Tân chủ tịch Fed: Kỳ vọng đưa chính sách tiền tệ trở lại đường ray

Theo Thành An/daibieunhandan.vn

Ông Jerome Powell đã trở thành vị Chủ tịch tiếp theo của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), kế nhiệm Chủ tịch sắp mãn nhiệm Janet Yellen. Trên cương vị mới, ông Powell sẽ trở thành người có tầm ảnh hưởng vô cùng lớn đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới cho dù sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Tân Chủ tịch Fed Jerome Powell. Nguồn: Internet
Tân Chủ tịch Fed Jerome Powell. Nguồn: Internet

Nhân vật của sự đồng thuận

Với 85 phiếu thuận và 12 phiếu chống, Thượng viện Mỹ phê chuẩn bổ nhiệm ông Powell, vào nhiệm kỳ Chủ tịch Fed kéo dài 4 năm bắt đầu từ đầu tháng 2 tới. Kết quả cuộc bỏ phiếu cho thấy ông Jerome Powell đã nhận được sự ủng hộ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Ông được kỳ vọng sẽ làm dịu bớt những tranh cãi xung quanh chính sách tiền tệ siêu nới lỏng mà Fed đã theo đuổi để khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế trong giai đoạn 2007 - 2009.

Không giống như những người tiền nhiệm, Jerome Powell không có bằng tiến sĩ kinh tế. Ông tốt nghiệp ngành chính trị ở Princeton năm 1975 và 4 năm sau nhận bằng luật của đại học Georgetown. Sau khi tốt nghiệp, ông làm việc cho một công ty luật và sau đó là một ngân hàng đầu tư ở New York. Sự nghiệp chính trị của Powell bắt đầu từ năm 1990, khi ông vào làm việc ở Bộ Tài chính Mỹ.

Năm 1992, ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng chuyên giám sát các ngân hàng lớn ở phố Wall. Năm 1993, ông quay trở lại ngành ngân hàng, sau đó trở thành người góp vốn tại quỹ đầu tư nổi tiếng Carlyle Group. Ông Powell cũng là thành viên giàu có nhất trong Hội đồng thống đốc Fed và cũng là Chủ tịch Fed giàu có nhất kể từ năm 1948 đến nay. Tính đến năm 2011, ông có tổng tài sản trị giá 72,2 triệu USD.

Trên cương vị mới, ông Powell phải giữ vai trò trung tâm trong việc bảo đảm một hệ thống tài chính an toàn và lành mạnh, trong khi hỗ trợ một nền kinh tế đang tăng trưởng vững vàng. Ông cũng vai trò chính trong việc đưa ra những quy chế giám sát phù hợp ở cấp liên bang và giảm bớt những gánh nặng không cần thiết.

Điểm khác biệt lớn nhất trong đường lối chính sách của ông và bà Yellen là Powell nghĩ rằng Fed nên “dễ tính” hơn với các ngân hàng. Bà Yellen từng cảnh báo dỡ bỏ các luật lệ được áp đặt lên các ngân hàng sau khủng hoảng sẽ là hành động gây ra nhiều mối nguy. Ngược lại, Powell tin rằng vai trò của Fed là “giám sát chứ không phải quản lý”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi ông Powell là một người cứng rắn, thông minh và có đủ sự khôn khéo cũng như kỹ năng lãnh đạo để dẫn dắt nền kinh tế Mỹ. Theo giới chức Nhà Trắng, ông Powell được lựa chọn dựa trên trình độ chuyên môn, kinh nghiệm làm việc tại Fed cũng như khả năng phối hợp với Tổng thống D.Trump.

Theo hãng tin Reuters, việc ông Powell trở thành nhà lãnh đạo mới của Fed mở ra khả năng chính sách tiền tệ hiện nay của Mỹ sẽ được duy trì, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới đã có 9 năm tăng trưởng liên tiếp. Giới hoạch định chính sách và thị trường tài chính đã coi ông Powell là một sự lựa chọn an toàn của Tổng thống Trump bởi ông được cho là sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ hiện tại của Mỹ. Lựa chọn này của ông Trump đánh dấu lần đầu tiên một vị tổng thống không tái bổ nhiệm vị chủ tịch Fed được chính quyền tiền nhiệm chỉ định kể từ thời của cựu Tổng thống Jimmy Carter vào những năm 1970.

Nhiệm vụ không dễ dàng

Vị trí Chủ tịch Fed có 3 nhiệm vụ chính là thiết lập chính sách tiền tệ (vốn ảnh hưởng tới toàn cầu), giám sát khối tài chính, ngân hàng và là bộ mặt đại diện với công chúng của Fed. Tiếp nhận chiếc ghế này ở thời điểm 1 thập kỷ sau khi khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra, thách thức dành cho Fed là đem chính sách tiền tệ trở về trạng thái bình thường bằng cách tăng lãi suất (vốn đang ở mức thấp kỷ lục) và cởi bỏ hàng nghìn tỷ USD tài sản mà Fed đã mua vào để vực dậy hệ thống tài chính chao đảo vì khủng hoảng. Nhiệm vụ này đòi hỏi người đứng đầu Fed phải rất khéo léo.

Tuy nhiên, trong Fed hiện đang nổi lên một cuộc tranh luận mới về việc liệu Fed có cần phải điều chỉnh cách tiếp cận với lạm phát, và liệu cuộc cải tổ thuế quy mô lớn mới đây có ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ hay không. Ông Powell cũng phải xác định nên đáp ứng đến mức độ nào chủ trương của chính quyền Trump về cắt giảm các quy chế giám sát tài chính.

Ngoài ra cũng có nhiều lo ngại về việc ông Powell có thể mạnh tay nới quy chế giám sát tài chính. Trước đây, khi là thành viên Hội đồng Thống đốc Fed, ông Powell đã dành sự ủng hộ cho chủ trương của bà Yellen về nâng dần lãi suất và bán dần tài sản Fed đã mua vào trong thời gian khủng hoảng, đồng thời vẫn sẵn sàng có những biện pháp mạnh nếu khủng hoảng quay trở lại.

Ông Powell nói Fed sẽ tiếp tục tìm cách giảm bớt gánh nặng quy định đối với các ngân hàng và điều chỉnh các quy định sao cho phù hợp với quy mô của Fed. Ông cho rằng hệ thống tài chính của Mỹ chắc chắn đã vững vàng hơn nhiều so với một thập niên trước và Fed phải cùng với các cơ quan khác bảo đảm rằng hệ thống tài chính sẽ vẫn ổn định và hiệu quả.

Tổng thống Mỹ D.Trump và các nghị sĩ đảng Cộng hòa cực lực phản đối các quy định khắt khe được thực hiện sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, cho rằng những quy định này đi quá xa và cản trở hoạt động cho vay cũng như hoạt động kinh tế. Ông Powell thừa nhận những thay đổi là cần thiết, và cho biết Fed sẽ tiếp tục cân nhắc các cách thức thích hợp để giảm bớt gánh nặng quy định, trong khi vẫn tiếp tục các cải cách căn bản để các ngân hàng có thể cung cấp tín dụng mà các gia đình và các doanh nghiệp cần để duy trì một nền kinh tế thịnh vượng.

Hiện nay, dù đã được Fed nâng dần, lãi suất cơ bản đồng USD hiện vẫn thấp so với tỷ lệ thất nghiệp 4,1%. Năm 2017, FED có 3 đợt nâng lãi suất và dự kiến sẽ có thêm 3 đợt tăng nữa trong năm nay.