook Authour của Apple, Kobo Writing Life hay Smashwords.  

Tại Việt Nam, theo báo cáo "Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019" do Google, Temasek và Bain thực hiện, nền kinh tế số Việt Nam năm 2019 trị giá 12 tỷ USD, cao gấp 4 lần so với giá trị của năm 2015 và dự đoán chạm mốc 43 tỷ USD vào năm 2025. Nhờ có nền kinh tế số mà các ngành, nghề kinh doanh sôi động, từ thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến trên các trang mạng xã hội (Facebook, instagram), giải trí (Netflix, Pinterest), giao thông vận tải (Uber, Grab, GoViet) đến phân phối, bán buôn và bán lẻ (Lazada, Shopee)...

Cụ thể, quy mô thị trường thương mại điện tử đạt khoảng 5 tỷ USD, trong khi du lịch trực tuyến khoảng 4 tỷ USD, truyền thông trực tuyến đạt 3 tỷ USD, gọi xe công nghệ khoảng 1 tỷ USD. Việt Nam cũng trở thành nơi đón nhận nguồn vốn đầu tư đứng thứ 3 trong khu vực vào các công ty hoạt động trên nền tảng công nghệ thông tin, internet; với 0,35 tỷ USD cho 137 thương vụ trong năm 2018 và 0,26 tỷ USD cho 54 thương vụ trong năm 2019. Một số thương vụ đầu tư vào MoMo, Sendo, Topica từ các nhà đầu tư quốc tế, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, kinh tế nền tảng phát triển tại Việt Nam chủ yếu vẫn là nền tảng giao dịch và được phát triển dựa trên các nền tảng sáng tạo đã có sẵn của thế giới như: Facebook, Google, Youtube, Grab, Gojek, Lazada, Shopee... Những nền tảng phát triển bởi Việt Nam còn hạn chế, tập trung chủ yếu ở các nền tảng thương mại điện tử như: Tiki, Sendo, Thegioididong, Dienmayxanh, FPTshop. Nổi bật trong lĩnh vực xuất bản có nền tảng Waka của Vega Corporation, lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng có các nền tảng Smartlog, BKAV VALA... Nền tảng thanh toán có Momo, VNpay... Nền tảng quản trị doanh nghiệp có Misa, 1Office, MVs Security Box, Cystack... Khả năng cạnh tranh so với các nền tảng thương mại lớn của các tập đoàn/công ty đa quốc gia chưa thực sự cao.

Mức độ chủ động tham gia phát triển nền tảng kinh doanh tại Việt Nam cũng còn nhiều yếu kém và có phần tự phát. Thể chế, chính sách còn nhiều bất cập. Cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội; hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia mới được hình thành, chưa đồng bộ và hiệu quả. Quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động do hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn nhiều hạn chế; nhiều doanh nghiệp còn bị động, năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại còn thấp. Việc đấu tranh với tội phạm, bảo đảm an ninh mạng còn nhiều thách thức...

Đề xuất, khuyến nghị

Nhằm thúc đẩy và phát triển mạnh mẽ mô hình kinh doanh này trong tương lai, thời gian tới, Việt Nam cần tập trung thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, xây dựng và công bố quy hoạch ngành về phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin. Trên cơ sở đó, ban hành các chuẩn trao đổi thông tin giữa các cơ quan liên quan, để tạo sự liên kết, đồng bộ trong quá trình đầu tư và phát triển hạ tầng dựa vào ứng dụng công nghệ thông tin.

Thứ hai, sớm xây dựng ban hành các nghị định về chia sẻ dữ liệu; về bảo vệ dữ liệu cá nhân; về xác thực điện tử; về bảo vệ dữ liệu cá nhân và bảo đảm quyền riêng tư của cá nhân.

Thứ ba, tạo môi trường và hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp công nghệ trong nước, chú trọng đầu tư cho khoa học, công nghệ, tạo môi trường cho việc vươn lên tự chủ và nội sinh hóa nền khoa học, công nghệ quốc gia.

Thứ tư, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nguồn nhân lực cho nền kinh tế số, đưa nội dung về phát triển kinh doanh nền tảng vào trong giảng dạy các học phần kinh tế. Nghiên cứu thay đổi nội dung, phương pháp đào tạo; tập trung vào thúc đẩy đào tạo về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, ngoại ngữ, tin học....

Thứ năm, đẩy mạnh đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật số, cũng như các giải pháp công nghệ số hiện đại để triển khai ứng dụng số kết nối thông minh, đẩy nhanh ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, hiệu quả hóa chính phủ điện tử…

Thứ sáu, các doanh nghiệp Việt Nam cần thúc đẩy tích hợp công nghệ số hoá, phát triển những giải pháp sản xuất, kinh doanh dựa trên số hoá; thu thập, phân tích và xử lý dữ liệu lớn để tạo ra những tri thức mới, hỗ trợ ra quyết định và tạo lợi thế cạnh tranh; tối ưu hóa mô hình sản xuất, kinh doanh, phát triển kỹ năng mới cho từng cá nhân và tổ chức...

Tóm lại, kinh doanh nền tảng công nghệ đã và đang trở thành hình thức kinh doanh chính yếu, dần dần thay thế vị trí trọng tâm của kinh doanh tuyến tính truyền thống. Với những ưu điểm vượt trội như kết nối rộng rãi người tiêu dùng, giảm thiểu các chi phí trung gian, giảm thiểu chi phí mở rộng quy mô thị trường, mang đến nhiều lợi ích cho khách hàng... thì kinh doanh nền tảng hứa hẹn phát triển mạnh trong tương lai.

Tuy nhiên, kinh doanh nền tảng tại Việt Nam chưa phát triển tương xứng và để có thể thúc đẩy phát triển kinh doanh nền tảng của các doanh nghiệp Việt, Nhà nước cần hỗ trợ thiết lập những cơ sở hạ tầng kết nối ổn định, ban hành chính sách, thể chế khuyến khích phát triển nền tảng số, hỗ trợ cho các tổ chức, doanh nghiệp khởi nghiệp về nền tảng; có chính sách đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật số ngay từ trong các trường đại học. Doanh nghiệp Việt Nam cũng cần nâng cao ý thức, tích cực học tập, tiếp thu thúc đẩy tích hợp công nghệ số hoá, phát triển những giải pháp sản xuất, kinh doanh dựa trên số hoá nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.   

Tài liệu tham khảo:

1. Đỗ Nam Nghĩa (2020), Giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế số ở Việt Nam, Tạp chí tài chính;

2. Phan Kỷ (2021), Thác thức từ doanh nghiệp công nghệ đa quốc gia, Nhân dân điện tử;

3. Lê Việt (2021), Thời cơ, vận hội mới để phát triển nền kinh tế số, xã hội số Việt Nam, Chinhphu.vn;

4. Smart Factory, Platform là gì ? Có những mô hình kinh doanh platform nào? https://ciovn.org/2020/07/platform-la-gi-co-nhung-mo-hinh-kinh-doanh-platform-nao-phan-1;

5. Carmen-Alexandra Stoian  & Dragos Tohanean (2021), Platform Business Models – A Case Study of the Technology Industry, Journal  of  Economics  and  Management  Sciences;  Vol.  4;

6. Magaretha Rebbe & Selma Masinovic, 2020, Master Thesis: Platform Business Model Compass - guiding platform companies through business model.

(*) Lưu Khánh Cường - Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ Thuật Công nghiệp.

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 7/2021.