Tạo điều kiện cho khoa học, công nghệ phát triển
(Taichinh) - Cùng với quá trình phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế, trong những năm qua, Việt Nam luôn quan tâm đến việc hoàn thiện, đổi mới cơ chế, chính sách tài chính cho phát triển khoa học và công nghệ.
Ưu tiên tài chính phát triển KH&CN
Trong mỗi giai đoạn, cơ chế chính sách và sự đầu tư cho phát triển KH&CN được Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ KH&CN ban hành đều bám sát yêu cầu thực tiễn. Trong giai đoạn 2003-2013, hàng năm NSNN luôn ưu tiên bố trí đủ 2% tổng chi NSNN dành cho KH&CN (tương đương 0,5 - 0,6% GDP), tốc độ tăng chi bình quân hàng năm là 18,6%, tương đương với tốc độ tăng tổng chi NSNN. Đến nay, NSNN vẫn là nguồn lực chủ đạo, chiếm 65-70% tổng đầu tư toàn xã hội cho hoạt động KH&CN. Cùng với mức chi 2% tổng chi NSNN dành cho KH&CN, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tài chính ưu đãi phù hợp với đặc thù của KH&CN.
Ngoài ra, các cơ chế, chính sách về dự toán và sử dụng ngân sách KH&CN cũng được đổi mới theo hướng: Xây dựng định mức và quy định bố trí kinh phí hoạt động thường xuyên của các tổ chức KH&CN công lập trong dự toán các nhiệm vụ KH&CN và nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng; Hoàn thiện cơ chế khoán kinh phí (khoán theo sản phẩm cuối cùng); Đơn giản hóa thủ tục thanh quyết toán; Điều chỉnh và bổ sung các nội dung chi cũng như định mức kinh phí theo từng nội dung chi của nhiệm vụ KH&CN.
Các chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân, đặc biệt là doanh nghiệp (DN) đầu tư để đổi mới công nghệ trong sản xuất và kinh doanh; DN được trích một tỷ lệ tối thiểu thu nhập tính thuế thu nhập DN để lập Quỹ phát triển KH&CN; DN ngoài nhà nước được khuyến khích trích thu nhập tính thuế để thành lập Quỹ phát triển KH&CN của mình (tối đa 10% theo quy định tại Luật thuế thu nhập DN) hoặc đóng góp vào Quỹ phát triển KH&CN của ngành, địa phương và được hưởng quyền lợi theo quy định của Quỹ cũng đã được triển khai mạnh mẽ.
Kinh phí đầu tư cho công tác nghiên cứu KH&CN ngày càng gia tăng, khối lượng nghiên cứu khổng lồ nhưng đề tài có thể ứng dụng được trong sản xuất và đời sống chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo thống kê của Bộ KH&CN, chỉ riêng công tác nghiên cứu KH&CN trong nông nghiệp, tổng kinh phí giai đoạn 2008 - 2013 được Bộ Tài chính giải ngân là hơn 12.000 tỷ đồng, trung bình mỗi năm 2.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 10% đề tài nghiên cứu thực sự hiệu quả. Mặt khác, nhiều năm nay, cơ chế giám sát sử dụng kinh phí đối với các nhiệm vụ KH&CN rất lạc hậu, chậm được đổi mới dẫn đến hiệu quả sử dụng nguồn vốn này không đạt kết quả cao. Các thủ tục thanh, quyết toán đề tài KH&CN rườm rà, mang nặng tính hành chính, buộc nhà khoa học phải đối phó, gian dối, làm nản lòng nhiều nhà khoa học chân chính.
Áp dụng cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng; cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN thông qua hệ thống quỹ phát triển KH&CN; buộc DN nhà nước hàng năm phải trích từ 3% - 10% thu nhập tính thuế thu nhập DN để lập quỹ phát triển KH&CN của DN… Đó là những điểm mới từ chính sách tài chính cho KH&CN phát triển được quy định tại Nghị định số 95/2014/NĐ-CP.
Tăng cường đầu tư cho KH&CN
Nguồn lực tài chính cho KH&CN tiếp tục được đảm bảo 2% tổng chi ngân sách nhà nước (tương đương 0,5 - 06% GDP), được phân bổ theo cơ cấu 55% kinh phí cho sự nghiệp KH&CN, 45% kinh phí cho đầu tư phát triển KH&CN. Bên cạnh đó, đã hình thành các kênh tài chính hỗ trợ cho hoạt động KH&CN của các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp thông qua hệ thống các quỹ quốc gia về KH&CN: Quỹ phát triển KH&CN quốc gia; Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia. Đầu tư của khu vực tư nhân cho hoạt động KH&CN đạt khoảng 350-400 triệu USD. Hiện cả nước có hơn 1.600 tổ chức KH&CN, trong đó tổ chức KH&CN ngoài công lập có xu hướng ngày càng tăng so với các tổ chức công lập. Đã hình thành 02 Viện Hàn lâm trên cơ sở hai viện khoa học quốc gia (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam).
Nhân lực KH&CN tăng lên về số lượng. Đến nay, cả nước có khoảng 4,28 triệu người có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên, trong đó có 24,3 nghìn tiến sỹ, 101 nghìn thạc sỹ. So với năm 1996, đội ngũ này tăng hơn 4,6 lần (trung bình 11,6%/năm), số tiến sỹ tăng hơn 2,6 lần (7%/năm) và số thạc sỹ tăng 6,7 lần (14%/năm); tuổi bình quân là 38,5. Số cán bộ nghiên cứu và phát triển đạt 7 người trên một vạn dân.
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ KH&CN tiếp tục được nâng cấp, hoàn thiện. 16 phòng thí nghiệm trọng điểm hoàn thành đầu tư và từng bước phát huy hiệu quả hoạt động. Ba khu công nghệ cao đang tích cực triển khai. Khu công nghệ cao Hòa Lạc tính đến hết tháng 6/2013 có 67 dự án được cấp phép với vốn đầu tư đăng ký là 52.160 tỷ đồng, trong đó có trên 20 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh, kim ngạch xuất khẩu đạt 87,614 triệu USD; 13 dự án đang triển khai xây dựng; khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh đã có 71 dự án được cấp giấy phép, trong đó 58 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đạt 2.282,7 triệu USD (trong đó vốn FDI là 1.730,7 triệu USD), đã có 12 doanh nghiệp có hoạt động R&D, trong đó 5 doanh nghiệp có chi phí cho R&D từ 10 - 38% doanh thu; Khu công nghệ cao Đà Nẵng đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và quy hoạch tổng thể, đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư đầu tiên cho Công ty Tokyo Keiki Precision Technology (Nhật Bản) với vốn đầu tư 40 triệu USD.
Hạ tầng thông tin KH&CN có bước phát triển về chất trên cơ sở ứng dụng rộng rãi Internet, công nghệ số hóa và thư viện điện tử. Công tác thống kê KH&CN cũng được tập trung đẩy mạnh nhằm tạo lập cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia thống nhất và chuẩn mực về KH&CN, phục vụ hiệu quả hơn cho công tác đánh giá và hoạch định cơ chế, chính sách phát triển KH&CN của đất nước.
Hoạt động của thị trường KH&CN có nhiều khởi sắc; các chợ công nghệ và thiết bị, sàn giao dịch công nghệ tiếp tục được duy trì ở quy mô quốc gia và vùng, địa phương trên cả nước với sự tham gia của nhiều đối tác từ các nước ngoài, trong 2 năm 2011-2012, đã có trên 7.200 giao dịch công nghệ với tổng giá trị giao dịch là hơn 4.000 tỷ đồng.