Tăng cường triển khai thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử
Năm 2023, toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) tiếp tục tập trung nguồn lực đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính (CCHC) nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Trong đó, KBNN sẽ tăng cường triển khai thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường điện tử.
Chất lượng cung cấp dịch vụ nâng lên rõ rệt
Với những nỗ lực CCHC, hiện đại hóa KBNN, thời gian qua, hệ thống KBNN đã nhận được những đánh giá tích cực trong chất lượng phục vụ từ phía khách hàng giao dịch với Kho bạc. Trên cơ sở những kết quả đạt được trong công tác CCHC, KBNN được Bộ Tài chính đánh giá xếp thứ 2 trong số các đơn vị thuộc khối Tổng cục thực hiện tốt công tác CCHC.
Năm 2022, hệ thống KBNN đã triển khai toàn diện các nhiệm vụ về CCHC và kiểm soát TTHC theo kế hoạch đã đề ra. Cụ thể: Cung cấp 100% thủ tục thực hiện dịch vụ công trực tuyến của KBNN (DVCTT) mức độ 4 và tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG); nghiên cứu cải cách tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống KBNN.
Bên cạnh đó, KBNN đã triển khai thực hiện Nghị định số 107/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; Triển khai thực hiện Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Quyết định số 766/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực hiện trên môi trường điện tử.
Đặc biệt, trong năm qua, KBNN đã thực hiện khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của hệ thống KBNN và ghi nhận được kết quả cao, đạt 94,5%.
Đại diện KBNN cho biết, trong điều kiện khoảng 97.000 đơn vị sử dụng ngân sách đã tham gia DVCTT, KBNN tập trung chỉ đạo vận hành hệ thống DVCTT hoạt động ổn định, thông suốt phục vụ 100% đơn vị sử dụng ngân sách. Đồng thời, bổ sung tiện ích tra cứu dữ liệu DVCTT phục vụ thanh tra kiểm tra nhằm phát hiện nhanh những vấn đề bất thường, kịp thời cảnh báo cho các đơn vị trong hệ thống KBNN xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ, đột xuất.
Ngoài ra, đại diện KBNN thông tin thêm, nhờ việc vận hành hệ thống DVCTT đảm bảo thông suốt, số lượng giao dịch chi ngân sách nhà nước qua DVCTT đã đạt tỷ lệ trên 99,6%, lượng giao dịch trung bình mỗi ngày từ 100.000 đến 150.000 giao dịch, ngày cao điểm đầu tháng và cuối tháng từ 150.000 đến 200.000 giao dịch, ngày cao điểm cuối năm từ 400.000 đến 500.000 giao dịch.
Song hành với đó, KBNN đã ban hành theo thẩm quyền Quy định chuẩn kết nối và tích hợp phần mềm ứng dụng của các cơ quan, tổ chức vào hệ thống DVCTT của KBNN làm cơ sở để kết nối với hệ thống kế toán của các đơn vị sử dụng ngân sách nhằm liên thông dữ liệu chi ngân sách nhà nước và hồ sơ chi ngân sách nhà nước (DVC Gateway), nhờ vậy, chất lượng cung cấp dịch vụ cho các đơn vị sử dụng ngân sách đã được nâng lên rõ rệt.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào CCHC
Năm 2023, KBNN tiếp tục triển khai các nhiệm vụ tại Kế hoạch CCHC giai đoạn 2021-2025 đồng bộ trên các lĩnh vực cải cách thể chế, cải cách TTHC, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính.
Để đẩy mạnh CCHC và từng bước tiến tới hình thành kho bạc số vào năm 2030, KBNN đặt ra kế hoạch tiếp tục thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC theo quy định của Chính phủ; Rà soát, thống kê, đơn giản hóa TTHC nội bộ thuộc phạm vi quản lý của KBNN giai đoạn 2022 – 2025.
Đặc biệt, trong năm nay, Lãnh đạo KBNN sẽ chỉ đạo toàn hệ thống tăng cường triển khai thực hiện TTHC trên môi trường điện tử. Theo đó, sẽ đẩy mạnh thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc thực hiện TTHC trên môi trường mạng; Triển khai thực hiện kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công Quốc gia phục vụ thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong giải quyết TTHC theo lộ trình hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ.
KBNN yêu cầu toàn hệ thống triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ được Bộ Tài chính phân công tại Quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Đại diện KBNN nhấn mạnh, năm 2023, KBNN cũng sẽ tăng cường thực hiện DVCTT và hoàn thiện chất lượng, tính năng của DVCTT, qua đó tạo điều kiện cho người dân, tổ chức trong thực hiện các giao dịch, kiên trì với mục tiêu lấy khách hàng làm trọng tâm phục vụ; Nghiên cứu, triển khai thực hiện TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính; Xây dựng và triển khai lưu trữ điện tử đối với hồ sơ TTHC để đáp ứng việc tiếp nhận, lưu trữ tài liệu hồ sơ có dung lượng cao...