Tạo động lực tăng trưởng cho kinh tế tư nhân

Nghi Thu

(Tài chính) Vài năm trở lại đây, trước bối cảnh suy thoái của nền kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam phải đối mặt với mức tăng trưởng thấp. Câu hỏi đặt ra hiện nay là làm thế nào để Việt Nam trở lại thời kỳ tăng trưởng cao? Nhiều chuyên gia kinh tế quốc tế cho rằng, một trong những chiến lược để khôi phục lại tốc độ tăng trưởng nhanh là tạo ra những điều kiện cần thiết để đảm bảo phát triển sự phát triển cho khu vực kinh tế tư nhân, từ đó thúc đẩy năng suất và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, bắt đầu từ thời kỳ đổi mới, Việt Nam đã mạnh dạn có những bước đi đột phá khi tạo điều kiện cho các DN tư nhân phát triển như: xóa bỏ mô hình hợp tác xã trong nông nghiệp, công nhận quyền sử dụng đất đai tư nhân… Nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cũng đã được cổ phần hóa, và nhiều DN khác đã tiếp nhận vốn tư nhân và đa dạng hóa thành phần sở hữu.

Đặc biệt với sự ra đời của Luật DN, rất nhiều hạn chế đối với khu vực kinh tế tư nhân đã được dỡ bỏ, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển. Ngoài ra, mới đây, theo Dự thảo luật Đầu tư sửa đổi, danh mục những ngành nghề cấm kinh doanh đã được gút lại còn 11, thay vì con số 51 như trước đây, đồng thời, danh mục ngành kề kinh doanh có điều kiện cũng đã được giảm từ 386 xuống còn 326.

Theo ông Jim Yong Kim - Chủ tịch nhóm Ngân hàng Thế giới, những bước đi táo bạo này cùng sự hưởng ứng mạnh mẽ từ các DN tư nhân và DN nước ngoài đã đưa nền kinh tế Việt Nam từ mô hình tập trung yếu kém trở thành một nền kinh tế thị trường năng động.

Không quá khó để nhìn thấy sự đóng góp và tăng trưởng ấn tượng của khu vực đầu tư tư nhân. Trường hợp TP. Hồ Chí Minh là một minh chứng, khi làn sóng đầu tư từ khu vực tư nhân đang lan rộng sang nhiều lĩnh vực kể cả phát triển hạ tầng, các ngành, sản phẩm có lợi thế tiềm năng phát triển. Theo báo cáo của UBND TP. Hồ Chí Minh, trong giai đoạn 2011-2013, tỷ trọng vốn nhà nước trong GDP đã giảm dần, vai trò của tư nhân ngày càng được tăng cường, tư nhân ngày càng tham gia nhiều hơn vào các công trình kinh tế - xã hội, trong đó tập trung nguồn lực vào phát triển những ngành, lĩnh vực mũi nhọn, tạo sự đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng. Vốn ngoài nhà nước trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội tại TP. Hồ Chí Minh có xu hướng tăng dần, từ 59,9% năm 2011 lên 62,7% năm 2013; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng có xu hướng tăng nhẹ từ 15,5% năm 2011 lên 16,1% năm 2013. Hiện nay, Thành phố đã mở rộng tối đa phạm vi và cơ hội đầu tư tư nhân, nhất là tư nhân trong nước; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư tư nhân vào phát triển hạ tầng, phát triển các ngành, các sản phẩm có lợi thế, có tiềm năng phát triển. 

Quan hệ giữa tín dụng và đầu tư tư nhân 2005-2013, % tăng:
Tạo động lực tăng trưởng cho kinh tế tư nhân - Ảnh 1
Nguồn: Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia

