Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Nếu không quyết liệt, nền kinh tế sẽ...
(Tài chính) Chính phủ không quyết liệt xử lý thì hiệu quả sử dụng vốn, tài sản nhà nước sẽ gây áp lực tới nền kinh tế.
Chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân, Đại biểu Quốc hội đoàn TP. Hồ Chí Minh đã nói về sự cần thiết, quyết tâm chính trị trong việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Tình thế không thể chần chừ được nữa!
Phóng viên: Sau hàng loạt phát biểu nhắc nhở về tái cơ cấu DNNN, mới đây, Chính phủ đã ra Nghị quyết về các giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN. Ông bình luận như thế nào về sự quyết liệt lần này của Chính phủ? Trong tình hình như hiện nay, nếu không quyết liệt đẩy nhanh thoái vốn ngoài ngành, cổ phần hóa các DNNN sẽ dẫn tới hậu quả gì?
Tuy nhiên những kết quả đạt được chưa tương xứng với lợi thế, tiềm năng kể cả các nguồn lực mà DN nhà nước đang nắm giữ. Vì thế nhà nước mới có chủ trương đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu kinh tế, trong đó có các DNNN.
Đặc biệt khi có một số DNNN thua lỗ, gây ra hậu quả nghiêm trọng tạo áp lực lên Chính phủ càng phải đẩy nhanh hơn nữa việc tái cơ cấu các DNNN.
Chính những lý do này đẩy Chính phủ vào tình thế buộc phải quyết liệt. Nếu không xử lý thì hiệu quả sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các DNNN sẽ gây áp lực tới nền kinh tế.
Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu DNNN không phải chỉ con một con đường duy nhất là cổ phần hóa mà còn có thể sử dụng đồng bộ các giải pháp như thoái vốn, sáp nhập, hợp nhất, bán thanh lý, giải thể, phá sản…
Cùng với quá trình đó là hoàn thiện thể chế để nâng cao hiệu quả các DNNN đang còn giữ để quản lý vốn tốt hơn tại các DN này.
Trong các giải pháp được đưa ra, đáng chú ý, Thủ tướng quy trách nhiệm cho người đứng đầu là các Bộ chủ quản. Theo đó, Bộ trưởng sẽ phải chịu trách nhiệm nếu DN nhà nước thuộc Bộ chậm tái cơ cấu. Ông đánh giá như thế nào về việc quy trách nhiệm này? Để thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, các Bộ trưởng có gặp khó khăn gì không và tại sao?
Một trong những khuyết điểm của việc điều hành thời gian vừa qua là để xảy ra những vấn đề thất thoát vốn, gây hậu quả nhưng trách nhiệm không được làm rõ.
Lần này Thủ tướng trong chỉ đạo đã có những yêu cầu cụ thể trong Nghị quyết 15, giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành địa phương, tổng công ty… có trách nhiệm đôn đốc giám sát quá trình tái cơ cấu.
Tôi nghĩ đây là động thái quyết liệt. Dù quyết định này không phải là mới nhưng đạt được sự đồng thuận cao.
Thực tế quá trình cổ phần hóa DNNN đã thực thi gần 20 năm qua và đã có 4.000 DNNN được cổ phần hóa. Qua đó cũng có quá nhiều bài học về cổ phần hóa. Thế nhưng trong 3 năm gần đây mỗi năm cổ phần hóa chỉ được 30 DNNN.
Sở dĩ chậm như vậy một mặt cũng là phải hoàn thiện thể chế. Nay thể chế đã được hoàn thiện đảm bảo quá trình cổ phần hóa không gây thất thoát vốn nhà nước, tránh chồng chéo kiểu vừa đá bóng vừa thổi còi trong các cơ quan quản lý với các DNNN.
Trong trường hợp việc thoái vốn của các DN nhà nước thuộc các Bộ vẫn ì ạch, trách nhiệm và việc xử lý trách nhiệm các Bộ trưởng sẽ được xem xét thế nào, thưa ông? Ai là người sẽ có quyền xử lý trách nhiệm trong trường hợp này?
Tôi nghĩ là hiện nay các chỉ đạo từ Đảng, Quốc hội, Chính phủ đều đã có Nghị quyết nhằm đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế trong đó tái cơ cấu DN là mũi nhọn. Do vậy các bộ trưởng chắc chắn phải thực thi.
Vấn đề còn lại là tăng cường việc giám sát và các đại biểu Quốc hội sẽ căn cứ vào đó thể hiện phiếu tín nhiệm của mình trong quá trình cổ phần hóa DNNN tại các bộ.
Dứt khoát phải minh bạch, công khai!
Một vấn đề khác cũng được dư luận hết sức quan tâm là trong Nghị quyết lần này là Thủ tướng cho phép thoái vốn dưới giá. Trong bối cảnh nhiều tập đoàn nước ngoài đang tham gia tích cực vào việc mua cổ phần của các DN nhà nước Việt Nam, nếu không minh bạch và có biện pháp giám sát chặt chẽ, điều gì có thể xảy ra, thưa ông, đặc biệt khi dư luận cảnh báo việc các tập đoàn ngoại thâu tóm DN nội?
