Tổng thống Mỹ tham vọng gì với gói phát triển hạ tầng quy mô nghìn tỷ USD?

Theo Trung Mến/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Theo Tổng thống Mỹ Joe Biden, việc đầu tư hạ tầng rất quan trọng với việc tăng cường cạnh tranh với các nước đối thủ trên toàn cầu.

Ảnh: CNBC
Ảnh: CNBC

Vào ngày thứ Năm, Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhóm khoảng 10 thượng nghị sỹ Mỹ đã thống nhất về gói phát triển cơ sở hạ tầng quy mô 1 nghìn tỷ USD.

Như vậy, gói phát triển hạ tầng này đã nhận được sự ủng hộ của lưỡng viện lưỡng đảng và nhiều khả năng sẽ được Quốc hội Mỹ thông qua và Tổng thống Joe Biden ký thành luật.

Ông Biden và các chính trị gia Đảng Dân chủ nói nói rằng việc thực hiện được thỏa thuận liên quan đến giao thông, nước và hạ tầng viễn thông sẽ giúp củng có thêm nhiều mục tiêu trong chương trình kích thích kinh tế quy mô 4 nghìn tỷ USD của ông.

Chính trị gia hai đảng sẽ có 2 tuần đối thoại để có thêm sự ủng hộ. Dự luật sẽ cần phải có được tối thiểu 50 phiếu thuận ở Thượng viện và Hạ viện Mỹ với sự áp đảo của Đảng Dân chủ.

Cụ thể chương trình này bao gồm 579 tỷ USD chi tiêu ở cấp độ liên bang, tổng số 973 tỷ USD tiền đầu tư trong vòng 5 năm tới và 1,2 nghìn tỷ USD nếu chương trình này vẫn được tiếp tục trong 8 năm tiếp theo. Thỏa thuận sẽ giúp tăng cường đầu tư vào mạng lưới điện, vận tải, đường sá, cầu cảng và nhiều loại hình hạ tầng khác.

Chi phí sẽ được lấy từ nguồn điều chỉnh lại một số nguồn ngân sách liên bang, đầu tư công ty và nguồn thu từ Cơ quan Thuế vụ Mỹ (IRS). Mỹ có thể sẽ bán đi dự trữ xăng dầu và một số tài sản khác.

Theo ông Joe Biden, việc đầu tư hạ tầng rất quan trọng với việc tăng cường cạnh tranh với các nước đối thủ trên toàn cầu. Ông tuyên bố: “Chúng ta đang trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc và phần còn lại của thế kỷ 21. Thỏa thuận này phát đi thông điệp với thế giới rằng chúng ta có thể vận hành, và làm nhiều điều to lớn”.

Trong phiên giao dịch ngày thứ Năm và ngày thứ Sáu, cổ phiếu của công ty máy xây dựng Caterpillar, công ty sản xuất hàng hóa Martin Marietta Materials và công ty sản xuất máy xây dựng Vulcan Materials tăng điểm sau thông tin về thỏa thuận. 

Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện, ông Chuck Schumer cho biết Thượng viện Mỹ sẽ chấp thuận thỏa thuận này và gói chi tiêu vào giáo dục, y tế và ngăn đói nghèo. 

Quá trình phục hồi ấn tượng của kinh tế Mỹ nhiều khả năng sẽ khiến cho nước Mỹ trở thành địa điểm thu hút đầu tư hàng đầu thế giới trong năm nay và năm sau, theo dự báo mới nhất của Liên hợp quốc. 

Các doanh nghiệp nước ngoài được hấp dẫn bởi khả năng tiêu dùng cá nhân phục hồi nhanh và việc chính quyền Tổng thống Joe Biden công bố kế hoạch đầu tư hạ tầng quy mô hàng nghìn tỷ USD.

Theo số liệu của UN công bố vào ngày thứ Hai, so với năm trước đó, đầu tư nước ngoài của các doanh nghiệp trên khắp thế giới giảm 30% trong năm 2020. Đầu tư nước ngoài vào Mỹ giảm 40% nhưng nước Mỹ vẫn giữ được vị thế đứng đầu, trên cả Trung Quốc. Vào tháng 1/2021, UN từng lo ngại rằng Mỹ sẽ để mất vị thế này.

Đối với năm 2021 và năm 2022, UN dự báo Mỹ sẽ vẫn giữ được vị thế hàng đầu, Trung Quốc ở vị trí thứ 2 bởi nhà đầu tư nước ngoài tăng cường năng lực nhằm đáp ứng nhu cầu hậu đại dịch. 

Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự báo kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng đến 7% trong năm nay nhờ vào các chương trình chi tiêu quy mô đến 6 nghìn tỷ USD và khoảng 2,6 nghìn tỷ USD người Mỹ đã tiết kiệm được trong đại dịch Covid-19.

“Chúng tôi đặc biệt lạc quan về kinh tế Mỹ và thậm chí còn lạc quan hơn nữa”, CEO của công ty thép Australia BlueScope Steel – ông Mark Vassella. Công ty cho biết đang tăng cường tăng năng suất tại Mỹ nhằm đáp ứng nhu cầu từ các hãng xe và công ty xây dựng.