Theo ông Jim Yong Kim, khu vực tư nhân của Việt Nam hiện vẫn chưa được phát triển đúng tầm và còn gặp rất nhiều trở ngại. Nhận định này không phải là không có cơ sở nếu dựa trên những thống kê hiện nay về đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân đối với nền kinh tế. Theo ước tính của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, trong 6 tháng đầu năm 2014, đầu tư tư nhân ở mức 10,3% GDP, thấp hơn mức 11,1% GDP cùng kì 2013. Đặc biệt, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng, tổng cầu thấp đang gây khó khăn cho  mục tiêu tăng trưởng 5,8% và nếu không có những biện pháp hỗ trợ tổng cầu có hiệu quả thì tăng trưởng trong năm 2014 khả năng chỉ trong khoảng 5,6-5,7%. Do vậy, trong điều kiện lạm phát đang được kiểm soát tốt, trong những tháng cuối năm, chính sách điều hành cần tiếp tục các giải pháp hỗ trợ tổng cầu, nhất là cầu đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,8%. Đối với đầu tư tư nhân nói riêng và hoạt động của khu vực tư nhân nói chung, cần chú trọng các giải pháp sau:

Thứ nhất, tạo điều kiện bình đẳng cho cả khu vực nhà nước và khu vực tư nhân. Khu vực nhà nước lâu nay vẫn được hưởng sự độc quyền, trợ cấp và tiếp cận đặc biệt về vốn và các nguồn lực, trong khi khu vực tư nhân lại hầu như không có. Trong khi đó, tính đến thời điểm này, các DN tư nhân lại đang sử dụng vốn hiệu quả hơn các DNNN. Theo tính toán của công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey, với mỗi một đơn vị vốn bổ sung thì khu vực tư nhân Việt Nam đang tạo ra doanh thu bổ sung nhiều gấp ba lần so với các DNNN. Do vậy, nếu Việt Nam tiếp tục nỗ lực tạo ra một sân chơi bình đẳng, khu vực tư nhân sẽ phát triển và tạo ra nhiều việc làm hơn, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế.

Thứ hai, cần cắt giảm chi phí sản xuất cho DN, nhất là chi phí liên quan đến thủ tục hành chính. Điều đáng mừng là mới đây, nhằm thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 05/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 119/2014/TT-BTC về sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 Thông tư để cải cách, đơn giản các thủ tục hành chính về thuế. Theo đó, Thông tư 119 đã bãi bỏ quy định khai và tính thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với hàng hóa, bán sản phẩm tiếp tục quá trình sản xuất kinh doanh; Bỏ quy định khai và tính thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu bị trả lại phải nhập khẩu khẩu trở lại; Bỏ mức 1 tỷ đồng về điều kiện tài sản, máy móc, thiết bị đầu tư, mua sắm đối với DN mới thành lập để đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế;  Bỏ điều kiện hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trong điều kiện hồ sơ, thủ tục hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu (Cơ sở kinh doanh sử dụng ngay hóa đơn thương mại trong hồ sơ hải quan); Bỏ quy định phải lập hóa đơn, kê khai, tính nộp thuế đối với xuất máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa dưới hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả nếu có hợp đồng và chứng từ liên quan đến giao dịch phù hợp… Những quy định được bãi bỏ nêu trên sẽ tạo điều kiện thuận luận cho người dân, DN trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, khi thực hiện những nội dung này, DN sẽ giảm được 201,5  giờ tính thuế, khai thuế.

Thứ ba, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, cùng với việc sử dụng các quỹ hỗ trợ bảo lãnh DNNVV để đẩy mạnh việc thực hiện mục tiêu tín dụng của cả năm 2014. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hóa và tái cấu trúc DNNN, tạo động lực tăng trưởng đối với khu vực tư nhân.

Thứ tư, căn cứ vào diễn biến của lạm phát, điều chỉnh mặt bằng lãi suất sao cho vừa tạo điều kiện để DN cắt giảm chi phí vốn vừa không làm suy giảm năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng. Đồng thời, cần tìm kiếm những cách thức mới để cung cấp nguồn vốn dài hạn ổn định, tránh quá phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng. Đặc biệt, Việt Nam cũng chú trọng phát triển một khu vực tài chính phi ngân hàng mạnh (các thị trường trái phiếu, chứng khoán, quỹ lương hưu và bảo hiểm) để tạo ra các nguồn vốn thay thế đa dạng và rẻ hơn…

Thứ năm, cần chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài trong việc hỗ trợ thúc đẩy đầu tư cho khu vực tư nhân. Những hỗ trợ về kinh nghiệm phát triển, nguồn lực tài chính, công nghệ, chiến lược… sẽ giúp cho khu vực tư nhân của Việt Nam phát triển nhanh và đúng hướng hơn.