Tăng cường thanh, kiểm tra để quản lý thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

PV.(t/h)

Giải trình trước Quốc hội về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại phiên họp chiều ngày 2/6/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, Bộ Tài chính sẽ tập trung tham mưu các giải pháp cho Chính phủ và tăng cường thanh tra, kiểm tra để quản lý thực hành tiết kiệm, chống lãng phí một cách tốt nhất. 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: QH
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: QH

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, Bộ Tài chính sẽ tập trung tham mưu các giải pháp cho Chính phủ và tăng cường thanh tra, kiểm tra để thực hiện tốt việc quản lý, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí một cách tốt nhất. Trong đó, sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, từ Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý tài sản công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đất đai để giải quyết những vướng mắc hiện nay.

Bộ trưởng dẫn chứng quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước về không dùng ngân sách cấp này để chi cho ngân sách cấp khác. Theo đó, khi triển khai các công trình đường cao tốc hay các công trình liên vùng mà ngân sách của các tỉnh có điều kiện muốn bỏ ra để giải phóng mặt bằng thì vướng mắc quy định này, phải xin ý kiến của Quốc hội.

Hay vấn đề tách đền bù giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư, Bộ trưởng cho rằng việc này rất tốt. Bởi vấn đề chuẩn bị đầu tư kéo dài nhất, liên quan đến vốn đầu tư. Trong Luật Đầu tư công, việc bố trí vốn đầu tư hiện còn nhiều vướng mắc. Theo Bộ trưởng, không chỉ công trình đặc biệt nhóm A, nhóm B, mà kể cả nhóm C đều nên tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư.

Liên quan đến vấn đề định mức kinh tế kỹ thuật đại biểu Quốc hội nêu, chẳng hạn sử dụng ô tô, Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính đang trình Thủ tướng để sửa đổi Nghị định số 04/2019/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô theo hướng định mức ô tô sẽ căn cứ vào đơn vị hành chính, căn cứ vào diện tích, địa hình. 

Vấn đề về quản lý, điều hành, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, trong chi thường xuyên đã rất tiết kiệm, năm 2021 đã tiết kiệm 10% chi thường xuyên và 50% chi tiếp khách, đi công tác và công tác nước ngoài hơn 14.000 tỷ đồng. Nguồn tiết kiệm này được sử dụng cho phòng, chống dịch COVID-19. 

Cũng tại phiên thảo luận, Bộ trưởng đã tiếp thu, giải trình làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm như: lập dự toán ngân sách; chi ngân sách nhà nước cho giáo dục; quyết toán ngân sách; dự phòng ngân sách; đầu tư công...