Tạo đà cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn mới
Trong bối cảnh nền kinh tế đang dần phục hồi và có những tín hiệu tích cực trước thềm hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, việc xác định những “điểm nghẽn” của tăng trưởng kinh tế, tìm kiếm động lực mới tạo ra những đột phá trong giai đoạn mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và quyết định đưa nước ta phát triển nhanh và bền vững cho giai đoạn mới và các năm tiếp theo.
Để hoàn thành cao nhất chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2015, tạo đà cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020; đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế các nước lớn và là đối tác chính, quan trọng của Việt Nam tiếp tục phục hồi, tạo thuận lợi cho việc thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, xuất khẩu lao động, thu hút khách du lịch, tạo ra động lực quan trọng đối với tăng trưởng thương mại, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng hội nhập kinh tế quốc tế, thời gian tới Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các mục tiêu sau đây:
Thứ nhất, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Tái cơ cấu theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; đảm bảo phát triển nhanh, bền vững; nâng cao trình độ phát triển và năng lực cạnh tranh của các ngành, DN, sản phẩm và nền kinh tế. Thực hiện cơ cấu lại đồng bộ, toàn diện trong các ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế trên phạm vi cả nước và từng địa phương, đơn vị, cơ sở, sản phẩm chủ yếu, với tầm nhìn dài hạn và có lộ trình cụ thể; gắn kết chặt chẽ giữa “tổng thể” và các “trọng tâm” trong cơ cấu lại nền kinh tế. Đó là, cơ cấu lại đầu tư theo hướng tới đổi mới căn bản cơ chế, cách thức huy động, phân bổ, quản lý và sử dụng vốn đầu tư xã hội theo hướng đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, các định hướng ưu tiên của đầu tư công và đầu tư xã hội; Cơ cấu lại thị trường tài chính, bảo đảm lành mạnh hóa và ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, hướng tới loại bỏ nguy cơ mất an toàn hệ thống, tạo tiền đề thúc đẩy cơ cấu lại các lĩnh vực khác của nền kinh tế.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng nhằm khơi thông nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh theo hướng: Sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho thị trường mua bán nợ theo cơ chế thị trường nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc bảo toàn và hoàn vốn cho Nhà nước; Hoàn thiện chức năng, tăng cường tiềm lực tài chính, nâng cao năng lực, phát huy vai trò của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam, Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) và các định chế tài chính khác; Tăng cường thanh tra, giám sát về nợ xấu, chất lượng tín dụng và việc thực hiện quy định pháp luật về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro. Tập trung hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp (DN) nhà nước theo đề án đã duyệt; Rà soát, bổ sung các chính sách thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam và tăng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.
Thứ hai, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách; ban hành kịp thời văn bản hướng dẫn các luật mà Quốc hội đã thông qua; Tiếp tục triển khai mạnh mẽ Nghị quyết số 19/ NQ-CP ngày 18/3/2014 của Chính phủ; điều hành linh hoạt, thận trọng, phối hợp hiệu quả giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa; tăng dư nợ tín dụng một cách phù hợp, đảm bảo chất lượng khoản vay; giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn; giảm thuế thu nhập DN theo lộ trình đã đặt ra; điều hành linh hoạt giá các hàng hóa dịch vụ do Nhà nước quản lý để cải thiện môi trường đầu tư hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần nâng cao hình ảnh Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh kích thích tiêu dùng thông qua các hội chợ thương mại, khuyến mại giảm giá, đưa hàng hóa về nông thôn, vùng sâu, vùng xa; đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, phát triển du lịch Việt Nam; đẩy mạnh việc xúc tiến đầu tư. Thực hiện các giải pháp huy động mọi nguồn lực, tăng cường thu hút và giải ngân vốn ODA, FDI; rà soát tháo gỡ khó khăn vướng mắc, ưu tiên bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ các công trình dự án trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia có tính lan tỏa và có khả năng hoàn thành trong năm 2015 nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng năng lực sản xuất, góp phần tăng tổng cầu cho nền kinh tế.
