Tăng cường tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập giáo dục đại học và y tế (*)


Y tế và giáo dục là hai ngành, lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công chiếm tỉ trọng lớn trong tổng số các dịch vụ sự nghiệp công. Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập đã có những quy định cụ thể để khuyến khích các đơn vị trong những lĩnh vực này đẩy mạnh tự chủ.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trước khi Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế và giáo dục tiếp tục thực hiện tự chủ tài chính theo các quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, theo 3 độ tự chủ: (1) đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên, (2) đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và (3) đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

Thời gian qua, để tăng cường thực hiện cơ chế tự chủ trong giáo dục đại học và y tế, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết cho phép thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập và một số Bệnh viện, tuy vậy số lượng các đơn vị tự đảm bảo chi đầu tư và chi thường xuyên trong 2 lĩnh vực này còn rất ít.

Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tổng hợp chung tất cả các nguồn lực, chưa có sự tách bạch rõ nguồn thu từ hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị do Nhà nước giao (hoạt động cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục dịch vụ sử dụng ngân sách nhà nước) và các hoạt động kinh doanh dịch vụ.

Để khắc phục những hạn chế này, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP đã bổ sung quy định cụ thể nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tách rõ nguồn thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước và nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp (gồm thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công; thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoạt động liên doanh, liên kết; thu từ cho thuê tài sản công).

Trong đó, ngoài những quy định áp dụng chung, Nghị định đã quy định 1 Chương riêng về tự chủ về tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế - dân số; giáo dục và đào tạo; giáo dục nghề nghiệp để điều chỉnh những nội dung mang tính đặc thù của 2 lĩnh vực này.

Cụ thể, đối với lĩnh vực y tế, Nghị định quy định đơn vị được tự chủ trong thuê các đơn vị cung cấp dịch vụ kỹ thuật y tế để đáp ứng yêu cầu chuyên môn trong trường hợp không có đủ trang thiết bị để thực hiện các dịch vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao; được quyết định mức chi phẫu thuật, thủ thuật theo khả năng tài chính của đơn vị; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tùy theo khả năng nguồn tài chính được trích lập Quỹ hỗ trợ khám, chữa bệnh để hỗ trợ cho đối tượng chính sách thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo hoặc gia đình có khó khăn về kinh tế.

Đặc biệt, Nghị định đã quy định cụ thể phân bổ, giao dự toán đối với đơn vị được giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ y tế dự phòng, nâng cao sức khỏe, dân số, an toàn thực phẩm thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước và phân loại mức độ tự chủ tài chính của Trung tâm y tế đa chức năng.

Đối với lĩnh vực giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, Nghị định quy định cụ thể nguồn tài chính có tính chất đặc thù của lĩnh vực (như kinh phí thực hiện chính sách miễn, giảm học phí; hỗ trợ chi phí học tập và chính sách hỗ trợ khác cho học sinh, sinh viên; thu học phí theo quy định của pháp luật, thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ). Đồng thời, cho phép đơn vị căn cứ khả năng nguồn tài chính được thực hiện trích lập Quỹ hỗ trợ học sinh, sinh viên.

(*) Lược trích theo bài "Nghị định 60/2021/NĐ-CP: Trao quyền tự chủ cho đơn vị sự nghiệp công lập" - T.N/mof.gov.vn.