Vận dụng công cụ quản lý hiện đại của kế toán quản trị trong các doanh nghiệp thủy sản


Kế toán quản trị cung cấp các thông tin hữu ích về các nội dung như phân loại chi phí, kiểm soát chi phí, lập dự toán trong doanh nghiệp, phân tích thông tin nhằm phục vụ cho việc ra quyết định ngắn hạn và dài hạn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Để giúp cho nhà quản trị đưa ra quyết định phù hợp cần vận dụng đúng các công cụ quản lý hiện đại của kế toán quản trị. Bài viết phân tích vai trò của các công cụ quản lý hiện đại của kế toán quản trị, đánh giá thực trạng vận dụng các công cụ này trong doanh nghiệp thủy sản, đưa ra một số phương hướng vận dụng các công cụ quản lý hiện đại của kế toán quản trị trong các doanh nghiệp thủy sản hiện nay .

Kế toán nói chung và kế toán quản trị (KTQT) nói riêng ngày càng phát triển nhằm đáp ứng cho nhu cầu quản lý của các nhà quản trị. Hiện nay, ngành Thuỷ sản Việt Nam là một trong số các ngành kinh tế mũi nhọn, đi đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) thuỷ sản Việt Nam luôn phải đối mặt với những thách thức về chất lượng, giá cả, tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực thẩm...

Để vượt qua được thách thức này, các DN cần phải sử dụng các công cụ quản trị hiệu quả nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh. Vì vậy, vận dụng các công cụ quản lý hiện đại của KTQT trong DN thủy sản là cần thiết nhằm đưa ra các quyết định đúng đắn, kịp thời.

Các công cụ quản lý hiện đại của kế toán quản trị

KTQT đã có sự thay đổi trong việc sử dụng các công cụ, kỹ thuật (Burns & Vaivio, 2001). Theo đó, KTQT đã sử dụng các công cụ quản lý hiện đại như: Bảng điểm cân bằng, phương pháp xác định chi phí theo hoạt động và kế toán tinh gọn.

Bảng điểm cân bằng

Bảng điểm cân bằng (BSC) là phương pháp quản lý hiện đại dựa trên mục tiêu, khái niệm thẻ điểm cân bằng lần đầu tiên được giới thiệu vào năm 1992 bởi hai giáo sư đại học Harvard là Robert S. Kaplan và David Norton nhằm thúc đẩy và đo lường hiệu quả hoạt động của các đơn vị kinh doanh. Theo đó, định hướng phát triển của DN được thể hiện bằng các chỉ tiêu, các mục tiêu được tổ chức đó xây dựng một cách hài hòa, cân đối dựa trên các ưu tiên quan trọng của tổ chức, DN.

Khái niệm BSC trong KTQT đã tạo lập nên điểm khởi đầu cho khái niệm về mục tiêu tổng thể của một DN là tạo ra giá trị kinh tế dài hạn với bốn viễn cảnh (tài chính, khách hàng, quy trình nội bộ và học hỏi phát triển) đã giúp cho các nhà quản lý có được bức tranh cân bằng về hiệu quả hoạt động hiện tại, cũng như các nhân tố là động lực tăng trưởng cho tương lai.

BSC nhanh chóng được các DN, cơ quan, chính phủ, các tổ chức phi lợi nhuận khắp nơi trên thế giới áp dụng, trong đó có Việt Nam. Gần 20 năm sau, trong kết quả khảo sát toàn cầu về các công cụ quản lý, năm 2011 do Hãng tư vấn Bain công bố, Thẻ điểm cân bằng đã lọt vào Top 10 công cụ quản lý được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới. Theo đó, BSC gồm 4 yếu tố cơ bản sau:

(i) Tài chính: Đóng vai trò quan trọng trong hoạt động chung của công ty; phản ánh kết quả kinh doanh của toàn công ty ở quá khứ, hiện tại và cả những chiến lược kinh doanh trong tương lai.