Thứ ba, nghiên cứu thể chế, chính sách
Các loại hình DN như: DN FDI, DN nhà nước, DN tư nhân… cần tạo điều kiện thuận lợi để phát triển; đi sâu nghiên cứu mô hình tổ chức của cơ quan quản lý chuyên trách đại diện chủ sở hữu của DN nhà nước; nghiên cứu các thể chế, các chính sách để hỗ trợ DN nhỏ và vừa, các DN khởi nghiệp… Ngoài ra, có các biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh của DN, nhất là đối với khu vực kinh tế tư nhân đảm bảo cung ứng nguyên phụ liệu, linh phụ kiện cho các ngành sản xuất trong nước nói chung và xuất khẩu nói riêng; Đẩy mạnh công tác thông tin, tư vấn, hỗ trợ DN trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tìm kiếm thị trường và khuyến khích các DN đầu tư ra nước ngoài; hỗ trợ về tài chính đầu tư phát triển công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ...; Tăng cường liên kết giữa DN FDI và DN trong nước, khai thác tốt các cơ hội đem lại từ các Hiệp định thương mại tự do.
Thứ tư, cân đối thu - chi ngân sách và quản lý nợ công một cách hiệu quả.
Trong điều kiện giá dầu được tiếp tục dự báo ở mức thấp trong năm 2015, thời gian tới chúng ta cần điều chỉnh lại kế hoạch thu - chi sao cho sát với tình hình thực tế. Đẩy mạnh cơ cấu lại thu - chi lành mạnh hơn, tập trung tăng tỷ trọng thu nội địa, thực hiện nguyên tắc chi tiêu trong phạm vi khả năng của nền kinh tế; đồng thời, thắt chặt kỷ cương, kỷ luật ngân sách nhà nước, triệt để tiết kiệm và nâng cao hiệu quả chi tiêu công; Giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư và bố trí đủ nguồn trả nợ. Đặc biệt, tăng cường công tác quản lý và xử lý rủi ro về nợ công theo hướng sau:
(i) Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế: Sửa đổi bổ sung Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công, chiến lược quản lý nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia;
(ii) Chủ động cơ cấu lại nợ công, giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn và chi phí vay vốn, tăng tính thanh khoản của thị trường trái phiếu chính phủ;
(iii) Ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả cơ chế cảnh báo; xây dựng, công bố tiêu chí đánh giá an toàn, bền vững nợ công và cơ chế báo cáo về hiệu quả sử dụng vốn vay về nợ công;
(iv) Tăng cường thanh tra, kiểm toán, giám sát và xử lý sai phạm về nợ công.
Thứ năm, thực hiện tốt chính sách đảm bảo an sinh xã hội.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, nhất là lao động ở nông thôn, sinh viên mới ra trường. Chú trọng công tác đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tăng cường hỗ trợ cho người có thu nhập thấp, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa... không để khó khăn về kinh tế gây mâu thuẫn, căng thẳng xã hội, dẫn đến bất ổn chính trị.
Thứ sáu, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng nhằm tạo ra động lực cho tăng trưởng thương mại và đầu tư.
Tích hợp, lồng ghép các hiệp định thương mại tự do với nhau theo chiều dọc lẫn chiều ngang đối với từng lĩnh vực đã cam kết, để có thể xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, sát thực với tình hình thực tiễn của nền kinh tế của Việt Nam. Có như vậy, mới có thể tận dụng tối đa các cơ hội và giảm thiểu, rủi ro và vượt qua thách thức; thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế.
Thứ bảy, tiếp tục cập nhật phân tích, đánh giá, dự báo kịp thời, chính xác tình hình kinh tế, chính trị thế giới, khu vực.
Sự trồi sụt của giá dầu thế giới có tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam. Do đó, chúng ta nhất thiết phải lưu tâm tới vấn đề cập nhật, phân tích, đánh giá, dự báo kịp thời, chính xác về tình hình kinh tế - chính trị thế giới và khu vực, để có giải pháp ứng phó kịp thời; phòng ngừa, hạn chế tác động tiêu cực và tranh thủ cơ hội để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát