Tạo bước chuyển mạnh trong đấu thầu qua mạng
Sau hơn hai năm chính thức triển khai, đấu thầu qua mạng (ĐTQM) đã minh chứng đây là công cụ hữu hiệu bảo đảm mục tiêu cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế của công tác đấu thầu. Tuy nhiên, thực tế đến nay ĐTQM vẫn chỉ đạt tỷ lệ rất nhỏ trong số các gói thầu thuộc phạm vi áp dụng theo lộ trình.
Trong bối cảnh nguồn lực công đang hết sức eo hẹp và khó khăn như hiện nay, càng đòi hỏi phải sử dụng tiết kiệm, hiệu quả từng đồng vốn ngân sách. Tuy nhiên, thất thoát, lãng phí trong đầu tư công vẫn rất lớn mà một phần nguyên nhân là bởi hạn chế trong công tác đấu thầu. Thực tế, dù khung pháp luật về đấu thầu của nước ta đã quy định rất chặt chẽ và rõ ràng, nhưng quá trình thực thi lại đang phát sinh không ít tiêu cực. Cụ thể, có tình trạng chủ đầu tư gây khó khăn cho nhà thầu, đưa nhiều lý do để không bán hồ sơ mời thầu. Kể cả khi mua được hồ sơ thì trong quá trình lựa chọn, bên mời thầu hay đơn vị tư vấn đấu thầu cũng thường chỉ ưu ái những nhà thầu “quen biết”. Nhiều trường hợp, chủ đầu tư dù đã xây dựng thang điểm đánh giá chi tiết nhưng khi tổ chức đánh giá lại thay đổi, điều chỉnh cơ cấu, tỷ trọng điểm của các tiêu chí đánh giá sao cho có lợi nhất cho nhà thầu quen biết và gây bất lợi cho nhà thầu khác. Việc đấu thầu hiện nay vẫn còn hình thức, tình trạng “quân xanh, quân đỏ” vẫn phổ biến, gây thất thoát lớn ngân sách nhà nước. Do đó, đẩy mạnh triển khai thực hiện các gói thầu mua sắm công theo hình thức ĐTQM sẽ hạn chế sự tiếp xúc giữa đối tượng tham gia đấu thầu với người giải quyết công việc và như vậy sẽ giảm tiêu cực trong đấu thầu.
ĐTQM chính thức triển khai trên phạm vi cả nước từ đầu năm 2016. Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Thúy Hằng cho biết, ĐTQM không chỉ rút ngắn thời gian, giảm bớt chi phí cho bên mời thầu và nhà thầu, mà còn góp phần chấm dứt vấn nạn “quân xanh, quân đỏ” hay cài cắm các điều khoản hạn chế sự tham gia của các bên ứng thầu. Số lượng gói thầu áp dụng ĐTQM cũng đang tăng lên nhanh chóng. Theo thống kê của Trung tâm ĐTQM quốc gia, tính đến ngày 31-12-2017, số lượng bên mời thầu đăng ký tham gia hệ thống là gần 18 nghìn; số lượng nhà thầu tham gia là hơn 62 nghìn. Riêng trong năm 2017, số lượng gói thầu áp dụng ĐTQM cũng tăng hơn gấp đôi so năm 2016, đạt 8.200 gói với tổng giá trị gói thầu điện tử là khoảng 9.000 tỷ đồng. Tỷ lệ tiết kiệm ĐTQM cũng đạt 9%, cao hơn so với đấu thầu trực tiếp là 7%.
