Tăng cường kiểm soát chất lượng rượu
Sử dụng hóa chất hay cồn công nghiệp trong sản xuất rượu đang là vấn đề được quan tâm trong thời gian qua. Theo các chuyên gia, cùng với việc kiểm soát và tăng chế tài xử phạt, cần có những hướng dẫn cho người dân về quy trình công nghệ tốt và phù hợp để sản xuất rượu đạt chất lượng an toàn.
Phần lớn rượu chưa được kiểm soát chất lượng
Theo thống kê của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, mỗi năm cả nước tiêu thụ khoảng 320 triệu lít rượu. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 70 triệu lít rượu được kiểm soát chất lượng, còn lại phần lớn là do người dân tự chế biến theo phương pháp thủ công không qua kiểm tra, kiểm soát.
Báo cáo của Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương cũng cho thấy, chỉ từ đầu tháng 3 đến nay, sau khi ra quân kiểm tra, bốn Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Cao Bằng và Hà Nội đã phát hiện hơn 700 vụ vi phạm về sản xuất, kinh doanh rượu, xử lý hơn 200 vụ, tạm giữ hơn 30 nghìn lít rượu, hơn 300 chai rượu và 4,9kg men ủ rượu vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo quy định việc sản xuất và kinh doanh rượu thủ công phải có phép và nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đồng thời, Nhà nước có quy định về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và chất lượng rượu thủ công tự tiêu dùng… Tuy nhiên, quy định vẫn còn nhiều hạn chế, chưa rõ ràng.
Chưa kể, nhiều cơ sở nấu rượu thủ công, để tiết kiệm thời gian và chi phí đã cắt bớt một số công đoạn, dẫn đến việc không loại bỏ được hoàn toàn các chất gây độc hại tới sức khỏe người dùng. Điều này phần nào lý giải tại sao tình trạng ngộ độc rượu gia tăng và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như thời gian qua.
Liên quan đến vấn đề này, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong cũng cho biết, Cục đã yêu cầu tuyệt đối không sản xuất kinh doanh loại rượu pha chế từ nguyên liệu, cồn không bảo đảm chất lượng, không nhãn mác, chưa công bố tiêu chuẩn. Người tiêu dùng không nên mua và sử dụng rượu trôi nổi, không nhãn mác chưa công bố tiêu chuẩn. Các cơ quan chức năng phải thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu; xử lý nghiêm, công khai các cơ sở vi phạm.
Hướng dẫn quy trình sản xuất rượu an toàn
Thực tế tại nước ta, việc mua, bán rượu, bia rất dễ dàng, trong khi mức độ tiêu thụ lớn. Để sản xuất rượu đạt chất lượng an toàn, theo các chuyên gia, các cơ sở sản xuất cần sử dụng một dây chuyền hiện đại với nhiều tháp chưng cất và bồn chứa đạt tiêu chuẩn và phải tuân thủ một quy trình chặt chẽ.
Bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm rượu trên toàn quốc, các bộ, ngành cần sớm hoàn thiện các văn bản quy định để quản lý tận gốc đối với sản phẩm rượu, nhất là rượu do người dân tự nấu, tự chế biến theo hướng thực hiện nghiêm các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nghiêm cấm tổ chức, cá nhân trưng bày, kinh doanh các sản phẩm rượu không nhãn mác, không dán tem, không có nguồn gốc, xuất xứ dưới mọi hình thức. Nâng cao vai trò của cơ quan quản lý thị trường và chính quyền các cấp trong tuyên truyền, hướng dẫn người tiêu dùng chỉ sử dụng những sản phẩm rượu có nguồn gốc, xuất xứ theo quy định; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Nguyễn Ngọc Tụ cũng cho rằng, việc quản lý rượu thủ công hiện nay còn rất nhiều khó khăn, do vậy cùng với việc kiểm soát và tăng chế tài xử phạt, nên có những hướng dẫn cho người dân về quy trình công nghệ tốt và phù hợp để sản xuất rượu, chủ động sản xuất thiết bị dụng cụ dùng nấu rượu để có thể giảm hàm lượng methanol xuống dưới mức cho phép.
Mặt khác, yêu cầu 100% cơ sở cam kết bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và phấn đấu 100% cơ sở đều được kiểm tra. Đặc biệt, về lâu dài cần luật hóa các quy định về sản xuất, kinh doanh rượu, bia để hạn chế những tác hại đối với sức khỏe người dùng.