Sửa Luật Kinh doanh bảo hiểm:
Tạo khung khổ pháp lý để "số hoá" quản lý và kinh doanh bảo hiểm
Với xu hướng chuyển đổi số của các doanh nghiệp bảo hiểm trong xu thế cách mạng công nghệ 4.0, việc hoàn thiện khung khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và kinh doanh bảo hiểm là rất cần thiết.
Doanh nghiệp chú trọng ứng dụng công nghệ
Qua khảo sát của Bộ Tài chính, các doanh nghiệp bảo hiểm về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu về hạ tầng mạng, hạ tầng trung tâm dữ liệu, ứng dụng giải pháp kho dữ liệu, phần mềm ứng dụng xử lý các bài toán nghiệp vụ, nguồn nhân lực cao phục vụ công tác chuyên môn. Tại nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, các quy trình giao dịch truyền thống được chuyển đổi qua công nghệ số như: bán hàng, quản trị, chăm sóc, cấp đơn, triển khai giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử đối với bảo hiểm xe cơ giới,…
Hiện tất cả doanh nghiệp bảo hiểm đều đã vận hành website riêng. Một số doanh nghiệp bảo hiểm sử dụng các ứng dụng trên website hoặc app trên điện thoại di động cho các quy trình kinh doanh ở mức độ khác nhau; phát triển các ứng dụng trên điện thoại thông minh để hỗ trợ đại lý nâng cao năng suất làm việc, hỗ trợ khách hàng báo nộp phí bảo hiểm,... Hay như hiện nay, một số doanh nghiệp bảo hiểm hợp tác với bên thứ ba để bán sản phẩm bảo hiểm như: các ngân hàng số, các sàn giao dịch điện tử... Ngoài ra, một số doanh nghiệp bảo hiểm đã bước đầu hình thành hệ sinh thái số khép kín phục vụ khách hàng để rút ngắn các quy trình phức tạp, nâng cao trải nghiệm của khách hàng.
Đơn cử như Bảo hiểm Bảo Việt. Doanh nghiệp này đã có các ứng dụng cho phép người dùng “tối đa hóa” lợi ích khi truy vấn thông tin, đăng ký tham gia và nhận quyền lợi bảo hiểm trực tuyến. Cùng với đó, Bảo hiểm Bảo Việt đã ứng dụng AI, chatbot trong các hoạt động giới thiệu, tư vấn sản phẩm bảo hiểm…, nâng cao trải nghiệm khách hàng, khẳng định những bước đi vững chắc của tên tuổi hàng đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ.
Hay như Bảo hiểm VietinBank (VBI) đã có app bảo hiểm trên điện thoại di động từ năm 2017. Hiện đơn vị này cũng đã ứng dụng công nghệ giúp số hóa và lưu trữ toàn bộ thông tin hồ sơ bảo hiểm của khách hàng một cách đầy đủ, chính xác và dễ dàng kiểm tra, đối chiếu khi có sự kiện cần bảo hiểm xảy ra.
Khối nhân thọ cũng đã đưa vào nhiều ứng dụng phục vụ khách hàng như Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ AIA với việc ứng dụng MyAIA (áp dụng công nghệ AI nhận dạng thông tin tự động, thay đổi hợp đồng giấy sang bản điện tử, tối ưu quy trình vận hành); Công ty TNHH Bảo hiểm Chubb Life Việt Nam với trang thông tin hợp đồng bảo hiểm trực tuyến, khách hàng có thể kiểm tra thông tin về hợp đồng bảo hiểm một cách dễ dàng...
Thực tế cho thấy, ứng dụng công nghệ mới giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí, hạn chế rủi ro, đồng thời tạo ra giá trị gia tăng cho khách hàng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, thách thức lớn đối với ngành bảo hiểm Việt Nam hiện nay là trình độ công nghệ thông tin giữa các doanh nghiệp chưa đồng đều và năng lực của đội ngũ nhân lực còn hạn chế.
Bởi lẽ do quy mô và tính chất hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm khác nhau, nên mỗi doanh nghiệp có phương thức tổ chức mạng lưới riêng của mình. Do vậy, mức độ sử dụng vốn đầu tư và trang bị kỹ thuật cũng rất khác nhau. Hơn nữa, doanh thu kênh bảo hiểm trực tuyến còn thấp (dưới 5% tổng doanh thu phí bảo hiểm), một số doanh nghiệp bảo hiểm trong nước chưa đủ tiềm lực tài chính để đầu tư cho công nghệ, chỉ tập trung vào mục tiêu ngắn hạn nhiều hơn là chiến lược dài hạn...
Theo công ty Chứng khoán BIDV (BSC), những công nghệ mới liên quan đến dữ liệu lớn (big data), trí thông minh nhân tạo (AI), công nghệ kỹ thuật số (digital technologies), di động viễn thông (telematics)… đang làm thay đổi bộ mặt thị trường bảo hiểm. Vì vậy, các doanh nghiệp phải quan tâm nâng cao chất lượng phục vụ, đa dạng hóa sản phẩm và ứng dụng công nghệ trong các khâu chăm sóc khách hàng, giải quyết bồi thường để giữ chân khách hàng và mở rộng thị phần.
Bổ sung quy định về ứng dụng công nghệ trong quản lý
Bộ Tài chính cho biết, với thực trạng chuyển đổi số của các doanh nghiệp bảo hiểm trong xu thế cách mạng công nghệ 4.0 thì việc hoàn thiện khung khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động ứng dụng công nghệ trong quản lý và kinh doanh bảo hiểm là cần thiết.
Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành chưa quy định về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và kinh doanh bảo hiểm. Chính vì vậy, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã được xây dựng theo hướng Nhà nước khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin.
Dự thảo Luật đã bổ sung các quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, giám sát của cơ quan quản lý và trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó nêu rõ các nguyên tắc ứng dụng công nghệ thông tin của các doanh nghiệp theo hướng dẫn của các luật chuyên ngành về bảo mật thông tin, an toàn thông tin mạng...; giao Chính phủ quy định những vấn đề mới phát sinh liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin (như khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát sandbox); quy định nguyên tắc hoạt động cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng theo hướng dẫn của Bộ Tài chính,....
Dự thảo quy định rõ, Nhà nước sẽ đầu tư xây dựng và tạo lập cơ sở dữ liệu tập trung của toàn ngành bảo hiểm, có kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và các hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác có liên quan nhằm xây dựng mức phí bảo hiểm tương ứng với quyền lợi bảo hiểm, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, phòng chống gian lận bảo hiểm.
Theo Bộ Tài chính, hiện nay, việc chuyển đổi số diễn ra rất nhanh trong khi chuyển đổi số trên thị trường bảo hiểm mới ở giai đoạn đầu, trong tương lai có thể có nhiều công nghệ mới phát sinh nên dự thảo Luật đưa ra các quy định về nguyên tắc, các quy định chi tiết về công nghệ sẽ hướng dẫn tại văn bản dưới Luật.