Tôi nghĩ rằng việc thoái vốn tại các DNNN, quá trình cổ phần hóa các DN phải tuân theo pháp luật, trong đó rất nhiều Nghị định, văn bản quy định về vấn đề này. Trong đó trên hết là phải đảm bảo tính minh bạch, công khai.
Trong việc thoái vốn thì phải chấp nhận kinh doanh có khi lời, lỗ. Tuy nhiên ở đây phải minh bạch lỗ đó là do việc kinh doanh thua lỗ hay là do tiêu cực, đó mới là vấn đề.
Còn việc thua lỗ do nguyên nhân kinh tế thế giới suy thoái, khủng hoảng tài chính... thì là do khách quan thì phải chấp nhận.Cho nên việc thoái vốn, cổ phần hóa là không thể chần chừ thêm.
Hiện nay chủ trương của Đảng và Chính phủ hết sức rõ ràng. Nói là cổ phần hóa nhưng không có nghĩa là bán hết DNNN mà xử lý từng ngành nghề. Tất nhiên sẽ có những DN sẽ phải tiếp tục đầu tư như an ninh quốc phòng, hay điện nước, lương thực, thực phẩm, vùng sâu vùng xa...
Tuy nhiên ta phải xem giữ cái gì cần giữ, chú ý tới cái chất lượng của DNNN hơn là số lượng. Phải ưu tiên cho sự ổn định kinh tế vĩ mô.
Còn lại đã là cổ phần hóa thì kể cả nhà đầu tư nước ngoài mua cũng là tốt. Tất nhiên họ cũng còn phải xem tiềm năng như thế nào.
Tôi cho rằng ở đây vấn đề bán được nhiều hay ít không quan trọng mà cơ bản là thay đổi được mô hình quản trị DN để nâng cao việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn.
Thủ tướng từng nói nếu làm ăn thua lỗ chủ tịch tập đoàn sẽ bị cách chức, vậy trong trường hợp thoái vốn dưới giá so với đầu tư ban đầu thì theo ông nên tính toán, quy trách nhiệm như thế nào?
Như tôi đã nói ở trên cần phải xem xét vấn đề một cách minh bạch. Còn việc mua bán phải tuân theo đúng luật định.
Mặt khác, theo Nghị quyết của Chính phủ, SCIC lại được nhận nhiệm vụ mua lại cổ phần của những DN nào thoái vốn thất bại. Liệu theo cách làm này, phần kinh doanh không hiệu quả nhất có trở lại trở lại phía Nhà nước (SCIC)? Nếu yêu cầu SCIC mua lại cổ phần như vậy thì phải kèm theo cách xử lý như thế nào, thưa ông?
Ở đây chúng ta phải hiểu SCIC mua lại với giá nào. Vấn đề là Chính phủ đã chấp nhận thoái vốn dưới mệnh giá và theo thị trường. Mà đã theo giá thị trường thì chắc chắn có người mua và nếu trong trưởng hợp không ai mua thì phải xem lại định giá.
Trong quá trình thoái vốn cần thiết có đơn vị trung gian là SCIC nhưng không có nghĩa SCIC mua với bất cứ giá nào, và bất cứ cái gì mà phải cần tính toán theo giá thị trường.
Liệu ông có thể dự báo diện mạo khối DN nhà nước nói riêng và diện mạo nền kinh tế Việt Nam nói chung sau khi việc thoái vốn được hoàn tất theo chỉ đạo của Thủ tướng?
Hiện nay điều quan trọng nhất là niềm tin. Như vậy có nghĩa người dân và các DN tư nhân đang theo dõi quá trình triển khai cổ phần hóa, sự quyết liệt của Chính phủ giữa nói và làm đến đâu.
Không thể để xã hội xem toàn bộ DNNN lúc nào cũng là yếu kém, là tiêu cực. Tái cơ cấu là để hiệu quả tốt hơn, đóng góp nhiều hơn và chống tiêu cực, minh bạch hơn.
Cho nên quyết tâm chính trị là phải làm được và đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong các DNNN. Bởi vì khi các DN tư nhân làm và đóng thuế thì tiền thuế đó phải phục vụ được thực tế chứ nếu chỉ để bù lỗ cho các DNNN không hiệu quả thì niềm tin sẽ bị giảm sút.
Thời gian gần đây Chính phủ đã phải đẩy nhanh, tiếp tục hoàn thiện thể chế để tách bạch quyền sở hữu và quyền quản lý để làm rõ hơn trách nhiệm của người đứng đầu trong các tập đoàn, DNNN đó.
Việc tái cơ cấu DNNN thành công sẽ tăng uy tín trong điều hành của Chính phủ rất cao và tạo sự đồng thuận của xã hội, qua đó sẽ tăng sức mạnh tổng hợp cho phát triển kinh tế.
Xin trân trọng cảm ơn ông!