Chờ đợi gì tại vòng đàm phán thứ 4 về Brexit?

Theo baoquocte.vn

Ba ngày sau khi Thủ tướng Anh Theresa May tìm cách thổi “luồng gió mới” vào các cuộc thương thuyết Brexit, các nhà đàm phán châu Âu kỳ vọng được nghe chi tiết hơn trong cuộc gặp ngày 25/9.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bộ trưởng Brexit của Thủ tướng Anh, ông David Davis dự kiến có mặt tại Brussels để khởi động vòng đàm phán thứ 4 với Trưởng đoàn đàm phán Liên minh châu Âu (EU) Michel Barnier.

Cần đề xuất cụ thể từ Anh

Trước đó, ngày 22/9, trong bài trình bày về đường hướng Brexit của Anh tại Florence (Italy) , bà Theresa May ngầm thể hiện sự nhượng bộ của Anh đối với các điều khoản về việc “ly hôn” và vẽ ra viễn cảnh tốt đẹp cho mối quan hệ hữu hảo tương lai.

Ông Barnier đánh giá bài phát biểu của Thủ tướng Anh Theresa May tại Florence (Italy) ngày 22/9 là “có tính xây dựng” song vẫn muốn nghe thêm những đề xuất cụ thể. Theo ông, nếu thiếu “những tiến triển lớn” về 3 thành tố then chốt trong hiệp định nhằm tạo thuận lợi cho quá trình nước Anh rời khỏi EU vào tháng 3/2019, các nhà lãnh đạo EU sẽ từ chối tiến hành bất kỳ các cuộc đàm phán nào về thỏa thuận hợp tác và tự do thương mại, chứ chưa nói đến đề xuất về 2 năm chuyển tiếp mà bà May đề cập.

Bài phát biểu của bà May được kỳ vọng sẽ phá vỡ thế bế tắc của các cuộc thương thuyết sau 3 tháng được khởi động, thể hiện sự thống nhất trong chính phủ về quan điểm duy trì tư cách trong khối thị trường châu Âu và chấp nhận các nguyên tắc trong 2 năm sau Brexit. Đây là điều không dễ chấp nhận với những người muốn Anh nhanh chóng rút khỏi khối này.

Tuy nhiên, phần lớn bài phát biểu kéo dài 35 phút của bà May lại tập trung vào chủ đề “Chia sẻ tương lai”. Một quan chức cao cấp của EU cho biết, bài phát biểu của bà May sử dụng những câu văn kiểu như “có nhiều yếu tố tích cực, nhất là đối với mối quan hệ trong tương lai”, song trong những vấn đề liên quan tới cuộc chia ly, bà ấy lại không hề nói bất kỳ điều gì cụ thể. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi trông đợi vào việc có được những đề xuất chi tiết”. Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit David Davis sẽ có cuộc gặp với ông Barnier vào chiều 25/9, trước khi giới chức tiến hành cuộc đàm phán vào ngày 28/9.

 Cơ hội phá bỏ rào cản

Theo AFP, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh ngay sau khi nghe bài phát biểu của bà May: “Nếu ba vấn đề ("hóa đơn ly hôn", quyền lợi của các công dân EU và biên giới Bắc Ireland với Cộng hòa Ireland) không được làm rõ, chúng tôi khó có thể tiến tới các vấn đề khác”.

Nhà lãnh đạo Pháp cũng nhấn mạnh mọi chuyện phụ thuộc vào đánh giá của ông Barnier về các đề xuất chi tiết từ phía Anh. Các cuộc gặp được xem là cơ hội để phá bỏ những rào cản đối với lộ trình ra đi của London. Giới chức hai bên cũng gặp nhau mỗi tháng một lần trước Hội nghị thượng đỉnh EU vào tháng 10 tới, thời điểm để quyết định bước đi tiếp theo.

Một quan chức cấp cao của EU, đề nghị giấu tên, nói: “Ở thời điểm hiện tại, không ai dám kỳ vọng vào khả năng chúng tôi sẵn sàng (mở rộng các cuộc gặp) vào tháng 10”.

Ngày 22/9, trong bài phát biểu tại Florence, Thủ tướng May đã đưa ra 2 nhượng bộ quan trọng: Một là ưu tiên thúc đẩy thỏa thuận về cuộc ly hôn, tôn trọng vai trò của châu Âu trong các phán quyến về quyền công dân EU tại Anh, hai là cam kết Anh vẫn sẽ hoàn thành vai trò đóng góp tài chính cho EU trong tiến trình Brexit.

Về vấn đề đầu tiên, ông Barnier có thể nhắc lại yêu cầu của EU về việc Anh phải tuân thủ phán quyết của Tòa án Công lý châu Âu. Về vấn đề thứ 2, các nhà đàm phán EU nhấn mạnh Anh sẽ phải có trách nhiệm chia sẻ chi tiêu của liên minh trong nhiều năm hậu Brexit.

Một trong những lợi ích từ giai đoạn chuyển tiếp là cho phép Anh công bố với các cử tri một hóa đơn ít “đắt đỏ” hơn so với số tiền trị giá 60 tỷ Euro (tương đương 70 tỷ USD) hoặc hơn mà Brussels cho là Anh sẽ nợ EU vào thời điểm tháng 3/2019. Một phần ba số tiền này là khoản đóng góp mà EU muốn dùng để bù cho lỗ hổng ngân sách 2019 - 2020 khi Anh rời khối, cho dù nước này có còn ở lại khối thị trường chung EU hay không. Anh có thể sẽ trả khoản tiền này trong giai đoạn chuyển tiếp.

Thủ tướng May sẽ gặp Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, người chủ trì Hội nghị thượng đỉnh EU, tại London vào ngày 26/9 và sau đó có cuộc gặp với 27 nhà lãnh đạo các nước thành viên EU tại Estonia vào ngày 28/9, ngay sau khi vòng đàm phán thứ 4 tại Brussels khởi động.

Tuần này có thể là một thời điểm quan trọng để xác định xem mức độ hai bên (EU - Anh) sẵn sàng mở các cuộc đàm phán về thương mại trong tương lai như thế nào và liệu chiến thuật mà hai bên sử dụng có thể dẫn tới nguy cơ đàm phán không đạt kết quả hay không.