Ngành Hải quan triệt phá hàng nghìn vụ buôn lậu tinh vi, phức tạp
Quyết liệt đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ hàng nghìn vụ việc buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới với nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp.
Phát hiện, bắt giữ hơn 4.900 vụ việc trên tuyến đường bộ
Theo Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng năm 2023, toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 8.068 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 2.674,8 tỷ đồng, giảm 29,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Cơ quan Hải quan cũng đã tiến hành khởi tố 18 vụ, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022 và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 59 vụ, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2022. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là 314,8 tỷ đồng, tăng 50,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Từ thực tiễn phát hiện, bắt giữ một số vụ việc buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới của ngành Hải quan cho thấy, bên cạnh phương thức, thủ đoạn các đối tượng buôn lậu thường sử dụng như khai sai tên hàng, chủng loại, số lượng, trị giá hàng hóa... thì xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, phức tạp đã bị cơ quan hải quan phát hiện, bắt giữ trên các tuyến, địa bàn.
Đặc biệt, trên tuyến đường bộ, ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ tổng số 4.962 vụ việc, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 1.253 tỷ đồng. Phương thức, thủ đoạn các đối tượng buôn lậu thường sử dụng như: lợi dụng chính sách phân luồng miễn kiểm tra thực tế hàng hóa đối với luồng xanh để nhập, xuất hàng cấm, hàng có điều kiện; hàng hoá vi phạm được cất giấu tinh vi, giấu lẫn trong hàng hóa không vi phạm; đánh tráo, rút ruột, thẩm lậu đối với hàng hóa quá cảnh, chuyển cửa khẩu, vận chuyển độc lập; chuyển giá, xuất khống để hoàn thuế giá trị gia tăng, giả mạo chứng từ, hồ sơ hải quan…
Điển hình, cơ quan hải quan bắt giữ nhiều vụ việc vận chuyển pháo nổ qua biên giới. Thời điểm các đối tượng thường hoạt động trong dịp trước và trong tết Nguyên đán Quý Mão, nổi bật như ngày 30/12/2022, tại khu vực cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn và Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, đồng chủ trì tiến hành kiểm tra, phát hiện đối tượng Cao Ngọc Sỹ (sinh năm 1982, trú quán tại Xã Diễn An, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) cất giấu trong xe ô tô đầu kéo mang biển kiểm soát Lào 9,84 kg pháo (pháo hoa nổ) do nước ngoài sản xuất.
Hay như vụ việc ngày 08/1/2023, tại khu vực đường dân sinh trước cửa Nhà nghỉ Anh Huy (thuộc tổ 5, khu 4, phường Yết Kiêu, TP. Hạ Long, Quảng Ninh), Đội Kiểm soát Hải quan số 2, chủ trì phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế, Công an TP. Hạ Long bắt giữ đối tượng Phạm Văn Thanh (nơi ở Nghĩa Sơn, Nghĩa Hưng, Nam Định) có hành vi mua bán, vận chuyển trái phép 28,5 kg pháo nổ. Hiện vụ việc đã được bàn giao cho Công an TP. Hạ Long để khởi tố vụ án hình sự.
Đối với hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu, điển hình có thể kể đến là vụ việc ngày 18/4/2023, Cục Điều tra chống buôn lậu khởi tố vụ vận chuyển trái phép của Công ty Bisuvina khai sai tên hàng để nhập khẩu hàng cấm, hàng có điều kiện, trị giá tang vật trên 08 tỷ đồng. Hay vụ việc ngày 5/5/2023, Cục Điều tra chống buôn lậu khởi tố vụ án về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới liên quan đến Công ty TNHH TMDV sản xuất đầu tư nhập khẩu Thế hệ mới nhập khẩu 15 nghìn hộp bột trái cây có chứa chất cấm.
Bên cạnh các mặt hàng trên, tình hình buôn lậu đường kính thời gian qua cũng diễn biến hết sức phức tạp, có chiều hướng gia tăng tập trung tại địa bàn Quảng Trị, Long An và Đồng Tháp. 6 tháng đầu năm 2023, cơ quan hải quan đã bắt giữ 31 vụ, thu giữ trên 82 tấn đường kính.
Buôn lậu phức tạp trên tuyến đường biển, hàng không
Ngoài tuyến đường bộ, các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại cũng diễn biến phức tạp trên tuyến đường biển và đường hàng không. Trên tuyến đường biển, ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng số 2.284 vụ việc, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 1.220 tỷ đồng.
