Tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng nghề cá

Nhật Nam

(Taichinh) - Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại Thông báo 173/TB-VPCP về tình hình triển khai thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67).

Cụ thể, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính tiếp tục tham mưu cho Chính phủ để có nguồn vốn tăng cường cho đầu tư phát triển hạ tầng nghề cá, bảo đảm triển khai hiệu quả các chính sách trong Nghị định 67. Trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020, cần ưu tiên nguồn vốn cho lĩnh vực này.

Nghị định 67 đã được các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương và các cơ quan, tổ chức, đơn vị triển khai tích cực và chặt chẽ, thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, những khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ.

Sau 8 tháng triển khai thực hiện, đến nay, Nghị định 67 đã dần đi vào cuộc sống, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số vấn đề đặt ra cần được giải quyết.

Để tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định 67 một cách hiệu quả, chặt chẽ, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm cho người dân hiểu rõ các cơ chế, chính sách quy định tại Nghị định; bảo đảm cho người dân thực hiện quyền và trách nhiệm quy định tại Nghị định 67; thủ tục hồ sơ phải đơn giản minh bạch nhưng đảm bảo chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, thống nhất với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan tổng hợp các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung Nghị định, thống nhất phương án, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.

Điều đáng chú ý, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đồng ý 4 đối tượng sau đây được hưởng các chính sách quy định tại Nghị định 67. Cụ thể là:

Các tổ chức, cá nhân đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên được hưởng hạn mức vay, lãi suất vay và mức bù chênh lệch lãi suất như đối với trường hợp đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ vỏ thép.

Các tổ chức, cá nhân nâng cấp tàu khai thác, dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ vỏ vật liệu mới được hưởng hạn mức vay, lãi suất vay và mức bù chênh lệch lãi suất như đối với nâng cấp tàu vỏ gỗ có tổng công suất máy chính dưới 400 CV thành tàu có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên.

Các tổ chức, cá nhân có tàu công suất từ 400 CV trở lên thực hiện một hoặc nhiều hạng mục nâng cấp tàu (gia cố vỏ tàu; nâng cấp hầm bảo quản; mua ngư lưới cụ; trang thiết bị khai thác; trang thiết bị hàng hải; trang thiết bị bảo quản; bốc xếp hàng hóa) mà không thay máy thì được hưởng hạn mức vay, lãi suất vay và mức bù chênh lệch lãi suất như đối với trường hợp nâng cấp tàu vỏ gỗ có tổng công suất máy chính dưới 400 CV thành tàu có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên.

Các thành viên nghiệp đoàn nghề cá có tham gia hoạt động khai thác hải sản, dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ được hưởng chính sách bảo hiểm như là thành viên tổ đội, hợp tác xã khai thác hải sản.

Về thiết kế mẫu tàu, đối với trường hợp điều chỉnh thiết kế mẫu tàu vỏ thép, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định các trường hợp điều chỉnh thiết kế mẫu tàu vỏ thép nhưng không làm thay đổi tính năng, an toàn của tàu cá và ủy quyền cho UBND tỉnh chịu trách nhiệm thẩm định, phê duyệt.

Đối với thiết kế mẫu tàu vỏ gỗ, Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh chịu trách nhiệm xây dựng, thẩm định và phê duyệt bảo đảm phù hợp với tập quán của ngư dân, đặc thù vùng biển của địa phương.

Về chính sách tín dụng, Phó Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc cho phép thực hiện vốn đối ứng theo tiến độ hoặc theo định kỳ. Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư quy định cụ thể.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề xuất việc cho vay thương mại đối với phần vốn đối ứng; điều chỉnh lãi suất cho vay vốn lưu động, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính nghiên cứu, xem xét đề xuất kéo dài thời gian cho vay đóng mới tàu vỏ thép.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến tháng 3/2015, sau hơn 5 tháng triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP, đã có 13 tỉnh, thành phố phê duyệt danh sách chủ tàu cá đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp tàu cá với 389 tàu cá đóng mới, 56 tàu nâng cấp; trong đó số tàu đóng mới theo công suất từ 400 CV đến dưới 800 CV là 177 chiếc; từ 800 CV đến dưới 1.000 CV là 191 chiếc và từ 1.000 CV trở lên là 21 chiếc; phân theo nghề câu 87 chiếc, rê 59 chiếc, vây 131 chiếc, chụp 64 chiếc, dịch vụ hậu cần 48 chiếc; phân theo vật liệu vỏ thép 163 chiếc, composite 30 chiếc, gỗ 196 chiếc; 233 chủ tàu vay vốn lưu động.

Hiện nay đã có 10 hợp đồng tín dụng được ký kết giữa các ngân hàng thương mại và các chủ tàu cá với tổng số tiền trên 127 tỷ đồng, trong đó Bình Định 4 chiếc; Thừa Thiên Huế 2 chiếc; Quảng Ngãi 2 chiếc; Khánh Hòa 1 chiếc và Bà Rịa – Vũng Tàu 1 chiếc.
Các địa phương còn lại đang tiếp tục đẩy mạnh việc phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện tham gia các chính sách được quy định tại Nghị định

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám, sau hơn 6 tháng triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP, các Bộ, ngành và địa phương đã tích cực triển khai thực hiện, chúng ta đã đạt được một số kết quả nhất định bước đầu, đã bám sát được mục tiêu của chính sách và đúng đối tượng; các địa phương đã tiến hành triển khai chặt chẽ, chưa phát hiện được tình trạng lợi dụng các chính sách được ban hành./.

Tính đến tháng 3/2015, sau hơn 5 tháng triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP, đã có 13 tỉnh, thành phố phê duyệt danh sách chủ tàu cá đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp tàu cá với 389 tàu cá đóng mới, 56 tàu nâng cấp; trong đó số tàu đóng mới theo công suất từ 400 CV đến dưới 800 CV là 177 chiếc; từ 800 CV đến dưới 1.000 CV là 191 chiếc và từ 1.000 CV trở lên là 21 chiếc; phân theo nghề câu 87 chiếc, rê 59 chiếc, vây 131 chiếc, chụp 64 chiếc, dịch vụ hậu cần 48 chiếc; phân theo vật liệu vỏ thép 163 chiếc, composite 30 chiếc, gỗ 196 chiếc; 233 chủ tàu vay vốn lưu động.