Tạo cơ sở pháp lý để thúc đẩy chuyển đổi số trong đăng ký biện pháp bảo đảm


Tạo cơ sở pháp lý để thúc đẩy việc chuyển đổi số trong đăng ký biện pháp bảo đảm, xây dựng cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm và chia sẻ, kết nối dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu này với các cơ sở dữ liệu của các cơ quan quản lý nhà nước, của tòa án, thi hành án dân sự, công chứng, ngân hàng… để góp phần tạo cơ sở nền tảng cho xây dựng Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Đây là thông tin được đưa ra tại "Tọa đàm nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, về đăng ký biện pháp bảo đảm để phù hợp xu hướng vận động, phát triển của khoa học công nghệ, của xây dựng kinh tế số, xã hội số" do Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) phối hợp với Dự án JICA tổ chức mới đây.

Theo ông Nguyễn Hồng Hải - Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp, việc nghiên cứu, rà soát, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về hoàn thiện khuôn khổ thể chế pháp luật bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm là hoạt động hết sức cần thiết.

Chính vì vậy, cần đảm bảo tạo cơ sở pháp lý thống nhất, thuận lợi hơn, tháo gỡ các rào cản, các vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, nhất là những người hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ khi tiếp cận vốn vay.

Bên cạnh đó, tạo cơ sở pháp lý để thúc đẩy việc chuyển đổi số trong đăng ký biện pháp bảo đảm, xây dựng cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm và chia sẻ, kết nối dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu này với các cơ sở dữ liệu của các cơ quan quản lý nhà nước, của tòa án, thi hành án dân sự, công chứng, ngân hàng… để góp phần tạo cơ sở nền tảng cho xây dựng Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Đặt ra một số vấn đề trong đăng ký biện pháp bảo đảm trong bối cảnh phát triển khoa học công nghệ, của kinh tế số, xã hội số, bà Nguyễn Quang Hương Trà - Trưởng Phòng Quản lý nghiệp vụ thuộc Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm cho rằng có 4 vấn đề chính.

Một là, đối với trường hợp Bộ Luật Dân sự, luật khác liên quan công nhận và có cơ chế pháp lý về việc đưa các dạng thức tài sản phát sinh từ phát triển khoa học công nghệ, nhất là các tài sản mới như tài sản số, tài sản trí tuệ… vào bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm cũng cần có cơ chế pháp lý tương ứng, phù hợp để điều chỉnh việc đăng ký biện pháp bảo đảm này.

Hai là, việc thúc đẩy, tăng cường việc đăng ký trên môi trường số, nhất là liên quan đến xây dựng, vận hành, phát triển Hệ thống đăng ký trực tuyến; hỗ trợ đa phương tiện trong đăng ký.

Xây dựng và liên thông các cơ sở dữ liệu về đăng ký với nhau, giữa cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm với cơ sở dữ liệu khác của các cơ quan có thẩm quyền; giữa cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm với các hệ thống giao dịch trực tuyến, hệ thống dữ liệu liên quan của thị trường tài chính, thị trường hàng hóa...

Ba là, về cơ chế pháp lý để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực theo hướng chuyên nghiệp hóa trong chuyển đổi số nói chung, cung cấp dịch vụ công về đăng ký biện pháp bảo đảm nói riêng hiện nay như thế nào?

Có cơ chế chính sách đặc thù nào trong việc xác định điều kiện, tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ; về trách nhiệm; về chế độ, chính sách của người làm công tác đăng ký biện pháp bảo đảm hay không?

Bốn là, giải pháp công nghệ hoặc cơ chế chính sách đặc thù nào để tăng cường tính bảo mật, an ninh, an toàn thông tin cho Hệ thống đăng ký trực tuyến, dữ liệu số về đăng ký biện pháp bảo đảm?

Chia sẻ kinh nghiệm từ phía Nhật Bản, ông Onishi Hiromichi - Chuyên gia dài hạn của Dự án JICA - đã đưa ra góc nhìn tổng quan về những hoạt động lớn gần đây liên quan đến việc số hóa việc đăng ký tài sản, đăng ký tài sản bảo đảm là công nghệ tại Nhật Bản.

Theo đó, Nhật Bản có các loại quyền bảo đảm chính như: các biện pháp bảo đảm không điển hình; bảo đảm chuyển nhượng; bảo lưu quyền sở hữu; dự ước mua lại, bán lại; bảo đảm đăng ký tạm thời (Luật liên quan đến hợp đồng bảo đảm đăng ký tạm thời); bảo đảm tiền gửi; cho thuê tài chính.

Đáng chú ý, việc đăng ký bảo đảm liên quan đến công nghệ tại Nhật Bản có một loại quyền khác với đa số các nước khác là quyền bảo đảm bằng toàn bộ tài sản doanh nghiệp, bao gồm cả những tài sản thuộc tài sản được hình thành trong tương lai, tài sản chưa nhìn thấy được của doanh nghiệp. Điều này tạo thuận lợi cho những doanh nghiệp khởi nghiệp, chưa có tài sản bảo đảm là tài sản hữu hình.

Để thúc đẩy chuyển đổi số trong đăng ký biện pháp bảo đảm, hiện nay, Nhật Bản cũng đang số hóa việc đăng ký tài sản với kế hoạch trọng điểm là hướng tới thực hiện xã hội số, đồng thời rà soát pháp luật về bảo đảm.

Đưa ra một số khuyến nghị để hoàn thiện pháp luật bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế số, TS. Nguyễn Bích Thảo, Chủ nhiệm Khoa Luật Dân sự - Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh, cần nghiên cứu toàn diện, thấu đáo các chuẩn mực quốc tế chung đã được thừa nhận về pháp luật giao dịch bảo đảm (Luật mẫu và các hướng dẫn của UNCITRAL về giao dịch bảo đảm) để từng bước cải cách pháp luật giao dịch bảo đảm Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đồng thời nghiên cứu các chuẩn mực quốc tế mới về giao dịch bảo đảm bằng tài sản số để có thể học hỏi, tiếp thu phù hợp với bối cảnh Việt Nam.

Pháp luật giao dịch bảo đảm cần ghi nhận bổ sung phương thức kiểm soát, chi phối bên cạnh các phương thức nắm giữ tài sản bảo đảm và đăng ký biện pháp bảo đảm để phù hợp với các loại tài sản bảo đảm mới trong nền kinh tế số.

Phương thức này không chỉ áp dụng đối với tài sản số mà còn áp dụng đối với các tài sản quan trọng khác trong nền kinh tế số như tài khoản tiền gửi, chứng khoán, quyền được thanh toán trên cơ sở thư tín dụng, các chứng từ có giá dưới hình thức điện tử…

Ngoài ra, TS. Nguyễn Bích Thảo cũng cho rằng, cần tiếp tục đơn giản hóa quy trình xử lý tài sản bảo đảm, đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng tòa án điện tử, chuyển đổi số hoạt động tố tụng, bước đầu ứng dụng các công nghệ số trong hoạt động tố tụng của tòa án và ngoài tòa án.

Theo Minh Nhật/thitruongtaichinhtiente.vn