Tỉnh Long An:
Tăng cường quản lý đầu tư xây dựng cơ bản
Đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) là lĩnh vực quan trọng, giữ vai trò trọng yếu trong việc xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hàng năm, ngân sách nhà nước dành một phần lớn cho chi đầu tư XDCB.
Từ một địa phương có kết cấu hạ tầng - kỹ thuật yếu nhưng nhờ sự chú trọng đầu tư XDCB, hạ tầng có nhiều thay đổi, ngày càng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH), thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài.
Thời gian qua, công tác đầu tư XDCB trên địa bàn tỉnh Long An có nhiều chuyển biến tích cực. Nguồn vốn đầu tư được huy động với mọi thành phần kinh tế từ nhà đầu tư, xã hội hóa, vốn Trung ương, vốn ngân sách địa phương. Công tác lập quy hoạch xây dựng được các cấp, các ngành tích cực triển khai. Đến nay, nhiều DA quan trọng đã thực hiện xong, đưa vào khai thác, sử dụng, mang lại hiệu quả cao; đồng thời, tỉnh cũng có kế hoạch tiếp tục triển khai nhiều DA có quy mô lớn.
Trong đầu tư XDCB, công tác chuẩn bị đầu tư, thẩm định dự án (DA), thẩm định thiết kế, thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu được các cơ quan chuyên môn thẩm định và báo cáo UBND tỉnh Long An quyết định. Công tác phân bổ vốn đầu tư XDCB có bước tiến mới, theo hướng tập trung vào công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tập trung những DA trọng điểm, ưu tiên thanh toán cho những công trình đã phê duyệt quyết toán và thanh toán khối lượng đã hoàn thành được nghiệm thu, hạn chế đến mức thấp nhất khởi công mới, đầu tư dàn trải dẫn đến nợ đọng trong XDCB.
Bên cạnh những kết quả đã đạt, công tác đầu tư XDCB thời gian qua vẫn còn những hạn chế, vi phạm được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm toán. Năm 2018, tỉnh thanh tra 29 cuộc về thực hiện đầu tư xây dựng thì có 24 cuộc phát hiện vi phạm với tổng số tiền sai phạm hơn 5,6 tỷ đồng.
Năm 2019, tỉnh thanh tra 21 đơn vị trong lĩnh vực quản lý, thực hiện DA đầu tư xây dựng, phát hiện 20 đơn vị có sai phạm với trị giá tài sản 1,7 tỷ đồng. Năm 2020, tỉnh Long An tiến hành thanh tra 12 cuộc về lĩnh vực quản lý, thực hiện DA đầu tư xây dựng thì phát hiện 10 đơn vị có sai phạm với giá trị tài sản sai phạm hơn 1,2 tỷ đồng. Sau thanh tra, tỉnh thu hồi được phần lớn số tiền đã quyết toán thừa.
Vi phạm chủ yếu phát hiện qua thanh tra trong lĩnh vực quản lý, thực hiện DA đầu tư xây dựng chủ yếu là hồ sơ hoàn công chưa chặt chẽ, để sai sót về khối lượng nghiệm thu dẫn đến quyết toán thừa khối lượng cho đơn vị thi công, thời hạn lập báo cáo quyết toán vượt so với quy định.
Ngoài ra, trong quản lý, đầu tư XDCB vẫn còn những hạn chế về quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu, chưa đồng bộ. Công tác tư vấn xây dựng cũng còn những hạn chế; năng lực chuyên môn của một số đơn vị tư vấn chưa bảo đảm dẫn đến ảnh hưởng đến thiết kế và dự toán công trình.
Tư vấn lập DA tính toán, dự báo chưa đầy đủ, chuẩn xác dẫn đến nhiều DA phải điều chỉnh, bổ sung gây khó khăn trong quá trình thực hiện DA và làm chậm tiến độ. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư, ban quản lý DA với lực lượng cán bộ chuyên môn còn mỏng, thực hiện nghiệm thu khối lượng thi công hoàn thành còn sai sót.
Hàng năm, tỉnh Long An thường xuyên quan tâm chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong đầu tư XDCB. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý đầu tư công trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư XDCB phải nghiên cứu kỹ và nghiêm túc thực hiện hệ thống luật, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng. Tập trung phân tích tính đúng đắn của chủ trương đầu tư, sự cần thiết khảo sát, điều tra khảo sát đầu tư cho từng loại DA phù hợp quy hoạch, chiến lược phát triển của Trung ương và địa phương. Tỉnh cũng yêu cầu chú trọng hơn nữa việc công khai, minh bạch trong đấu thầu, lựa chọn nhà thầu có năng lực, tuân thủ đầy đủ quy định, trình tự XDCB hiện hành trong toàn bộ quá trình thực hiện DA.
Ngoài ra, quan tâm nâng cao năng lực, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý DA có đạo đức nghề nghiệp trong sáng, đủ kiến thức và kỹ năng tương xứng với yêu cầu công việc. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng.
Cùng với các giải pháp trên là tỉnh tăng cường thanh, kiểm tra, kiểm toán, giám sát ngay trong từng khâu, giai đoạn của DA để kịp thời phát hiện, điều chỉnh, xử lý những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện; đồng thời, tăng cường giám sát của cộng đồng. Công khai kết quả thanh tra, kiểm toán để giúp các đơn vị nhận thức và quan tâm hơn đến việc phòng, ngăn ngừa, hạn chế những thiệt hại do lãng phí nguồn lực gây nên.
Đi kèm với đó là tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện, khắc phục theo kết luận thanh tra, kiến nghị của cơ quan thanh tra, kiểm toán. Qua đó, ban hành các văn bản quy định rõ trách nhiệm đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc không thực hiện kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm toán.
Song song đó, triển khai các giải pháp, biện pháp quy rõ trách nhiệm, xử lý đúng mức, kịp thời khi phát hiện sai phạm. Đồng thời, tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm trong hoạt động XDCB và nghiên cứu đề xuất điều chỉnh cơ chế, chính sách kịp thời cho phù hợp thực tế