GS.TS. Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội:
Tận dụng cơ hội để tạo ra đột phá mới cho tăng trưởng kinh tế năm 2024
Trao đổi với Tạp chí Tài chính về việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024, GS.TS. Hoàng Văn Cường - Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho biết, Việt Nam có những cơ hội rất mới và rộng mở, nếu có nỗ lực và hành động một cách phù hợp để đón nhận các cơ hội thì việc tạo ra đột phá mới, nguồn lực mới cho phát triển là hiện hữu. Như vậy, mục tiêu tăng trưởng của năm 2024 sẽ có cơ sở và tiềm năng để đạt được.
Phóng viên: Trong các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024 vừa được thông qua, Quốc hội thống nhất đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 6%-6,5%. Ông nhận định như thế nào về chỉ tiêu này?
Đại biểu Hoàng Văn Cường: Chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 được quyết định là 6-6,5%. Nếu so với mục tiêu đặt ra của cả nhiệm kỳ thì đây không phải con số cao vì mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 chúng ta đặt ra là khoảng 6,5-7%. Trong khi những năm đầu của nhiệm kỳ này, tốc độ tăng trưởng của ta chưa đạt được con số đó, như vậy, nhiệm vụ đặt ra cho những năm cuối nhiệm kỳ là rất cao và nặng. Chính vì vậy, 2024 cũng là một năm phải cố gắng hết lực để làm sao kéo tốc độ tăng trưởng phải tiệm cận gần đến “đích”. Đó chính là lý do mà chúng ta cần phải nêu cao quyết tâm và đưa ra con số 6-6,5% để nỗ lực thực hiện.
Tuy nhiên, nếu so với thực tế năm nay, quả thật đây sẽ là con số cao vì dự báo tốc độ tăng trưởng cả năm 2023 chỉ đạt khoảng 5%. Trong xu thế chung của thế giới, mặc dù mức 5% của chúng ta là không đạt như kỳ vọng nhưng phải khẳng định đây vẫn là mức tương đối cao so với thế giới và khu vực. Bước sang năm 2024, nhiều dự báo cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ thấp hơn năm 2023 ở hầu hết các nước kể cả châu Âu, Hoa Kỳ.
Dự báo tốc độ tăng trưởng năm sau thấp hơn năm nay xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhất là khi những nguyên nhân tiềm ẩn gây ra tình trạng đình trệ kinh tế năm 2023 không đạt được mục tiêu thì đang tiếp nối sang năm 2024.
Một là, khủng hoảng về địa chính trị có nguy cơ không giảm xuống mà thậm chí đang diễn biến bất thường, gia tăng như tình hình chính trị và an ninh ở khu vực dải Gaza mới đây.
Hai là, những làn sóng nợ thế giới sau thời điểm đại dịch COVID-19 tác động rất mạnh đến tiềm lực kinh tế. Những làn sóng nợ đang tăng rất cao, đến thời điểm này vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Cùng với đó là lạm phát trên thế giới cũng chưa có biểu hiện chững lại. Thậm chí, gần đây nhất, Fed vẫn có những động thái tăng lãi suất và dự báo năm 2024 vẫn duy trì, không giảm. Khu vực châu Âu cũng tương tự. Như vậy, tại những khu vực kinh tế lớn của thế giới, lãi suất và lạm phát còn cao chính là yếu tố chưa thể thúc đẩy để phục hồi tăng trưởng.
Theo tôi, đó là những yếu tố khiến dự báo về tình hình kinh tế thế giới năm 2024 chưa mấy khả quan. Về phía Việt Nam, với một nền kinh tế mở phụ thuộc rất lớn vào thị trường thế giới, điển hình như năm 2023, những nguồn lực bên trong được chuẩn bị kỹ lưỡng, nguồn vốn của ngân hàng đã có, các doanh nghiệp thì luôn trong động thái sẵn sàng để sản xuất kinh doanh... nhưng thị trường không có nên công suất phải dừng, công nhân phải nghỉ việc.
Rõ ràng, nước ta phụ thuộc vào thị trường nước ngoài, phụ thuộc lớn vào phục hồi kinh tế thế giới mà kinh tế thế giới chưa phục hồi thì đương nhiên sẽ khó khăn. Do đó, tôi cho rằng, chỉ tiêu đạt tốc độ tăng trưởng từ 6-6,5% là con số khá thách thức.
Phóng viên: Ông vừa đề cập rằng chỉ tiêu tăng trưởng từ 6-6,5% là con số thách thức. Vậy theo quan điểm của ông thì có tiềm năng để hiện thực hóa chỉ tiêu này không?
Đại biểu Hoàng Văn Cường: Theo tôi, tiềm năng để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu này là có.
