Tận dụng ưu đãi thuế quan xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc
Để tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), nhiều chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp trong nước trước hết cần tìm hiểu cặn kẽ về các điều khoản ưu đãi cắt giảm thuế, quy tắc xuất xứ và các quy định về hàng hóa khác trong Hiệp định VKFTA để xác định mặt hàng cụ thể phù hợp với trình độ sản xuất của doanh nghiệp và nhu cầu thị trường Hàn Quốc.
Theo Đại diện Cục Xuất nhập khẩu, thành viên Ban đàm phán VKFTA Bùi Kim Thùy tại Hội thảo FTA Việt Nam - Hàn Quốc, cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, cơ hội và các ưu đãi về thuế quan là rất lớn, nhưng để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng tối đa, doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần tuân thủ và tìm hiểu cặn kẽ về các điều khoản ưu đãi trong Hiệp định VKFTA. Trong đó, việc tận dụng các quy tắc xuất xứ sẽ giúp doanh nghiệp xác định hàng hóa có đủ điều kiện để hưởng các ưu đãi thuế quan hay không; bảo đảm sự cân bằng hợp lý giữa thuận lợi hóa thương mại và chống gian lận thương mại. Khi doanh nghiệp thỏa mãn các quy tắc xuất xứ ưu đãi sẽ được cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi, hưởng thuế quan ưu đãi và từ đó kích thích sản xuất - xuất khẩu. Hiện ASEAN - Hàn Quốc là FTA có tỷ lệ tận dụng ưu đãi cao nhất trong số các FTA mà Việt Nam đã và đang thực hiện.
Đặc biệt, theo các cam kết thuế quan đã ký kết, Hàn Quốc tự do hóa 97,2% giá trị nhập khẩu (tính theo số liệu năm 2012), chiếm 95,4% số dòng thuế. Trong đó có nhiều nhóm hàng nông, thủy sản xuất khẩu chủ lực như tôm, cua, cá, hoa quả nhiệt đới, và hàng công nghiệp như dệt may, đồ gỗ, sản phẩm cơ khí... Việt Nam là đối tác FTA đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa thị trường đối với những sản phẩm hết sức nhạy cảm với nước này, như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang... Tại Hàn Quốc, thuế suất nhập khẩu đối với những mặt hàng này là rất cao, từ 241 - 420%. Do đó, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc sẽ thuận lợi hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Thái Lan.
Theo Trưởng phòng Đông Bắc Á, Vụ châu Á - Thái Bình Dương, Bộ Công thương Phạm Khắc Tuyên, với hơn 95% dòng thuế được cắt giảm, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- Hàn Quốc (VKFTA) vừa được ký kết được kỳ vọng sẽ đem lại cơ hội xuất khẩu lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Điều đáng nói là số dòng thuế mà phía Hàn Quốc cắt giảm cho Việt Nam nhiều hơn số dòng thuế họ cắt giảm cho các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam (như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan...) khoảng 5%, giúp tăng đáng kể sức cạnh tranh, khả năng thâm nhập của hàng Việt vào thị trường Hàn Quốc. Việt Nam cũng là đối tác đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa thị trường đối với những sản phẩm như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang... Đặc biệt, cam kết miễn thuế mặt hàng tôm của Việt Nam với lượng hạn ngạch 10.000 tấn/năm và tăng dần lên đến mức 15.000 tấn/năm. Tuy nhiên, ông Tuyên cũng lưu ý, do đa số doanh nghiệp Việt Nam là vừa và nhỏ nên kinh nghiệm về thị trường còn hạn chế, do vậy khi xuất khẩu cần chú ý về xuất xứ hàng hóa, đặc biệt là bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm...
Tuy nhiên, ông Phạm Khắc Tuyên cho rằng, một trong những khó khăn của các doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận thị trường Hàn Quốc là chưa hiểu rõ về văn hóa tiêu dùng, cũng như các kênh phân phối tại thị trường Hàn Quốc. Hiện nay đa phần các doanh nghiệp đang thụ động ngồi chờ theo yêu cầu của các đối tác nên sẽ không nắm rõ nhu cầu của thị trường và không tạo niềm tin cao cho các doanh nghiệp Hàn Quốc. Đặc biệt, đối với ngành xuất khẩu nông sản tâm lý người Hàn Quốc thường có xu hướng dùng sản phẩm nông sản trong nước với lý do sản phẩm trong nước an toàn hơn sản phẩm nước ngoài. Hàn Quốc có bảo hộ cao đối với các mặt hàng nông sản, gia súc, gia cầm, sản phẩm sữa, hoa quả, cây công nghiệp, sắn lát, tinh bột, vừng…
Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu biết thấu đáo về văn hóa, tập quán kinh doanh của Hàn Quốc; chuẩn bị các thông tin khách hàng sẽ giúp đạt được hiệu quả đàm phán và tiết kiệm được nhiều chi phí; tìm hiểu các quy định về tiêu chuẩn, quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, các sản phẩm có chất lượng theo yêu cầu người tiêu dùng… để từ đó, xây dựng kế hoạch đầu tư, đưa ra phương án sản xuất hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.