Tăng cường giám sát việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa

Theo Kim Ngân/ Báo Đắk Nông

Hiện nay, các địa phương đang đẩy mạnh chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác phù hợp hơn. Ngành chức năng khuyến cáo, việc chuyển đổi này cần được giám sát, theo dõi kỹ càng, nhất là khâu bảo đảm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Nhiều diện tích lúa không phù hợp được người dân xã Đức Xuyên (Krông Nô) chuyển sang trồng ngô. Ảnh: Kim Ngân
Nhiều diện tích lúa không phù hợp được người dân xã Đức Xuyên (Krông Nô) chuyển sang trồng ngô. Ảnh: Kim Ngân

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa là một trong những giải pháp nhằm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển sản xuất bền vững tại các địa phương.

Để thực hiện chuyển đổi cây trồng đạt kết quả cao, các địa phương đã đẩy mạnh các hoạt động về xây dựng mô hình trình diễn; đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho nông dân theo chiều sâu, trên nhiều đối tượng cây trồng.

Ngành nông nghiệp cũng đẩy mạnh khuyến khích nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế đối với các cây trồng được chuyển đổi. Tại huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông hiện nay, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 53.458 ha. Diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 62.000 ha. Trong đó, lúa nước được huyện xem là một trong những cây trồng chủ lực.

Năm 2022, tổng diện tích lúa nước của huyện là 4.967 ha, tăng 329 ha so với năm 2021. Theo ông Doãn Gia Lộc, Quyền Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Nô, huyện luôn bảo vệ nghiêm ngặt diện tích đất trồng lúa được quy hoạch

Tuy nhiên, huyện cũng giao cho các xã, thị trấn linh hoạt để chuyển đổi trên những chân đất trồng lúa không bảo đảm nguồn nước. Điều này giúp huyện nâng cao hệ số sử dụng đất, tăng thu nhập trên cùng 1 đơn vị diện tích. Vụ đông xuân 2021-2022, người dân trên địa bàn huyện đã chuyển đổi 184 ha đất trồng lúa nước sang trồng ngô, khoai lang, bí đỏ… Kết quả là các loại cây trồng được chuyển đổi đều đạt hiệu quả kinh tế cao hơn so với lúa.

Ngoài huyện Krông Nô, vụ đông xuân năm nay, các địa phương trong tỉnh cũng tích cực chuyển đổi từ đất lúa không phù hợp sang các loại cây trồng khác. Cụ thể, diện tích đất lúa chuyển sang khoai lang 120 ha, (Krông Nô 80 ha, Cư Jút 30 ha, Đắk Song 10 ha); bí đỏ 27 ha (Krông Nô 20 ha, Đắk Song 7 ha)…

Phần lớn những hộ thực hiện chuyển đổi cây trồng đều áp dụng đồng bộ các kỹ thuật, thực hiện luân canh, tăng vụ để nâng cao hiệu quả sản xuất. Bà con cũng tích cực cải tạo, làm tăng độ màu mở của đất, bảo vệ môi trường.

Theo kế hoạch năm 2022, toàn tỉnh Đắk Nông sẽ thực hiện chuyển đổi 177,5 ha đất trồng lúa sang các loại cây trồng khác. Lãnh đạo Sở NN&PTNT cho biết, khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa phải bảo đảm mục đích sử dụng đất. Người dân không được làm thay đổi tính chất, điều kiện sử dụng đất trồng lúa, đồng thời phải bảo đảm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương.

Hiện nay, tại các địa phương, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa vẫn còn gặp những khó khăn nhất định, dẫn đến hiệu quả kinh tế chưa thực sự cao. Trước hết, người dân vẫn còn tư tưởng chạy theo phong trào, ngại tham gia các hình thức tổ chức sản xuất. Nhiều bà con chuyển đổi cây trồng một cách tùy tiện, gây khó khăn trong việc quản lý, giám sát.

Một số hộ dân tự phát chuyển đổi đất trồng lúa sang cây trồng khác mà không tuân thủ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương. Quá trình chuyển đổi cây trồng, nhiều bà con không có sự liên kết sản xuất, không áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác...

Do đó, các địa phương cần đẩy mạnh hướng dẫn, giám sát việc chuyển đổi đất trồng lúa sang cây trồng khác để tránh những hệ lụy về sau.

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, vụ đông xuân 2021 - 2022, 1 ha đất trồng lúa đạt doanh thu 20,385 triệu đồng. Trong khi đó, tổng thu từ các loại cây trồng khác cho kết quả cao hơn lúa khá nhiều. Cụ thể, ngô cho thu nhập 61,6 triệu đồng/ha; khoai lang 127,5 triệu đồng/ha; bí đỏ 120 triệu đồng/ha…