Giải bài toán “chây ỳ”
Tuy nhiên, cũng theo Trung tâm ĐTQM quốc gia, tỷ lệ ĐTQM trong năm 2017 chỉ chiếm khoảng 12% số gói thầu thuộc phạm vi áp dụng theo lộ trình. Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu Nguyễn Đăng Trương nhìn nhận: Tỷ lệ thấp do một số nguyên nhân như: Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hiện tại được phát triển trên nền tảng công nghệ do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ từ năm 2009, đến nay đã xuất hiện một số bất cập khiến người dùng gặp trở ngại khi thao tác; kích thước hồ sơ dự thầu cho phép quá nhỏ (dưới 20 MB);... Bên cạnh đó, do mới triển khai được hai năm cho nên nhiều nhà thầu, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều lúng túng với ĐTQM, dẫn đến số lượng nhà thầu tham gia ĐTQM chưa cao. Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) Huỳnh Quang Liêm cũng chỉ rõ: Khó khăn lớn trong thực hiện ĐTQM là hạn chế về số lượng nhà thầu tham gia. Thực tế triển khai chín gói thầu của VNPT Hà Nội từ đầu năm 2017 cho thấy, có một gói thầu không có nhà thầu tham dự; ba gói thầu có một nhà thầu tham dự; bốn gói thầu có hai nhà thầu tham dự và chỉ một gói thầu có ba nhà thầu tham dự. Do đó, VNPT đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có giải pháp giới thiệu, phổ biến để các nhà thầu biết và sử dụng hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Giám đốc Trung tâm ĐTQM quốc gia Phạm Thy Hùng cho biết, trong năm 2018, Trung tâm sẽ tiếp tục nâng cấp, chỉnh sửa hệ thống hiện tại để khắc phục các khó khăn về kỹ thuật như tăng kích thước tệp tin dự thầu, cải thiện giao diện thân thiện,... Ngoài ra, Trung tâm cũng lên kế hoạch xây dựng một hệ thống mới hiện đại hơn, bao gồm tổng thể mọi chức năng và được liên kết với các hệ thống dữ liệu khác của ngân hàng, địa phương, tăng cường tiện ích cho người dùng. Tuy nhiên, theo ông Hùng, việc kết nối về kỹ thuật là đơn giản, nhưng cái khó là các đơn vị có thật sự cởi mở, sẵn sàng kết nối và chia sẻ thông tin hay không. Thực tế, không ít đơn vị hiện nay vẫn coi thông tin về đấu thầu như “tài nguyên quý”, không dễ để chia sẻ. Bên cạnh đó, quá trình triển khai ĐTQM cũng cho thấy các bộ, ban, ngành, địa phương nào có sự quyết liệt đôn đốc, giám sát triển khai chặt chẽ thì tỷ lệ ĐTQM tăng rõ rệt; nơi nào không quyết tâm, cố tình “chây ỳ” không áp dụng ĐTQM thì thường nêu ra các trở ngại và số lượng gói thầu ĐTQM rất thấp, thậm chí có những đơn vị chưa thực hiện gói thầu điện tử nào.
Có thể thấy, mặc dù ĐTQM có nhiều lợi ích nhưng không phải chủ đầu tư hay bên mời thầu nào cũng “sẵn lòng” thực hiện, cho dù họ có đủ điều kiện để triển khai. Phải chăng là do những chủ đầu tư khi đã quen với phương thức đấu thầu truyền thống, khi phải áp dụng ĐTQM và không được “gặp mặt” các nhà thầu sẽ cảm thấy “bâng khuâng”, “hụt hẫng”. Có lẽ, đây mới là nguyên nhân chính dẫn đến ĐTQM vẫn chỉ đạt tỷ lệ ít ỏi như hiện nay. Các chuyên gia kiến nghị, để giải quyết tình trạng này có thể áp tỷ lệ dự án bắt buộc phải thực hiện ĐTQM cho từng đơn vị. Thí dụ, áp ở mức từ 30 đến 40% và tăng dần theo từng giai đoạn. Chỉ có như vậy, ĐTQM mới phát triển, góp phần tăng cường hiệu quả cho công tác đầu tư công.
Trên cơ sở đánh giá kết quả triển khai ĐTQM trong thực tế, tổng kết các thuận lợi, khó khăn vướng mắc của người sử dụng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây đã ban hành Thông tư số 04/2017/TT-BKHĐT ngày 15/11/2017, trong đó mở rộng phạm vi áp dụng cho các loại gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, phi tư vấn, tư vấn; hình thức đấu thầu chào hàng cạnh tranh, đấu thầu rộng rãi với phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ và một giai đoạn hai túi hồ sơ. Như vậy, thông tư này đã cho phép áp dụng ĐTQM cho hầu hết các gói thầu quy định trong Luật Đấu thầu.