Tăng hiệu quả cho kiểm soát đặc biệt
Bản dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD được giới quan sát đánh giá, Ban soạn thảo đầu tư nhiều vào các quy định kiểm soát đặc biệt, chuyển giao bắt buộc, phương án phục hồi…
Để “trái tim” không ngưng đập
Trong cuộc hội thảo lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD vừa qua, Luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) ủng hộ sửa đổi các quy định về kiểm soát đặc biệt một NHTM khi bị lâm vào tình trạng mất thanh khoản. Tuy nhiên, cần công khai thông tin kiểm soát đặc biệt một NHTM yếu kém, như một thông tin chính thống và bắt buộc ngân hàng đó có trách nhiệm hơn trong khắc phục những khó khăn tồn tại.
Thực tế, thời gian qua NHNN đã công khai thông tin kiểm soát đặc biệt DongA Bank và đưa người vào tham gia tái cơ cấu ngân hàng này, NHNN đã tiếp nhận hơn 51% cổ phần Sacombank của ông Trầm Bê và công khai tuyên bố tái cơ cấu ngân hàng này…
Theo quy định, một ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt thì không còn được thực hiện chức năng cho vay và một số nghiệp vụ khác, nhưng riêng chi trả tiền gửi cho người dân vẫn phải thực hiện. Để nhận diện một ngân hàng trước khi có hình thức kiểm soát đặc biệt ngân hàng tức là ngân hàng đó không có khả năng thanh toán (giải ngân vốn vay…), mất khả năng chi trả (trả lãi tiền gửi, trả vốn tiết kiệm đến hạn…).
Ở điểm này NHNN có quy định cụ thể thời gian bao lâu được coi là mất khả năng thanh khoản đối với một TCTD. Theo đó, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng là tổ chức có trách nhiệm và nghĩa vụ theo dõi sát nhịp đập của các NHTM để đưa ra cảnh báo sớm đối với nhà điều hành.
Tương tự, tại điều 141 dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD có nêu: một TCTD tạm ngưng hoạt động kinh doanh không quá một ngày. Chuyên gia luật đưa ra nhận định cần làm rõ nội hàm của điểm này, là tạm ngưng hoạt động kinh doanh nửa ngày hay một vài giờ đồng hồ cụ thể để có bước thông tin ra thị trường.“Bởi ngân hàng được ví là trái tim mà trái tim ngưng đập rất nguy hiểm cho cơ thể” – bà Hòa ví von.
Đại diện NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong điều 145 dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD có nêu các TCTD bị kiểm soát đặc biệt. Đây là nội dung đều được tính toán, cụ thể bởi các chỉ số định lượng phản ánh mức độ an toàn trong hoạt động của TCTD. Trên cơ sở đó cùng với hoạt động giám sát từ xa: theo dõi, phân tích, đánh giá và hoạt động thanh tra, kiểm tra của NHNN để biết được tình hình hoạt động của TCTD. Từ đó có những đánh giá, đưa vào cảnh báo và có các giải pháp đối với TCTD, điều này phản ánh rõ vai trò của NHNN đối với quá trình kiểm soát đặc biệt một TCTD.
Tạo hành lang pháp lý chặt chẽ hơn
Lãnh đạo một NHTM ở TP. Hồ Chí Minh đã từng bị kiểm soát đặc biệt cách nay 7 năm cho biết, hoạt động kiểm soát đặc biệt một TCTD là một nghiệp vụ của NHTW, nhưng thời gian qua do thiếu các quy định pháp luật đủ mạnh nên dẫn đến tình trạng xin cho trong quá trình thực hiện kiểm soát đặc biệt.
Một TCTD bị kiểm soát đặc biệt thì mọi hoạt động nằm dưới sự kiểm soát của tổ giám sát đặc biệt của NHNN. Theo đó, từ chi trả lãi tiền gửi, trả vốn tiết kiệm đến hạn, đến mọi chi phí vận hành bộ máy của TCTD bị kiểm soát đặc biệt đều phải xin ý kiến tổ giám sát đặc biệt. Nếu các quy định kiểm soát đặc biệt được luật hóa trong Luật Các TCTD thì các TCTD sẽ vận hành thị trường hơn và không còn phải đi xin chi phí tổ chức hội thảo, quảng cáo…
Bên cạnh các quy định trong kiểm soát đặc biệt như cho vay hỗ trợ thanh khoản đối với NHTM bị kiểm soát đặc biệt, theo đại diện NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD lần này còn có quy định cho phép các TCTD bị kiểm soát đặc biệt được vay đặc biệt từ tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi, Ngân hàng Hợp tác xã và các TCTD khác. Một số quan điểm cho rằng, trong quá trình tổ chức hỗ trợ thanh khoản cho ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt nên có thông tin cập nhật và quá trình phục hồi của TCTD đó, để giúp người dân không bị hoang mang, đồn đoán bên lề…
Phương án phá sản TCTD cũng được đưa vào bản dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD đợt này, nhưng các chuyên gia luật cho rằng nội dung phương án phá sản còn chưa sâu. TS. Trần Hoàng Ngân, Đại biểu Quốc hội khóa XIV cho rằng: Phá sản là một điều không ai mong muốn. Thời gian qua Việt Nam chưa cho ngân hàng nào phá sản, do lo ngại tác động của nó đến xã hội. Hơn nữa thủ tục phá sản hiện nay còn rườm rà nên có thể NHNN chú ý đến xây dựng các quy định kiểm soát đặc biệt nhiều hơn là phương án phá sản. Nhưng Luật Các TCTD điều chỉnh cả công ty tài chính, quỹ tín dụng… chứ không riêng các NHTM, nên rất cần điều khoản phá sản.
Bản dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD được giới quan sát đánh giá, Ban soạn thảo đầu tư nhiều vào các quy định kiểm soát đặc biệt, chuyển giao bắt buộc, phương án phục hồi… Hay nói cách khác tăng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng để đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng hơn là xây dựng các quy định về phương án phá sản TCTD. Mặc dù bản dự thảo cũng có bàn đến phá sản ngân hàng nhưng có lẽ chỉ xây dựng để phù hợp với điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Luật sư Trương Thị Hòa, hoan nghênh ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD kỳ này chú ý đến cả những chi tiết như bỏ phần TCTD khai báo với nhà điều hành việc chuyển đổi trụ sở, chi nhánh, phòng giao dịch. Điểm bãi bỏ này sẽ giúp NHNN đã tăng quyền tự quyết trong hoạt động kinh doanh của TCTD, đây là một bước cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý cấp phép.