Tạo cơ chế khuyến khích tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin phát hiện lãng phí

Gia Hân

Trong đề nghị xây dựng Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) sửa đổi, Bộ Tài chính nhấn mạnh đến mục tiêu hoàn thiện các quy định nhằm tạo cơ chế khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân THTK, CLP; khuyến khích các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin phát hiện lãng phí.

Khuyến khích các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin phát hiện lãng phí sẽ giúp tăng cường hiệu quả công tác THTK, CLP.
Khuyến khích các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin phát hiện lãng phí sẽ giúp tăng cường hiệu quả công tác THTK, CLP.

Quy định cụ thể hơn về cơ chế, chính sách bảo vệ, khen thưởng

Qua gần 10 năm thực hiện Luật THTK, CLP (Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 26/11/2013), công tác THTK, CLP nhìn chung đã đạt được một số kết quả nhất định, tạo chuyển biến và nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và Nhân dân trên các mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong thời gian thi hành Luật cũng đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế nhất định.

Theo Bộ Tài chính, một trong những tồn tại, hạn chế là liên quan đến cơ chế khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin phát hiện lãng phí. Luật THTK, CLP năm 2013 có quy định về phát hiện lãng phí và trách nhiệm xử lý thông tin phát hiện lãng phí, đồng thời có quy định liên quan đến khen thưởng đối với những người phát hiện, có thông tin phát hiện, ngăn chặn kịp thời không để lãng phí xảy ra.

Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy, các quy định này là chưa đủ để khuyến khích người dân phát hiện, cung cấp thông tin về các vụ việc gây lãng phí. Theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương thời gian qua, việc thực hiện các quy định về khen thưởng đối với người phát hiện lãng phí còn hạn chế; nhiều bộ, ngành, địa phương chưa có trường hợp được khen thưởng về công tác THTK, CLP.

Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị cần bổ sung các quy định cụ thể hơn về cơ chế, chính sách bảo vệ, khen thưởng những người phát hiện và cung cấp thông tin lãng phí để tạo động lực khuyến khích mọi người dân tham gia. Tại Tờ trình trình Chính phủ về Đề nghị xây dựng Luật kiệm, chống lãng (sửa đổi), Bộ Tài chính đã đề xuất 5 nhóm chính sách thực hiện, trong đó có nhóm chính sách nhằm khuyến khích các cơ quan, tổ chức, đơn vị và đặc biệt là người lao động tham gia một cách có trách nhiệm vào việc THTK, CLP và cung cấp thông tin phát hiện lãng phí.

Để lại theo tỷ lệ % số kinh phí ngăn chặn được cho người cung cấp thông tin 

Về giải pháp thực hiện nhóm chính sách này, Bộ Tài chính chỉ rõ, xây dựng Luật sửa đổi kế thừa các quy định hiện hành về khen thưởng đối với trường hợp có giải pháp, sáng kiến trong THTK, CLP mang lại kết quả cụ thể.

Bên cạnh đó, sẽ bổ sung quy định khuyến khích cán bộ, công chức, cơ quan tổ chức, đơn vị THTK, CLP theo hướng, đối với cá nhân có giải pháp, sáng kiến trong THTK, CLP thì được khen thưởng ngoài các hình thức khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua khen thưởng, mức khen thưởng căn cứ vào số kinh phí tiết kiệm được trong thực tế (có quy định mức tối đa). Quy định này đảm bảo phù hợp với quy định tại Luật Thi đua khen thưởng năm 2022.

Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính theo quy định của pháp luật, được tự chủ trong việc quyết định phương án sử dụng kinh phí tiết kiệm được vào các mục đích như: Bổ sung thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; Chi khen thưởng và phúc lợi cho cán bộ, công chức, trong đó cho phép việc trích khen thưởng cho các cá nhân, tổ chức, đơn vị có giải pháp, sáng kiến trong THTK, CLP mang lại kết quả cụ thể từ nguồn kinh phí tiết kiệm được; Bổ sung các Quỹ theo quy định của pháp luật.

Đáng chú ý, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định khuyến khích các cá nhân cung cấp thông tin phát hiện lãng phí theo hướng cho phép trích để lại một phần số kinh phí do ngăn chặn được lãng phí khi được phát hiện và ngăn chặn kịp thời cho chính người cung cấp thông tin phát hiện lãng phí theo tỷ lệ % nhất định tính trên số tiền bị lãng phí đã ngăn chặn kịp thời nhưng có khống chế mức tối đa.

Ngoài ra, bổ sung quy định cho phép các bộ, ngành ban hành các chính sách khuyến khích khác theo hướng ngoài các chính sách khuyến khích cụ thể tại Luật này, đồng thời các luật chuyên ngành có thể quy định thêm các chính sách khác để khuyến khích các tổ chức, đơn vị, cá nhân tham gia THTK, CLP phù hợp với đặc thù của từng ngành, từng lĩnh vực.

 

Theo Bộ Tài chính, việc bổ sung cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin phát hiện lãng phí tạo động lực để các tổ chức, cá nhân phát hiện, báo cáo về các trường hợp lãng phí, qua đó giúp tăng cường hiệu quả công tác THTK, CLP.