(ii) Khách hàng: Bao gồm các chỉ tiêu của các bộ phận về khả năng thỏa mãn nhu cầu khách hàng, khả năng nắm giữ khách hàng…

(iii) Hoạt động nội bộ: Tập trung vào kết quả về khả năng cung cấp các sản phẩm dịch vụ, nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng.

(iv) Học tập, kinh nghiệm và tăng trưởng: Để tồn tại và phát triển lâu dài của DN vì nó xác định các yếu tố quan trọng nhất để tạo ra giá trị cho DN.

Bảng điểm cân bằng cung cấp cho các nhà quản trị một khung mẫu toàn diện biến tầm nhìn chiến lược của công ty thành một tập hợp chặt chẽ các thước đo hiệu quả hoạt động. Xuất phát từ các mục tiêu của các khía cạnh nhà quản trị sẽ xây dựng các chỉ tiêu đo lường như trên, nhằm cân đối mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn, giữa mục tiêu bên ngoài và mục tiêu bên trong DN.

Phương pháp xác định chi phí theo hoạt động

Phương pháp xác định chi phí theo hoạt động ABC là phương pháp xác định chi phí dựa trên các hoạt động, căn cứ vào mối quan hệ giữa chi phí và hoạt động tạo ra chi phí. Phương pháp này được thiết kế nhằm khắc phục các nhược điểm của những hệ thống tính giá thành truyền thống, đó là hệ thống tính chi phí theo hoạt động. Đây là phương pháp tính chi phí được sử dụng để tính thẳng chi phí chung vào các đối tượng tính chi phí. Những đối tượng này có thể là các sản phẩm, dịch vụ, quá trình, hoặc khách hàng… Phương pháp ABC cũng giúp cho nhà quản lý ra được những quyết định tương ứng với cơ cấu sản phẩm và chiến lược cạnh tranh của DN mình.

Khi áp dụng phương pháp ABC cần quan tâm 4 nội dung sau: Đối tượng chịu phí, tổng nguồn chi phí cần phân bổ, hoạt động và tiêu thức phân bổ. Về mặt lý thuyết vận dụng phương pháp ABC cần thực hiện các bước sau:

Một là, xác định các hoạt động. Để có thể thực hiện được phương pháp ABC, thì toàn bộ quá trình kinh doanh phải được chia ra làm nhiều nhóm các hoạt động. Những hoạt động này thường vẽ ra lưu đồ của quá trình để xác định được những hoạt động chính này. Để có thể thiết lập được những hoạt động cần thiết cho phương pháp ABC, những quy trình đồng nhất phải được nhóm lại với nhau.

Hai là, xác định tổng chi phí phát sinh. Một khi những hoạt động chính đã được xác định, thì tổng chi phí của từng hoạt động cần phải được tính toán. Trước tiên, nhóm chi phí liên quan đến từng hoạt động phải được ghi nhận. Để tính chính xác các chi phí này vào từng hoạt động, thì những tiêu thức phân bổ chi phí trong giai đoạn một, phải được ấn định cho từng nhóm chi phí.

Ba là, lựa chọn tiêu thức phân bổ chi phí. Các hoạt động được tính cho các sản phẩm bằng việc sử dụng tiêu thức phân bổ chi phí giai đoạn hai. Cũng như tiêu thức phân bổ chi phí của giai đoạn một, thông tin cần thiết cho tiêu thức phân bổ chi phí giai đoạn hai có thể không dễ dàng có sẵn để thể hiện các tỷ lệ tương ứng cho từng loại sản phẩm.

Bốn là, xác định chi phí đơn vị để phân bổ. Sau khi tập hợp chi phí và lựa chọn tiêu thức phân bổ thì việc xác định chi phí đơn vị là cơ sở để tập hợp chi phí theo đối tượng.

Năm là, tập hợp chi phí xác định theo đối tượng chịu phí. Trên cơ sở chi phí đơn vị và mức hoạt động cũng như sản xuất của từng đối tượng sẽ tiến hành lập chi phí cho từng đối tượng. Hệ thống chi phí theo phương pháp ABC đòi hỏi những thay đổi về tổ chức, chấp nhận của nhân viên, đầu tư vào phần mềm và phần cứng, thiết bị thu thập dữ liệu, và nhiều thứ khác nữa.

