Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an toàn hạt nhân và bức xạ giữa IAEA và ROSATOM
Mới đây, bên lề Diễn đàn Khoa học IAEA 2015, đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an toàn hạt nhân và bức xạ giữa Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga (ROSATOM).
Trước đó, IAEA đã đưa sáng kiến kí kết thỏa thuận với các tổ chức của Nga hiện đang hợp tác với IAEA trong lĩnh vực an toàn hạt nhân và bức xạ. ROSATOM là đơn vị đầu tiên ký kết văn bản này. Phó Tổng Giám đốc An toàn Hạt nhân của IAEA, Denis Flory và Phó Tổng Giám đốc ROSATOM, Vyacheslav Pershukov đã đại diện hai bên ký kết thỏa thuận này.
Thỏa thuận song phương này mở rộng quan hệ hợp tác về an toàn hạt nhân và bức xạ trong tất cả các dự án được tiến hành giữa IAEA và ROSATOM. Theo báo cáo của hai bên, phạm vi của thỏa thuận bao gồm các hoạt động đánh giá và quản lý rủi ro bức xạ đối với các cán bộ, công nhân hoạt động trong lĩnh vực hạt nhân phải tiếp xúc với bức xạ trong môi trường làm việc. Dự án này sẽ kéo dài trong 3 năm với sự giám sát của cơ quan Tổng Thanh tra ROSATOM và sự tham gia của các chuyên gia đến từ Bộ Y tế Nga. ROSATOM tài trợ cho dự án và IAEA cung cấp các chuyên gia quốc tế.
Phát biểu tại Lễ ký kết thỏa thuận tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an toàn bức xạ, ông Vyacheslav Pershukov Phó Tổng Giám đốc ROSATOM khẳng định: “Bằng việc ký kết thỏa thuận này, Nga một lần nữa chứng minh vị thế của mình là nước đi đầu trong lĩnh vực điện hạt nhân. Nga cũng sẽ trở thành quốc gia tiên phong thực hiện đánh giá rủi ro để kiểm tra và kiểm soát lượng phơi nhiễm bức xạ cá nhân. ROSATOM sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình với những quốc gia hợp tác với Nga trong xây dựng các chương trình điện hạt nhân.”
Chia sẻ thêm về ý nghĩa của dự án này, Phó Tổng Giám đốc Vyacheslav Pershukov cho biết, dự án nhằm phát triển phương pháp đánh giá rủi ro bức xạ cá nhân cho các nhân viên làm việc tại cơ sở hạt nhân Nga dựa trên tính toàn và phân tích liều lượng. Tài liệu hướng dẫn của Nga sẽ được phát triển để phục vụ quản ký và đánh giá rủi ro bức xạ.
Đồng thời, những chỉ dẫn này sẽ được các chuyên gia của IAEA xem xét và kinh nghiệm cũng như phương pháp của Nga sẽ được khuyến nghị cho các quốc gia khác. Các tài liệu này được công bố nhằm tạo điều kiện tối đa cho sự trao đổi kinh nghiệm quốc tế giữa IAEA và các thành viên.