Đối trọng

Theo Huỳnh Vũ/daibieunhandan.vn

Trong khi Mỹ tuyên bố vừa dựng lên hàng rào thuế quan đối với sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu, thì 11 nước thành viên còn lại của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đặt bút ký vào văn kiện mới có tên gọi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) như minh chứng rõ ràng nhất đối với tự do hóa. Hai sự kiện này cho thấy hai xu hướng chuyển động ngược chiều trong thương mại toàn cầu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Sự trở lại của bảo hộ?
Thực hiện một trong những cam kết với cử tri khi tranh cử, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh công bố áp mức thuế suất mới, 25% đối với mặt hàng thép và 10% đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu. Các quy định mới này sẽ bắt đầu có hiệu lực trong vòng 15 ngày tới.
Mexico và Canada là hai nước được miễn trừ chính sách này. Tuy nhiên, việc hai nước láng giềng của Mỹ có tiếp tục được hưởng chính sách này hay không sẽ phụ thuộc một phần vào tiến triển của các cuộc đàm phán về hiện đại hóa Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Bên cạnh đó, tất cả các nước có “mối quan hệ an ninh” với Mỹ có thể thảo luận với chính quyền Mỹ về “những cách thức thay thế” nhằm giải quyết mối đe dọa đối với an ninh quốc gia do hoạt động xuất khẩu các mặt hàng thép và nhôm vào thị trường Mỹ.

Việc miễn thuế đối với những nước trên được coi là động thái có thể làm dịu làn sóng đe dọa trả đũa của các đối tác thương mại của Mỹ và những cảnh báo về tác động nghiêm trọng đối với kinh tế từ các nhà lập pháp và các tập đoàn cũng như doanh nghiệp Mỹ.

Trước khi có bước đi chính thức hóa này, kế hoạch tăng thuế của chính quyền Tổng thống Trump đã vấp phải nhiều chỉ trích và phản đối mạnh mẽ từ các đối tác thương mại lớn như Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc... Các nước này đều cảnh báo biện pháp trả đũa có thể kéo theo cuộc chiến thương mại gây tổn hại cho tất cả các bên.

Các ý kiến phản đối cũng đến từ nội bộ chính giới Mỹ. Một số quan chức chính quyền Mỹ cảnh báo quyết định áp thuế sẽ gây ra những “hậu quả không mong muốn” và gọi đây là sự kết hợp “tai hại” giữa chủ nghĩa bảo hộ và sự bất ổn.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Orrin Hatch - Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ, nhận định, việc tăng mức thuế đối với thép và nhôm là chính sách “sai lầm” của Tổng thống Trump. Ông Hatch, vốn là quan chức thân cận với ông Trump, cho rằng quyết định của nhà lãnh đạo Mỹ sẽ làm tiêu tan những lợi ích mà đạo luật thuế mới đây mang lại.

Tự do hóa là xu thế tất yếu

Trong khi đó, lễ ký kết CPTPP hôm 9/3 của 11 nước thành viên còn lại của TPP diễn ra gần như cùng thời điểm Mỹ công bố các mức thuế thương mại mới, càng khiến nhiều người xem sự kiện này là cú đánh thẳng vào chủ nghĩa bảo hộ.

 Việc Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi TPP năm 2017 đã làm dấy lên lo ngại hiệp định này sẽ không thể thành công. Tuy nhiên, 11 thành viên còn lại vẫn nỗ lực thúc đẩy thỏa thuận này, nói rằng họ đang thể hiện quyết tâm chống lại chủ nghĩa bảo hộ thông qua thương mại toàn cầu.

Sự vắng mặt của Mỹ - thành viên chiếm tới 13,5% GDP toàn cầu, khiến quy mô của CPTPP bị thu hẹp hơn thỏa thuận “tiền thân” TPP rất nhiều. Tuy nhiên, CPTPP vẫn là một thỏa thuận lớn và có ý nghĩa quan trọng.

Nhà nghiên cứu Ignacio Bartesaghi, đang làm việc tại Trường Thương mại thuộc Đại học Công giáo Uruguay, nói: “Trên thế giới chưa có bất kỳ thỏa thuận thương mại nào có sự tham gia của từng ấy quốc gia, và cũng chưa có thỏa thuận nào dài tới 30 trang mà bao trùm hầu hết vấn đề thức thời của nền thương mại quốc tế”.

 Yoichi Funabashi, Chủ tịch cơ quan tư vấn Sáng kiến châu Á - Thái Bình Dương, viết trong bài bình luận đăng trên tờ Washington Post rằng: “Thế giới sẽ không đơn giản ngừng lại chỉ vì sự quay lưng của Mỹ”.

 Julien Marcilly, kinh tế gia trưởng tại công ty bảo hiểm tín dụng Coface, nói: “Ảnh hưởng của CPTPP (khi không có sự tham gia của Mỹ) chắc chắn sẽ thấp hơn kỳ vọng, nhưng thỏa thuận này xứng đáng được tồn tại và đưa vào thực thi một cách nhanh chóng”.

Không chỉ được xem là câu trả lời với sự lạnh nhạt của Washington đối với thương mại toàn cầu, CPTPP còn được kỳ vọng là cơ hội để cải thiện mối quan hệ với nền kinh tế số hai thế giới (Trung Quốc).

Trang mạng timescolonist.com của Canada cho biết một số chuyên gia và quan chức coi CPTPP là thông điệp về sự cần thiết và những ích lợi của các nguyên tắc thương mại toàn cầu gửi tới không chỉ chính quyền Trump mà cả Trung Quốc đang ngày càng gia tăng ảnh hưởng tại châu Á - Thái Bình Dương.