Mặc dù, phương pháp ABC đã được sử dụng thành công trong rất nhiều công ty lớn nhưng nó lại không đảm bảo việc hoàn vốn trong một thời gian ngắn. Sử dụng phương pháp nêu trên cho việc thực hiện phương pháp, rủi ro của việc chuyển đổi từ hệ thống tính chi phí truyền thống sang hệ thống ABC có thể giảm đi đáng kể.

Phương pháp trên thích hợp hơn cho những DN nhỏ bởi vì nó mang lại một sự chuyển đổi tương đối nhẹ từ phương pháp truyền thống sang phương pháp ABC mà không đòi hỏi một sự đầu tư lớn nào trong hệ thống thu thập dữ liệu phức tạp và nó cũng không yêu cầu phải tái cấu trúc lại DN. Do vậy, phương pháp ABC có thể được sử dụng như một bước trung gian cho việc thực hiện từng bước hệ thống ABC một cách hoàn chỉnh khi mà những dữ liệu ước đoán được thay thế hoàn toàn bằng những dữ liệu thực tế, nhiều nguồn lực về mặt thời gian, tài chính, nhân lực.

Quản trị chi phí trong môi trường sản xuất tinh gọn

KTQT chi phí trong môi trường sản xuất tinh gọn là kế toán kiểm soát chi phí trên cơ sở giảm thiểu những gì không cần thiết. Kế toán tinh gọn là mô hình kế toán áp dụng cho những DN ứng dụng quy trình sản xuất tinh gọn. Mô hình này bao gồm những phương pháp như: Tổ chức và quản lý chi phí theo dòng giá trị, thay đổi kỹ thuật đánh giá hàng tồn kho và đưa thêm một số thông tin phi tài chính vào báo cáo tài chính công ty...

Kế toán tinh gọn nhằm giảm thiểu các chi phí  lãng phí trong quá trình sản xuất như: giảm chi phí hàng tồn kho, tìm cách loại bỏ sản phẩm dở dang, tìm kiếm nguyên vật liệu đầu vào với mức giá thấp… Ưu điểm của kế toán tinh gọn là cắt giảm chi phí được thực hiện ngay từ khâu thiết kế sản phẩm, thu mua nguyên vật liệu đầu vào đến khâu tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Qua đó, giúp nhà quản trị kiểm soát tốt chi phí, hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm trên thị trường. Ngoài ra, còn giúp cho DN có sự phân cấp rõ ràng trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm của nhân viên.

Vận dụng các công cụ quản lý hiện đại của kế toán quản trị trong doanh nghiệp thủy sản

Trong 5 năm qua, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam luôn đứng thứ 4 trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội của nước ta. Tuy nhiên, ngành Thuỷ sản cũng đứng trước những thách thức lớn như: Dư thừa lao động ở các vùng ven biển, nguồn nhân lực còn ít được đào tạo, cuộc sống vật chất thiếu thốn là sức ép rất lớn cả về kinh tế xã hội. Cơ sở hạ tầng yếu, chưa đồng bộ, công nghệ lạc hậu trong khai thác, nuôi trồng, chế biến dẫn đến năng suất và hiệu quả kinh tế thấp.

Mặc dù, có những bước tiến đáng kể và là ngành kinh tế xuất khẩu quan trọng của Việt Nam nhưng sự phát triển của ngành Thủy sản Việt Nam chưa bền vững, chất lượng sản phẩm chưa ổn định. Do đó, trong công tác quản lý ở các DN thủy sản cần có sự thay đổi như vận dụng các công cụ KTQT.

