Không phải vô tư

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Ngân hàng BRICS, gồm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, cùng một ngân hàng chuyên trách các dự án hạ tầng châu Á sắp được thành lập, là bước đi nhằm cạnh tranh với các thể chế tài chính lão làng của thế giới là Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Không ngạc nhiên khi Trung Quốc đóng vai trò đầu tàu thúc đẩy tiến trình này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ngay sau khi World Cup 2014 khép lại, ngày 15/7 Brazil chứng kiến một trận đấu khác khi lãnh đạo các nước BRICS nhóm họp tại hai thành phố là Fortaleza và Brasilia nhằm thống nhất địa điểm đặt trụ sở của ngân hàng phát triển chung của nhóm. Giới chuyên gia dự đoán thành phố thắng cuộc tất yếu là Thượng Hải, Trung Quốc.

Theo thỏa thuận, các quốc gia thành viên góp vốn đồng đều cho trụ sở này, ước tính tổng trị giá 50 tỷ USD. Tuy nhiên, BRICS sẽ phải đồng thuận về việc nâng vốn khẩn cấp cho định chế này lên 100 tỷ USD nhằm đối phó với khủng hoảng tài chính. Và Trung Quốc cũng sẽ là nước hùn vốn nhiều nhất với 41 tỷ USD. Tiền hô hậu ủng như vậy, lẽ tất yếu chính quyền Bắc Kinh có tiếng nói lớn về nơi đặt trụ sở cho định chế tương lai.

Đó là trên bình diện thế giới, trong khu vực Trung Quốc đang triển khai một dự án khác không kém phần tham vọng, đó là thành lập Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB), được coi là đối thủ cạnh tranh với một “đại gia” khác trong khu vực là Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hiện do Mỹ và Nhật Bản đứng đầu. Các chuyên gia thậm chí đánh cược ngân hàng này sẽ ra đời sớm hơn ngân hàng của BRICS.

Những kế hoạch dài hạn này đã phản ánh tham vọng của Trung Quốc hạn chế sự phụ thuộc của các nước vào những định chế tài chính đa phương lâu nay do Mỹ, châu Âu và Nhật Bản kiểm soát. Về cơ bản, hai ngân hàng mới trong tương lai có một điểm chung – đó là công cụ để Bắc Kinh hiện thực hóa chiến lược này. Nga và Brazil tuyên bố ngân hàng BRICS có thể “thách thức được sự thống trị về tài chính Mỹ” hay cho phép “theo đuổi các nỗ lực cải cách hệ thống tài chính quốc tế, đang bị tổn hại do sự mất cân đối đáng kể theo hướng có lợi cho phương Tây”.

Về phần mình, Trung Quốc khôn khéo nói rằng dự án AIIB sẽ là “đội bổ trợ” cho ADB do Nhật Bản và Mỹ thống lĩnh cũng như WB. Khái niệm bổ trợ của Bắc Kinh được hiểu là trong khi hai định chế tài chính do Nhật và phương Tây kiểm soát ưu tiên tài trợ các dự án xóa đói giảm nghèo, thì AIIB do Trung Quốc thành lập sẽ chú trọng tới các dự án phát triển cơ sở hạ tầng mà châu Á đang rất cần. Đi kèm với đó là các điều khoản vay ưu đãi khi không bao gồm các ràng buộc mang tính chính trị.

Mới đây, Trung Quốc chính thức đề nghị Hàn Quốc tham gia AIIB và đã nhận được phản hồi tích cực từ Seoul. Dự kiến vốn điều lệ của ngân hàng này khoảng 50 tỷ USD, chủ yếu do Bắc Kinh đảm nhiệm. Ngân hàng mới sẽ có quy mô bằng khoảng 1/3 so với ADB (tổng vốn 174 tỷ USD, theo báo cáo năm 2013). Nhật Bản và Mỹ hiện là hai cổ đông lớn nhất của ADB. Tổng cộng, hai nước có quyền bỏ phiếu 26%, trong khi Trung Quốc chỉ có 5,47%.

Đề nghị của Trung Quốc được giới phân tích nhận định là một thách thức đối với vai trò của ADB - tổ chức được thành lập năm 1966 với sự hỗ trợ của Mỹ và Nhật Bản. Đây cũng là một trong số nhiều động thái mà Trung Quốc đang thực hiện để nâng cao tầm ảnh hưởng ở khu vực: gợi ý về một “siêu khu vực thương mại tự do” ở châu Á.

Theo GS. Oliver Rui, chuyên ngành tài chính kế toán, trường Đại học Kinh doanh quốc tế châu Âu – Trung Quốc ở Thượng Hải, Bắc Kinh muốn đóng vai trò quan trọng hơn trong các tổ chức quốc tế, và cách tốt nhất là tự thành lập những tổ chức mới. Erica Downs - chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu Brookings - cho rằng các nước khác sẽ ít gặp bất lợi hơn nếu các dự án có doanh nghiệp Trung Quốc tham gia được tài trợ bởi AIIB thay vì những ngân hàng chính sách như Ngân hàng Phát triển Trung Quốc hay Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc.

Sáng kiến thành lập AIIB được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu trong cuộc hội đàm với Tổng thống Indonesia Bambang Susillo Yudhoyono hồi tháng 10 năm ngoái khi lần đầu tiên đến Đông Nam Á và tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Bali, Indonesia. Hiện nay, các công trình hạ tầng lớn trong khu vực trông chờ vào tài trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á. Trung Quốc có ảnh hưởng hạn chế trong các quyết định của ngân hàng này.

Ông Tập Cận Bình đã công khai nói về sự sẵn sàng của Trung Quốc, ghé vai đỡ gánh nặng kinh phí trong các dự án cơ sở hạ tầng mới ở khu vực. Tuy nhiên, đây không phải sự giúp đỡ vô tư mà thực chất là phục vụ lợi ích quốc gia của Trung Quốc trong chiến lược mở rộng ảnh hưởng kinh tế tiến tới ảnh hưởng về chính trị.