Tăng cường thanh tra, kiểm tra bảo đảm quyền lợi về bảo hiểm
Thời gian qua, công tác thanh tra ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã đạt kết quả tích cực, qua đó, số doanh nghiệp khắc phục đạt tỷ lệ cao. Đặc biệt, việc thanh tra, kiểm tra theo phương thức điện tử đã giúp giảm nợ đọng, nhất là giảm thiểu tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT).
Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sai phạm
Vụ trưởng Vụ Thanh tra - kiểm tra (BHXH Việt Nam) Lò Quân Hiệp cho biết, qua công tác thanh tra, kiểm tra trong thời gian qua cho thấy, trách nhiệm của người đứng đầu BHXH các cấp được chú trọng, gắn với công tác phòng chống tham nhũng và cải cách hành chính. Sau khi thực hiện Quyết định 868/QĐ-BHXH, việc giải quyết khiếu nại tố cáo và tiếp công dân của toàn ngành đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Nhằm kịp thời thích ứng với tình hình mới, BHXH Việt Nam đã áp dụng linh hoạt cách thức tổ chức tiến hành thanh tra, kiểm tra, tăng cường cải tiến phương pháp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để rà soát, phân tích dữ liệu (bao gồm dữ liệu nghiệp vụ có sẵn và dữ liệu do đơn vị cung cấp) với nguyên tắc thanh tra, kiểm tra theo cơ chế quản lý rủi ro, hạn chế tối đa việc thanh tra, kiểm tra trực tiếp tại đơn vị.
“Hoạt động thanh tra, kiểm tra trực tiếp chỉ diễn ra khi thông qua hoạt động rà soát, phân tích dữ liệu phát hiện có dấu hiệu bất thường, hoặc có căn cứ cho rằng có vi phạm pháp luật”- ông Lò Quân Hiệp nhấn mạnh.
Kết quả năm 2020 và 2021, ngành BHXH Việt Nam đã chủ trì và phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 24.104 đơn vị thanh tra chuyên ngành 11.739 đơn vị, kiểm tra 8.139 đơn vị sử dụng lao động, 709 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT.
Thanh tra, kiểm tra liên ngành 3.517 đơn vị, phát hiện gần 77.221 trường hợp sai phạm về đối tượng, mức đóng với số tiền truy thu gần 276 tỷ đồng. Các đơn vị khắc phục ngay số tiền 1.523 tỷ đồng trên tổng số 4.508 tỷ đồng nợ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), BHYT; yêu cầu thu hồi về quỹ BHXH gần 14,8 tỷ đồng, về quỹ BHTN 3,3 tỷ đồng, về quỹ BHYT 142,2 tỷ đồng.
Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện các hành vi vi phạm về thực hiện chế độ BHXH như tham gia không đủ số lao động bắt buộc, đóng BHXH cho người lao động không đúng mức lương, nợ đọng kéo dài, đề nghị thanh toán chế độ thai sản, ốm đau, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sai quy định, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH không phải của cơ quan BHXH phát ra, giấy ra viện giả.
Các hành vi vi phạm về thực hiện chế độ BHYT như lạm dụng, trục lợi các dịch vụ kỹ thuật, ngày, giường điều trị... Từ đó, đã chấn chỉnh những sai phạm và hoạt động thực hiện chính sách BHXH, BHYT theo đúng quy định của pháp luật; góp phần nâng cao nhận thức của đơn vị sử dụng lao động và người lao động về trách nhiệm, quyền lợi khi tham gia BHXH, BHYT.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai
Theo BHXH Việt Nam, số đơn vị được thanh tra tăng dần theo từng năm, chủ yếu tập trung vào các đơn vị có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHYT. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc, đặc biệt là vướng mắc trong việc xử lý vi phạm hành chính về đóng BHXH, BHYT; cũng như hạn chế trong kỹ năng thực hiện tiếp công dân, kỹ năng xử lý và giải quyết đơn thư.
Tại Hội nghị tập huấn công tác thanh tra - kiểm tra năm 2022 cụm các tỉnh phía Bắc, đại diện Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đánh giá cao kết quả triển khai chức năng thanh tra chuyên ngành của ngành BHXH đạt được những năm qua.
Các đại biểu nhận định, hiệu quả hoạt động thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT của cơ quan BHXH đã nhìn thấy rõ rệt, đã làm thay đổi nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật BHXH, BHTN, BHYT của chủ sử dụng lao động, tỷ lệ nợ BHXH giảm theo từng năm, quyền lợi người lao động được bảo đảm, chế độ được giải quyết kịp thời, đúng, đủ.
Trên cơ sở đó, thời gian tới, các đơn vị bộ, ngành sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với BHXH Việt Nam tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn để triển khai hiệu quả công tác thanh tra chuyên ngành đóng về BHXH, BHYT, bảo đảm thực hiện theo các quy định của pháp luật.
Song song với đó, BHXH Việt Nam phải đồng bộ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ như đường truyền internet, thiết bị mạng, máy tính, thiết bị lưu trữ và các phần mềm, giải pháp an ninh, bảo mật… để việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thanh tra, kiểm tra được kịp thời, an toàn, hiệu quả; hoàn thiện Phần mềm “Dấu hiệu nhận diện hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT”; sửa đổi pháp luật thanh tra cho phù hợp với tình hình mới về chuyển đổi số.