Nghiên cứu thực trạng về việc vận dụng các công cụ KTQT trong DN của tác giả thì hầu hết các DN thủy sản có áp dụng các các công cụ truyền thống trong KTQT như: Kiểm soát, phân loại chi phí, phân tích chi phí - sản lượng - lợi nhuận… Tuy nhiên, rất ít DN áp dụng các công cụ quản lý hiện đại như: phương pháp ABC, phương pháp sản xuất tinh gọn, BSC… mặc dù, các công cụ này đóng vai trò quan trọng trong quản lý và kiểm soát của DN.

Nghiên cứu việc vận dụng các công cụ quản lý hiện đại là một yêu cầu cấp thiết đối với các DN thủy sản hiện nay. Qua đó, giúp nhà quản trị kiểm soát hoạt động, đánh giá chất lượng về kết quả của hoạt động của những bộ phận của đơn vị. Đối với các DN thủy sản cần tập trung thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, đối với phương pháp bảng điểm cân bằng. DN cần xem xét, đánh giá các nhân tố ảnh hưởng trước khi triển khai áp dụng, cần có chiến lược kinh doanh, mục tiêu cụ thể. Vì bảng điểm cân bằng cung cấp cho các nhà quản trị một mô hình toàn diện, đưa ra các thước đo hiệu quả hoạt động, các thước đo này thể hiện sự cân bằng giữa quá khứ và tương lai, giữa bên trong và bên ngoài nên cần đảm bảo các DN lập kế hoạch rõ ràng, thường xuyên.

Thứ hai, các nhà quản trị cần có sự phân chia trách nhiệm rõ ràng cho các cấp quản lý, BSC không chỉ là công cụ quản trị hiệu quả mà còn là phương thức truyền thông để các nhà quản lý trao đổi các kinh nghiệm, mục tiêu với nhau, cụ thể là các mục tiêu như giảm chi phí, tăng doanh thu, tiết kiệm nguyên vật liệu…

Thứ ba, đối với phương pháp xác định chi phí theo hoạt động. Phương pháp này sẽ phù hợp với các DN thủy sản vì các DN này sản phẩm đa dạng, quy trình sản xuất qua nhiều công đoạn, nhiều hoạt động. Phương pháp ABC không đồng nhất chi phí sản phẩm cho mọi mức độ sản xuất mà nó phân bổ chi phí hoạt động cho các đối tượng, không giống phương pháp tính giá truyền thống nên sẽ phù hợp đối với DN thủy sản.

Thứ tư, đối với phương pháp kế toán tinh gọn: Trong điều kiện công nghệ phát triển như hiện nay thì việc tinh gọn chi phí là vấn đề quan tâm. Do vậy, cần xây dựng các thước đo đánh giá, kiểm soát, đo lường, sử dụng chi phí mục tiêu thay cho chi phí định mức truyền thống. Kế toán tinh gọn nhằm giảm thiểu các chi phí lãng phí trong quá trình sản xuất nên phải tận dụng tối đa nguyên vật liệu, sử dụng tiết kiệm, tập trung vào chất lượng sản phẩm, lập kế hoạch cụ thể từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ.   

Hiện nay, tại Việt Nam, việc vận dụng các công cụ quản lý của KTQT vẫn là một vấn đề khá mới mẻ đối với các DN, đặc biệt là các DN thủy sản. Nếu vận dụng hiệu quả các công cụ quản lý này sẽ giúp cho việc kiểm soát và điều hành hoạt động kinh doanh của các nhà quản trị trong DN, qua đó sẽ giúp DN phát huy tối đa nguồn lực hiện có, đạt hiệu quả kinh doanh cao và tạo thế mạnh cạnh tranh trên thị trường.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Tài chính (2006), Thông tư số 53/2006/TT-BTC hướng dẫn áp dụng kế toán quản trị trong các DN;
  2. Nguyễn Thị Minh Phương (2017), Một số phương hướng vận dụng công cụ quản lý của kế toán quản trị trong DN Việt Nam, Kỷ yếu hội thảo khoa học;
  3. http://eduviet.vn/tin-tuc/bsc-la-gi-khai-niem-the-diem-can-bang.html;
  4. http://vasep.com.vn/; tapchitaichinh.vn.