Ngành Hải quan nỗ lực vượt khó, đảm bảo nguồn thu ngân sách

Trần Huyền

Trong bối cảnh đầy khó khăn, tình hình xuất nhập khẩu suy giảm, ngành Hải quan đã nỗ lực triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp vừa tạo thuận lợi thương mại vừa chống thất thu, nỗ lực đảm bảo nguồn thu ngân sách.

6 tháng đầu năm, toàn ngành Hải quan đã thực hiện 666 cuộc kiểm tra sau thông quan.
6 tháng đầu năm, toàn ngành Hải quan đã thực hiện 666 cuộc kiểm tra sau thông quan.

Xuất nhập khẩu suy giảm, thu ngân sách cả năm dự kiến bằng 83% dự toán

Năm 2023, Tổng cục Hải quan được Quốc hội giao dự toán thu ngân sách nhà nước là 425.000 tỷ đồng. Trong đó, thuế xuất khẩu là 9.200 tỷ đồng; thuế nhập khẩu là 67.292 tỷ đồng; thuế tiêu thụ đặc biệt là 32.200 tỷ đồng; thuế bảo vệ môi trường là 824 tỷ đồng; thuế giá trị gia tăng là 315.400 tỷ đồng; thu khác 84 tỷ đồng.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, thu ngân sách nhà nước toàn ngành Hải quan trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 183.744  tỷ đồng, bằng 43,2% dự toán, giảm 19,2% so với cùng kỳ năm trước. Sở dĩ số thu ngân sách giảm là do lần đầu tiên Việt Nam ghi nhận số doanh nghiệp tạm thời và vĩnh viễn rút lui khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập.

Cùng với đó, chiến sự tại Nga - Ukraine khiến nền kinh tế thế giới phục hồi chậm cùng với sự thắt chặt chính sách tiền tệ dẫn đến xu hướng mua sắm của người tiêu dùng giảm mạnh. Đồng thời, chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, đứt gãy, dẫn tới nhiều hệ lụy cho hoạt động xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế.

Các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu giảm chỉ tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm, đặc biệt là đối với các ngành như dệt may, da giày, sản xuất giường, tủ, bàn, ghế, sản xuất kim loại. Trong khi đó, giá xăng dầu liên tục biến động.

Những yếu tố bất lợi trên dẫn đến tổng trị giá xuất nhập khẩu chịu thuế của cả nước trong 6 tháng đầu năm giảm 21%. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu chịu thuế đạt 53,3 tỷ USD, giảm 21% và kim ngạch xuất khẩu chịu thuế đạt 3,2 tỷ USD, giảm 24,5% so với cùng kỳ năm trước.

Một số nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu có thuế giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước như: Nhóm các mặt hàng nhập khập nguyên liệu, máy móc thiết bị, phụ tùng nhập khẩu phục vụ sản xuất (như: than, hóa chất và sản phẩm hóa chất, chất dẻo, sắt thép, nguyên phụ liệu dệt may, linh kiện điện tử, linh kiện ô tô…) chiếm 47% tổng kim ngạch nhập khẩu có thuế, đã giảm 28% so với cùng kỳ, làm giảm thu ngân sách khoảng 21.500 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022; Nhóm xăng dầu nhập khẩu đạt 3,7 triệu tấn, trị giá đạt 2,97 tỷ USD, tăng 6% về lượng và giảm 17% về trị giá, làm giảm thu khoảng 2.700 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Hiện nay, Chính phủ đã ban hành chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% đến hết năm 2023, theo đó ước hụt thu ngân sách nhà nước năm 2023 khoảng 8.490 tỷ đồng, trung bình số thu mỗi tháng sẽ giảm 1.415 tỷ đồng. Bên cạnh đó, dự kiến trong 6 tháng cuối năm 2023, thực hiện hoàn thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô khoảng 6.000 tỷ đồng.

Theo Tổng cục Hải quan, với số thu 6 tháng đầu năm đạt 183.744 tỷ đồng, trung bình mỗi ngày thu đạt 1.519 tỷ đồng, giảm 377 tỷ đồng/ngày so với 6 tháng đầu năm 2022, nếu với tốc độ này giữ nguyên, ước thu cả năm 2023 đạt 367.800 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản ước giảm thu thì dự kiến thu ngân sách nhà nước năm 2023 đạt khoảng 353.000 tỷ đồng, bằng 83% dự toán được giao, giảm 19%, tương đương giảm 84.350 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Nỗ lực chống thất thu, đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước

Để đảm bảo nguồn thu, chống thất thu ngân sách hiệu quả, ngay từ đầu năm, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã ban hành Chỉ thị về việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023. Theo đó, tăng cường chống chất thu qua công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện thủ tục hải quan, quản lý thuế, kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, kiểm tra nội bộ, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Ngành Hải quan cũng đã triển khai đồng bộ các giải pháp kiểm soát về số lượng, chủng loại, tên hàng, trị giá hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu; rà soát, đánh giá rủi ro và tăng cường kiểm tra các trường hợp miễn, giảm, hoàn, không thu thuế, không chịu thuế đối với các doanh nghiệp chế xuất, gia công, sản xuất xuất khẩu... Đồng thời, ứng dụng có hiệu quả các hệ thống công nghệ thông tin để rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ thu thuế, miễn, giảm, hoàn thuế, không thu thuế, xử lý tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa.

Công tác thu thập, xử lý thông tin để phục vụ công tác phân tích, đánh giá rủi ro cũng được tăng cường. Toàn Ngành đã tập trung rà soát, phân tích thông tin doanh nghiệp trên hệ thống thông tin của Ngành phục vụ công tác đánh giá rủi ro, đánh giá tuân thủ doanh nghiệp và áp dụng các biện pháp kiểm tra, giám sát hải quan.

Đồng thời, rà soát xây dựng hồ sơ, trong đó trọng tâm vào các đối tượng rủi ro cao, tuyến đường, hàng hoá trọng điểm; áp dụng linh hoạt các biện pháp kiểm soát rủi ro để ngăn ngừa, phát hiện, kiểm soát chặt chẽ các đối tượng rủi ro và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tuân thủ tốt.

Đặc biệt, toàn Ngành đã quyết liệt đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Theo đó, tăng cường triển khai các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan, thu thập xử lý thông tin, nắm vững tình hình địa bàn quản lý. 6 tháng đầu năm, cơ quan hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ 8.068 vụ vi phạm; cơ quan hải quan khởi tố 18 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 59 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 314,8 tỷ đồng.

Triển khai nghiêm túc công tác kiểm tra sau thông quan, trong 6 tháng đầu năm, toàn Ngành đã thực hiện 666 cuộc kiểm tra sau thông quan, ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính 277,71 tỷ đồng, thu ngân sách nhà nước 221,35 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đã thực hiện thanh tra chuyên ngành, kiểm tra nội bộ,  81 cuộc thanh tra, kiểm tra, kiến nghị truy thu hơn 78,226 tỷ đồng, thu ngân sách nhà nước 126,877 tỷ đồng.

Có thể thấy, trong bối cảnh đầy khó khăn, tình hình xuất nhập khẩu suy giảm, ngành Hải quan đã nỗ lực triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp vừa tạo thuận lợi thương mại vừa chống thất thu, nỗ lực đảm bảo nguồn thu ngân sách. Với tình hình kinh tế - xã hội trên thế giới cũng như trong nước dự báo sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ ngân sách nhà nước trong năm 2023.