Tăng khả năng tiếp cận chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Những chính sách về thuế và tín dụng đã tác động rất lớn và giúp cho doanh nghiệp (DN) giảm bớt khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Mới đây, tại diễn đàn trực tuyến “Hỗ trợ DN trong đại dịch COVID-19: Từ chính sách đến thực tiễn” do Tạp chí Hải quan tổ chức, các chuyên gia nhận diện toàn cảnh tác động “trợ lực” của các chính sách này đối với thực tiễn hoạt động của DN. Ðồng thời, đề xuất các giải pháp tiếp theo để DN được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ một cách kịp thời, hiệu quả.
Kịp thời tiếp sức cho DN
Dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư và lan rộng ra hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng DN. Trong bối cảnh đó, Chính phủ, các bộ, ngành đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, giúp DN có thêm “sức đề kháng” cũng như nguồn lực để khôi phục và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Các chính sách được ban hành, đặc biệt về thuế, phí, tín dụng được DN quan tâm, đón đợi.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế, Tổng cục Thuế, cho biết: Nghị định số 52/2021/NQ-CP gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất năm 2021 triển khai từ tháng 4/2021, ước tính đã thực hiện đến cuối tháng 9/2021 khoảng 78.500 tỉ đồng. Trong đó, được hỗ trợ nhiều nhất là thuế giá trị gia tăng, chiếm khoảng 60% tổng số tiền được hỗ trợ.
Bộ Tài chính đã đề xuất duy trì miễn giảm cho khoảng 30 loại phí, lệ phí có tác động đến hoạt động của doanh nghiệp, cũng như đời sống của người dân; duy trì chế độ giảm thuế suất nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ các ngành sản xuất hàng nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ…
Mới đây, Bộ Tài chính tiếp tục trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua gói hỗ trợ mới trị giá 21.300 tỉ đồng. Cụ thể, giảm 30% thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với hàng hóa thiết yếu phục vụ dân sinh, các DN cung cấp sản phẩm thiết yếu; miễn hoàn toàn các loại thuế phải nộp cho hộ kinh doanh trong quý III và quý IV/2021; giảm 30% tiền thuê đất và giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 áp dụng cho tất cả các đối tượng DN, ngành nghề có phát sinh tiền thuê đất và tiền thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp.
Hệ thống ngân hàng cũng đã nỗ lực thực hiện các chính sách của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về hỗ trợ tín dụng cho DN thông qua cơ cấu nợ, gia hạn nợ, miễn giảm lãi suất vay… Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, cho biết: Từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, NHNN đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ DN, trong đó phải kể đến Thông tư 01 và các Thông tư 03, Thông tư 14 sửa đổi về cơ cấu nợ, miễn giảm lãi suất, phí cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Các chính sách được NHNN ban hành kịp thời và rất quan trọng để hỗ trợ DN.
Theo số liệu thống kê, từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, hệ thống ngân hàng đã miễn giảm lãi hơn 26.000 tỉ đồng, miễn giảm phí gần 2.000 tỉ đồng cho các DN. Từ tháng 7/2021 đến nay, Hiệp hội Ngân hàng đã kêu gọi các tổ chức tín dụng, đặc biệt là 16 tổ chức tín dụng tiên phong giảm lãi suất cho các DN gặp khó khăn bởi dịch COVID-19. Các tổ chức cam kết thực hiện từ tháng 7 đến hết năm 2021 là 20.300 tỉ đồng. Ðây là nỗ lực rất lớn của các tổ chức tín dụng...
Ông Ðậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận xét: Các chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, đã có tác dụng góp phần giảm bớt khó khăn cho DN. Nhiều DN phản ánh, chính sách hỗ trợ của Chính phủ về tài chính rất có ý nghĩa, đánh giá cao chính sách hỗ trợ về thuế. Gói hỗ trợ về tín dụng cũng có tác dụng nhiều cho DN giảm áp lực về tài chính, tăng khả năng tiếp cận vốn, giảm áp lực trích lập dự phòng rủi ro cho ngân hàng…
Cần cơ chế, chính sách mới
Theo ý kiến của các chuyên gia, để hỗ trợ DN khôi phục sản xuất kinh doanh, ngoài việc kéo dài thời gian áp dụng các chính sách hiện tại, cần có cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn.
Ông Ðậu Anh Tuấn phân tích: Chính sách về thuế hỗ trợ DN mới chỉ dừng ở mức hoãn, giãn thời gian nộp chứ chưa giảm số thuế phải nộp, vì vậy, hết thời gian giãn nộp, DN sẽ phải nộp tiền thuế được gia hạn trước đó. Mặt khác, tỷ lệ thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của DN còn hạn chế, nhiều chính sách ban hành ngắn hạn, chưa tướng xứng với tình trạng và khả năng phục hồi của DN. Nhiều dự báo cho rằng, phải đến giữa năm 2022, các DN mới phần nào khôi phục được hoạt động.
Do đó, bên cạnh việc kéo dài thêm các chính sách hỗ trợ như gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất… cần có thêm các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn. Ông Tuấn đề xuất giải pháp không tốn nhiều nguồn lực mà DN đều được thụ hưởng, đó là phải tiếp tục tháo gỡ khó khăn của các quy định pháp luật chồng lấn còn gây phiên hà. Việc cải thiện môi trường kinh doanh cần tiếp tục được ưu tiên đẩy mạnh hơn nữa để tạo hiệu ứng lớn trên thực tế, tạo nên nhiều lực đẩy, động lực phát triển kinh tế trong thời gian tới.
Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, nguyện vọng của DN lớn nhất bây giờ là được hoạt động. Nguyện vọng tiếp theo của DN là được cơ quan nhà nước đặt vào vai trò đồng hành, cùng tham gia vào việc quản lý an toàn trong dịch bệnh, là chủ thể chính của sự phục hồi kinh tế. Khi xây dựng chính sách, phần tham vấn DN cần chiếm tỷ trọng cao hơn để chính sách sát với thực tiễn, dễ thực thi. Ngoài ra, hoạt động đối thoại công - tư cần được đẩy mạnh, cơ quan xây dựng chính sách cần chủ động đối thoại với DN hơn nữa.