Tài sản sở hữu trí tuệ: Doanh nghiệp vẫn thờ ơ!

Theo Dương Cầm/daibieunhandan.vn

Trong quá trình hội nhập quốc tế, tài sản sở hữu trí tuệ có vai trò, ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển của doanh nghiệp nhưng nhiều khi chưa được đánh giá đúng và đủ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 Đó là khẳng định của các chuyên gia tại hội thảo Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài khi đánh giá về sự chủ động của doanh nghiệp Việt Nam đối với việc đăng ký bảo hộ quyền.

Theo các chuyên gia, mọi doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư và tham gia vào thị trường Việt Nam đều nắm vững các quy định về bảo hộ sở hữu trí tuệ. Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, danh sách đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hiện nay đa phần là các doanh nghiệp nước ngoài, có rất ít hồ sơ yêu cầu của các doanh nghiệp Việt Nam.

Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp chia sẻ thẳng thắn rằng “chưa quan tâm nhiều lắm tới bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài”, hoặc “có quan tâm nhưng chưa tìm hiểu được nhiều thông tin”, thậm chí có doanh nghiệp còn cho rằng “sản phẩm của doanh nghiệp không mang tính đại trà, chắc khó có hàng giả, hàng nhái khi xuất khẩu”. Hay một doanh nghiệp xuất khẩu khá nhiều mặt hàng nhưng cho đến thời điểm này, chủ doanh nghiệp cũng bày tỏ, chưa cảm thấy lo lắng lắm với vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài.

Dường như bài học nhãn tiền như vụ việc của cà phê Trung Nguyên, vì không thực hiện việc đăng ký thương hiệu tại các quốc gia khác, nên từng bị Công ty Rice Field đăng ký bảo hộ thương hiệu café Trung Nguyên tại Mỹ và Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) hay thương hiệu thuốc lá Vinataba của Việt Nam đã bị một công ty của Indonesia đăng ký thương hiệu tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và 9 nước khác tại Asean, vẫn không khiến doanh nghiệp trong nước bận tâm hay vì lý do nào khác?

Phải chăng chi phí bảo hộ sở hữu trí tuệ ở nước ngoài khá cao nên doanh nghiệp băn khoăn không biết có nên đầu tư một khoản lớn chỉ để bảo hộ quyền; do doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu trầm trọng thông tin về bảo hộ sở hữu trí tuệ; hay đơn giản là không có thói quen đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ?

Nói như một số chuyên gia, dường như doanh nghiệp Việt đang bị động trong tìm kiếm thông tin. Có bao nhiêu doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu chuẩn bị thông tin, kinh phí trước đó một thời gian để chủ động trong việc bảo hộ và rút ngắn thời gian xin bảo hộ? Những thông tin như mặt hàng này đã có sản phẩm tương tự chưa, chi phí bảo hộ tại quốc gia này là bao nhiêu hay cần chuẩn bị những giấy tờ, thủ tục gì?

Được bao nhiêu doanh nghiệp quan tâm hay chỉ khi nào “nước đến chân mới nhảy”, bị xâm phạm quyền rồi mới loay hoay tìm cách bảo hộ? Nếu như những công ty, tập đoàn lớn tỏ ra nhanh nhạy trong vấn đề đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa dường như còn đang “đứng ngoài”. Không nhiều doanh nghiệp hiểu rằng, không có ý thức đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp cũng có nguy cơ bị mất thương hiệu, dễ dàng bị loại ra khỏi cuộc chơi hoặc phải tốn nhiều thời gian để xây dựng lại thương hiệu.

Hơn hết, khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, làn sóng các sản phẩm ngoại sẽ tràn vào thị trường trong nước và cạnh tranh sòng phẳng với các sản phẩm nội - không thể mãi trông cậy vào lợi thế sân nhà, doanh nghiệp cùng với việc tập trung cải tiến về tính năng sử dụng, công nghệ sản xuất, vật liệu cũng như kiểu dáng mới, cũng cần sử dụng lợi thế về sở hữu trí tuệ, tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Như vậy mới giúp doanh nghiệp tồn tại trong môi trường cạnh tranh khốc liệt.