Tạo chuỗi cung toàn diện cho ngành bán dẫn


Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Để thúc đẩy ngành này, cùng với đào tạo nguồn nhân lực, phải có chính sách thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tạo chuỗi cung toàn diện.

Toàn cảnh tọa đàm. Nguồn: ITN
Toàn cảnh tọa đàm. Nguồn: ITN

“Việt Nam đang chuẩn bị tốt nhất để sẵn sàng đón nhà đầu tư”

Chia sẻ tại Tọa đàm "Sự sẵn sàng cơ sở hạ tầng cho ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam" do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) tổ chức sáng 7/12, Chủ tịch SIA John Neuffer nhấn mạnh, Việt Nam đang thể hiện vai trò ngày càng quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Chủ tịch SIA dẫn chứng, nhiều doanh nghiệp của Mỹ đã đầu tư tại Việt Nam như Intel, Marvell, Synopsys, Qualcomm, Ampere, Infineon. Trong đó, riêng với Intel, tính từ năm 2006 đến đầu năm 2021, đã đầu tư 1,5 tỷ USD vào nhà máy tại Việt Nam, tạo việc làm cho hơn 6.500 người. Mới đây, trong khuôn khổ chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Phạm Minh Chính (tháng 9/2023), Synopsys và NIC đã ký kết biên bản ghi nhớ về phát triển nguồn nhân lực tài năng thiết kế vi mạch (IC) tại Việt Nam, trong đó Synopsys hỗ trợ NIC thành lập một trung tâm ươm tạo thiết kế chip… “Điều này minh chứng cho vai trò then chốt và ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu”, ông John Neuffer nêu.

Thực tế, Việt Nam “đã và đang nỗ lực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư trong ngành bán dẫn”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định. Cùng với việc từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục đầu tư kinh doanh, Việt Nam đã và đang xây dựng nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn cho các công ty, tập đoàn ngành bán dẫn. Các dự án đầu tư ngành bán dẫn thuộc lĩnh vực công nghệ cao, được áp dụng những ưu đãi cao nhất trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam.

Đặc biệt, mới đây, Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép Chính phủ xây dựng một Nghị định thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư cho một số dự án công nghệ cao, trong đó có các dự án trong ngành bán dẫn, cũng sẽ là nền tảng quan trọng cho sự phát triển ngành này.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII và thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước về các công trình trọng điểm ngành năng lượng nhằm cung cấp điện ổn định, bền vững phục vụ các dự án đầu tư; đồng thời, chuẩn bị đủ mặt bằng sạch tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao và đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông quan trọng kết nối với cảng biển, sân bay… tạo thuận lợi và nâng cao sức cạnh tranh của các dự án.

Ngoài ra, với việc thành lập NIC, nhất là khánh thành NIC cơ sở Hòa Lạc đã sẵn sàng đón nhận các dự án đầu tư, nghiên cứu và phát triển ngành bán dẫn. Cùng với đó là những nền tảng quan trọng như: lực lượng lao động dồi dào trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ; những đơn vị nghiên cứu, đào tạo uy tín trong lĩnh vực này như Đại học Quốc gia Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách Khoa Hà Nội; các doanh nghiệp lớn có nguồn lực và sẵn sàng hợp tác phát triển ngành bán dẫn như Viettel, VNPT, FPT, CMC… 

Xem xét thành lập Hiệp hội Bán dẫn Việt Nam

Dù vậy, theo các đại biểu, thách thức với Việt Nam trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn là không nhỏ. Giám đốc Trung tâm Phát triển Infineon Vũ Duy Việt chia sẻ, khi thành lập trung tâm cần 15 - 20 kỹ sư thiết kế và mong muốn phát triển lên 50 - 60 kỹ sư. Dù chủ đích đặt trụ sở của trung tâm ở Hà Nội - nơi có nhiều trường đại học hàng đầu cả nước, song việc tìm kiếm nhân sự vẫn rất hạn chế. 

Bên cạnh yếu tố nhân lực, Tổng Giám đốc Marvell Việt Nam Lê Quang Đạm nhìn nhận, vấn đề bảo hộ trí tuệ sáng tạo là yếu tố “vô cùng quan trọng” để doanh nghiệp FDI yên tâm đầu tư tại Việt Nam. Do vậy, cần có hành lang pháp lý tốt hơn cho vấn đề này.

Còn theo đại diện Intel, Việt Nam cần có những chính sách mang tính khích lệ như chính sách về thuế - điều kiện quan trọng để nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc đầu tư dài hạn. Việt Nam có thể tham khảo cơ chế thuế của OECD để thiết kế chính sách cho phù hợp, khi đó sẽ khuyến khích được nghiên cứu và phát triển (R&D).  

Chia sẻ với ý kiến trên, Chủ tịch SIA John Neuffer lưu ý, vai trò của các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng rất lớn. “Ở Hoa Kỳ, chúng tôi có công ty lớn và nhỏ đều tham gia chuỗi cung ứng cho ngành bán dẫn và mong Việt Nam cũng như vậy”, ông nói và nêu hàm ý Việt Nam cần thiết kế chính sách để thu hút các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia, tạo chuỗi cung ứng toàn diện cho ngành công nghiệp này.

Dẫn kinh nghiệm thực tế từ 20 năm trước hợp tác với Intel khai trương nhà máy sản xuất lắp ráp máy tính tại Việt Nam, khi đó Intel cũng hỗ trợ công ty Legend của Trung Quốc, sau đó lớn mạnh thành tập đoàn Lenovo nhờ những chính sách hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ nước này, còn CMC vẫn nhỏ bé, Chủ tịch HĐQT CMC Nguyễn Trung Chính cho rằng, bài học thất bại lần đó là do sự thiếu đồng bộ của chính sách.

Lần này, trước cơ hội rất lớn hợp tác với doanh nghiệp Hoa Kỳ, Chủ tịch CMC kiến nghị Chính phủ có chính sách ưu đãi về tiếp cận đất đai; đẩy nhanh hơn nữa chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất, đào tạo nhân lực. Đặc biệt, cần thành lập Hiệp hội Bán dẫn Việt Nam để tạo sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam cũng như SIA.

Ở góc độ địa phương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết, với định hướng trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp thông minh, vấn đề quan trọng nhất hiện nay của tỉnh là chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp bán dẫn. Tỉnh đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm ban hành chính sách ưu đãi cho các cơ sở đào tạo để tỉnh có căn cứ ban hành nghị quyết riêng. 

Theo Báo Đại biểu Nhân dân/daibieunhandan.vn