Tạo đà tăng trưởng bền vững
Lần đầu tiên trong vòng mười năm trở lại đây, chúng ta đã khắc phục được hiện tượng "đầu năm đủng đỉnh, cuối năm gấp gáp", tạo tốc độ tăng trưởng quý I hơn 7,3% - mức tăng cao nhất kể từ quý I/2008.
Điều đáng quan tâm là có sự tăng đồng đều trên cả ba lĩnh vực: nông - lâm nghiệp - thủy sản tăng hơn 4%; công nghiệp và xây dựng tăng 9,7%; dịch vụ tăng 6,7%. Đặc biệt ngành công nghiệp có mức tăng cao nhất trong bảy năm gần đây là 13,56%! Những con số nêu trên cho thấy sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế đang đi đúng hướng và các giải pháp thực hiện cụ thể, thiết thực nên đã và đang tạo nên sự vững chắc trong động lực tăng trưởng. Sự bùng nổ khách quốc tế vào nước ta tăng hơn 30% so với cùng kỳ là một trong những minh chứng Việt Nam là điểm đến hấp dẫn bởi tình hình chính trị - xã hội ổn định và nền kinh tế đang tạo ra nhiều điểm sáng thu hút đầu tư nước ngoài.
Cần nhấn mạnh rằng, đạt tốc độ tăng trưởng cao trong khi tốc độ tăng vốn xã hội và lạm phát không cao. Việc huy động vốn của các ngân hàng thương mại tăng 2,2%, mức cho vay tín dụng tăng 2,23%, và mức lãi cho vay trong các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6 - 6,5% đã tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh phát triển. Nét nổi bật là, vốn đầu tư khu vực tư nhân chiếm chủ yếu trong vốn đầu tư toàn xã hội, đạt 41,9%; trong khi khu vực FDI chiếm 26,5%.
Kim ngạch xuất khẩu tăng 22%, trong đó xuất khẩu rau quả tăng 35,6%; xoài, nhãn, thanh long, bưởi... xuất khẩu có giá cao hơn thị trường trong nước từ 15 - 30%. Đó là những tín hiệu vui, động viên người nông dân hăng hái sản xuất, cải tiến kỹ thuật, sáng tạo các giống mới có năng suất cao, chiếm lĩnh được các thị trường khó tính, như Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân, Nhật Bản...
Những thành tựu của quý I năm nay là kết quả của sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ trên cơ sở hoạch định đúng những chủ trương, chính sách sát hợp; tinh thần nỗ lực phấn đấu sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân; sự kết hợp hài hòa giữa nội lực và ngoại lực... Chuyên gia kinh tế nổi tiếng Julien Marcilly viết bài trên tờ báo lớn của Pháp Les Echos ngày 28/3 vừa qua nhận định rằng "nền kinh tế Việt Nam có những đặc trưng thường thấy của một "con hổ kinh tế" nhờ sức tăng trưởng đáng ngạc nhiên: duy trì mức 6% trong nhiều năm nay, đầu tư nước ngoài tương đương với 6,2% GDP vào năm 2016, thị trường nội địa năng động với hơn 90 triệu dân; cơ cấu kinh tế được đa dạng hóa và nâng cấp, không còn dừng ở ngành dệt may, mà chuyển hướng sang lĩnh vực điện tử...". Theo sự phân tích của ông, "Việt Nam đang tiến rất nhanh, trong đó phải kể đến việc gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Nền kinh tế Việt Nam cởi mở và các doanh nghiệp ngày càng hòa nhập vào chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là các nước trong khu vực...".
Đi liền niềm tự hào trước những kết quả đáng khích lệ nêu trên, chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật những yếu kém đã được chỉ ra từ lâu, đó là công cuộc cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính dù đã có bước tiến, nhưng chưa đạt yêu cầu. Vấn đề ô nhiễm môi trường, sự tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu... vẫn là bài toán nan giải. Nạn phá rừng; các vụ hỏa hoạn diễn ra ngày càng dày; bạo lực học đường có những diễn biến gây bức xúc xã hội, đang có xu hướng gia tăng, chưa có sự kiểm soát hữu hiệu... Vì vậy, việc giải quyết các vấn nạn nêu trên cũng là những giải pháp góp sức tạo ra sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.