Thứ nhất, trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn thì kinh tế Việt Nam ổn định khá tốt. Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong 3 quý vừa qua giữ khá ổn định: quý I/2023 tăng 3,32%; quý II/2023 tăng 4,14%; quý III/2023 tăng 5,33%. Như vậy, để thấy rằng, trong bối cảnh thế giới đang khó khăn mà xu thế kinh tế Việt Nam thì “đi lên”, kết quả này đem đến kỳ vọng năm 2024 sẽ tiếp nối đà tăng trưởng lên này. Năm 2023, tiệm cận đến 5 % thì sang 2024 có thể tiệm cận đến 6% và 6,5%.
Thứ hai, những cơ sở vĩ mô để ổn định nền kinh tế đang hiện hữu. Trước hết là yếu tố lạm phát, lạm phát thế giới là một cơn gió ngược, trong khi tại Việt Nam, lạm phát được kiểm soát khá tốt. Năm 2023, chúng ta đưa ra mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4,5%, các dự báo đều cho thấy cả năm khả năng chỉ ở mức 4%, có nghĩa là lạm phát chúng ta kiểm soát ở dưới mức đặt ra.
Về yếu tố lãi suất, các quốc gia đều có xu hướng tăng thì Việt Nam liên tục giảm. Sau 4 lần giảm lãi suất liên tiếp, vừa qua, Ngân hàng Nhà nước ra chỉ thị tiếp tục giảm. Yếu tố này cho thấy, việc kiểm soát thị trường tiền tệ là khá tốt, tỷ giá ổn định. Ổn định về thị trường tài chính tiền tệ sẽ giúp các nguồn lực đầu tư không bị rủi ro, như vậy sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư “rút hầu bao” để đầu tư.
Bên cạnh yếu tố lạm phát, lãi suất thì không thể không nhắc đến yếu tố nợ. Việt Nam xử lý yếu tố này rất tốt. Trên thế giới xuất hiện tình trạng có những tập đoàn rơi vào phá sản, nhưng tại Việt Nam, mặc dù nợ doanh nghiệp ở giai đoạn đầu năm 2023 đã có cảnh báo liên quan đến đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp, song, giải pháp của Chính phủ trong kiểm soát nợ trái phiếu đã sốc lại thị trường, cho đến nay hầu như không còn tình trạng đe dọa nợ trái phiếu mà thậm chí thị trường trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu phát triển trở lại, nợ doanh nghiệp được giải quyết.
Còn về nợ công, năm 2023, dự báo dưới 40% GDP, tức là giảm sâu so với trần nợ công cho phép. Tôi cho rằng, những yếu tố nội tại của ta khá vững để thúc đẩy phát triển.
Thứ ba, năm 2024, khả năng về thị trường cũng nhìn thấy có những chuyển biến tốt hơn so với năm 2023. Về thị trường trong nước, phục hồi tiêu dùng trong nước bắt đầu có tín hiệu tốt; du lịch để thu hút bên ngoài vào xuất khẩu du lịch, xuất khẩu dịch vụ cũng đang có xu hướng tăng, nhất là sau khi có chính sách thị thực mới. Thêm vào đó là phục hồi về cầu đầu tư công, thông qua tích cực trong giải ngân vốn đầu tư công. Qua đó sẽ tác động lan tỏa đến các khu vực tư nhân, tạo ra cầu cho sản xuất phát triển.
Về thị trường thế giới cũng nhìn thấy có những thị trường đã bắt đầu khôi phục, do đó xuất khẩu đầu quý IV/2023 đã xuất hiện dấu hiệu các đơn hàng tăng lên. Chứng tỏ các thị trường ngách, thị trường nhỏ đang có xu thế có thể khôi phục.
Trong bối cảnh thế giới khó khăn nhưng Việt Nam có tiềm lực bên trong, cùng với khả năng tranh thủ được tiềm lực bên ngoài thì đang có những dấu hiệu để thực hiện mục tiêu tăng trưởng đã đề ra trong năm 2024.
Phải nhấn mạnh rằng, cơ hội đầu tư của Việt Nam là những cơ hội rất mới và rộng mở. Sự chuyển dịch của các dòng đầu tư thế giới sang các khu vực khác, trong đó có thị trường Việt Nam đang rất mạnh mẽ. Đặc biệt là đầu tư về công nghệ mới, điển hình là sản xuất ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như công nghiệp bán dẫn thì Việt Nam là một trong những địa bàn có tiềm năng.
Rõ ràng đây là những cơ hội lớn và nếu chúng ta có nỗ lực và hành động một cách phù hợp để đón nhận các cơ hội thì việc tạo ra đột phá mới, tạo ra nguồn lực mới cho phát triển là hiện hữu. Và như vậy, việc chúng ta đặt ra mục tiêu tăng trưởng của năm 2024 là có cơ sở và có tiềm năng thực hiện.
Phóng viên: Đâu là những “nút thắt” cần tháo gỡ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nước ta trong thời gian tới, thưa ông?
Đại biểu Hoàng Văn Cường: Nút thắt đầu tiên chính là tình hình thế giới. Thị trường thế giới chưa phục hồi, có nhiều những biến động ngược thì sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế trong nước.
Còn trong nước, điểm nghẽn lớn nhất là vấn đề liên quan đến thể chế. Nếu chưa giải quyết được những vấn đề về thể chế thì sẽ còn tình trạng "đóng băng" các nguồn lực đầu tư. Một thể chế hoàn thiện và cởi mở để có thể tháo gỡ các điểm nghẽn đang “trói buộc” các dự án đầu tư hiện nay thì các nguồn lực sẽ được khai thông. Do đó, đòi hỏi chúng ta phải có nỗ lực lớn, đặc biệt là nỗ lực trong vấn đề hoàn thiện thể chế để tạo môi trường thông thoáng nhất cho các nguồn lực phát triển.
Cuối cùng là niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với thị trường, với nền kinh tế. Nếu chưa có niềm tin thì chắc chắn người dân sẽ chưa sẵn sàng bỏ tiền ra để tiêu dùng, các nhà đầu tư chưa rút hầu bao để đầu tư cho sản xuất, vậy thì sẽ rất khó để cầu thị trường phát triển.
Theo tôi, đây là những “nút thắt” quan trọng mà chúng ta cần tháo gỡ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thời gian tới.
Phóng viên: Xin ông cho biết những giải pháp cần đặc biệt lưu ý để kiểm soát tốt lạm phát năm 2024?
Đại biểu Hoàng Văn Cường: Lạm phát của Việt Nam sẽ chịu tác động rất mạnh của lạm phát thế giới. Tuy nhiên, trong năm 2022 và 2023, chúng ta kiểm soát khá tốt trong bối cảnh thế giới chao đảo. Điểm mà giúp Việt Nam kiểm soát tốt lạm phát là sử dụng công cụ về tài chính kết hợp với tiền tệ linh hoạt. Tôi mong rằng, tới đây sự phối hợp hai công cụ này sẽ linh hoạt hơn nữa.
Đặc biệt những chính sách tài khóa hỗ trợ cho nguồn lực đầu tư từ tín dụng cần phải được khơi thông. Chẳng hạn như chương trình hỗ trợ lãi suất, khi doanh nghiệp có thể tiếp cận các nguồn vốn được khai thông thì khi đó sẽ không bị quá sức ép bằng chính sách tiền tệ mà dùng chính sách tài khóa để hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Cùng với đó, thị trường vốn cũng không nên quá dựa vào thị trường tín dụng của ngân hàng mà cần đa dạng sang thị trường tài chính nói chung, nhất là thị trưởng chứng khoán và trái phiếu. Khi đó, không có sức ép lớn vào thị trường tín dụng, đồng nghĩa là không đòi hỏi ngân hàng phải mạo hiểm trong sử dụng các công cụ tín dụng, hạ lãi suất quá thấp, dẫn đến những rủi ro.
Hiện nay, có tình trạng ngân hàng thì nhiều vốn, doanh nghiệp thì cần vốn nhưng không tiếp cận được, do đó yêu cầu đặt ra là phải khơi thông được đầu ra cho doanh nghiệp. Tiếp đó là có chính sách trong tiếp cận vốn của doanh nghiệp, không chỉ đơn thuần dựa vào những yếu tố lịch sử của tín dụng hay tài sản bảo đảm, tài sản thế chấp mà phải có đồng hành chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp và ngân hàng trong tài trợ vốn cho từng dự án.
Có thể doanh nghiệp ấy còn đang có những khoản nợ khác, nhưng dự án mà doanh nghiệp đó trình ra để vay vốn có tính khả thi, có khả năng thu hồi vốn và kiểm soát được dòng tiền của dự án đó thì ngân hàng và doanh nghiệp nên bắt tay để thực hiện các khoản tài trợ vốn cho dự án.
Làm được vậy, vừa đảm bảo giải ngân được vốn ngân hàng vào đúng chỗ cần đầu tư, đồng thời là công cụ hỗ trợ từ ngân hàng cho nhu cầu đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tôi cho rằng, yếu tố về tài chính tiền tệ cần phải lưu ý như vậy.
Để nói rõ hơn về vai trò chính sách tài khóa góp phần kiểm soát lạm phát thì phải khẳng định, đây là thời kỳ mà chúng ta phải sử dụng chính sách tài khóa hay còn gọi là chính sách tài khóa ngược. Đây không phải thời kỳ huy động tối đa đóng góp của doanh nghiệp vào ngân sách mà phải sử khả năng hỗ trợ từ ngân sách cho hoạt động doanh nghiệp.
Ví dụ điển hình là thời gian qua chúng ta phải giảm thuế giá trị gia tăng, nhờ đó sẽ tăng được kích thích tiêu dùng và cũng sẽ thúc đẩy được khu vực doanh nghiệp phát triển sản xuất. Cùng với đó là giảm, giãn, hoãn các khoản nghĩa vụ đóng góp để giảm bớt gánh nặng đóng góp ngân sách của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có điều kiện tập trung vào đầu tư cho sản xuất.
Tôi cho rằng đây là thời kỳ mà chúng ta rất cần dùng ngân sách để hỗ trợ cho các khu vực để phát triển.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!