Các mặt hàng trọng điểm đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa hướng tới tập trung vào mặt hàng có lợi nhuận cao như: xăng dầu, than, khoáng sản, hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng, phế liệu, hàng đông lạnh, gia cầm...
Riêng mặt hàng xăng dầu, ngành Hải quan đã bắt giữ 5 vụ việc, thu giữ trên 37 m3 dầu D/O, FO, 25 m3 xăng trị giá trên 26 tỷ đồng. Điển hình, vụ việc ngày 17/3/2023, trên sông Nhà Bè thuộc TP. Hồ Chí Minh, Hải đội 3 chủ trì phối hợp với Trạm Biên phòng Cửa khẩu Cảng Phú Mỹ - Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành kiểm tra và bắt giữ tàu Thanlenxim Oil vận chuyển khoảng 30m3 dầu DO và khoảng 25m3 xăng không có hóa đơn, hồ sơ chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.
Cũng cần nhắc tới vụ việc ngày 02/4/2023, tại tọa độ 10006'N - 107014'E thuộc vùng biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải đội 3 – Cục Điều tra chống buôn lậu chủ trì kiểm tra và bắt giữ thành công tàu Thuận Huệ 68 vận chuyển 270.916 kg dầu FO không có hóa đơn chứng từ. Hay vụ việc ngày 09/5/2023 và ngày 12/5/2023, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh bắt giữ 15 nghìn lít dầu D/O và 3.500 lít dầu Diezen không có hóa đơn chứng từ.
Đối với mặt hàng động, thực vật hoang dã thuộc danh mục CITES, trong năm 06 tháng đầu năm 2023, ngành Hải quan đã phát hiện bắt giữ 15 vụ việc, tang vật bao gồm 8,3 tấn ngà voi, 37 kg sừng tê giác, 51m3 gỗ, các sản phẩm như xương, thịt của động vật.
Điển hình là vụ việc ngày 20/3/2023, cơ quan hải quan đã bắt giữ 01 container thu giữ 07 tấn ngà voi được vận chuyển từ Angola về Việt Nam qua cảng Nam Hải Đình Vũ, các đối tượng khai báo hàng hóa là hạt. Vụ việc ngày 06/02/2023, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ và Đội Kiểm soát Hải quan chủ trì phối hợp với Đội 1 - Cục Điều tra chống buôn lậu, Phòng cảnh sát kinh tế - Công an TP. Hải Phòng, Cảnh sát biển vùng 1 khám lô hàng nhập khẩu đóng trong container vận chuyển trên tàu KOTA LIHAT nhập cảnh cảng Lạch Huyện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, kết quả phát hiện 42 khúc tương đương 125 kg ngà voi được đóng lẫn với sừng bò nhập khẩu.
Bên cạnh các mặt hàng trên, thời gian qua, hoạt động nhập khẩu, mua bán phế liệu ở nước ta có chiều hướng tăng mạnh, diễn biến phức tạp, nguy cơ gây ô nhiễm ảnh hưởng môi trường sống, gây bức xúc trong dư luận. Để thực hiện hành vi vi phạm các đối tượng thường làm giả hồ sơ, các giấy tờ, khai sai tên hàng, khai sang hàng hóa thông thường để trốn giấy phép, nhập khẩu trái phép phế liệu.
Điển hình, ngày 05/6/2023, Tổng cục Hải quan (Cục Điều tra chống buôn lậu) khởi tố 03 vụ án buôn lậu liên quan đến vi phạm của Công ty TNHH MTV sản suất thương mại dịch vụ kỹ thuật môi trường xanh sử dụng các tài liệu giả, quay vòng hồ sơ, tài liệu để nhập khẩu trái phép 4,1 nghìn tấn phế liệu, trị giá 9,5 tỷ đồng.
Hay vụ việc vi phạm của Công ty Đông Hy Phát sử dụng hồ sơ, tài liệu giả để nhập khẩu trái phép 3,5 nghìn tấn phế liệu, trị giá 9,5 tỷ đồng và vụ việc vi phạm của Công ty TNHH MTV Thuận Hoàng sử dụng hồ sơ, tài liệu giả để nhập khẩu trái phép 2,6 nghìn tấn phế liệu, trị giá 6,7 tỷ đồng.
Trên tuyến hàng không, ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng số 822 vụ việc, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 201 tỷ đồng. Các đối tượng đã lợi dụng quy định về định mức miễn thuế của hành khách xuất nhập cảnh, sự phát triển của thương mại điện tử, phương thức chuyển phát nhanh, dịch vụ ký gửi hàng hoá, hành lý… để móc nối, cấu kết hình thành các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua các cảng hàng không quốc tế như: ma túy, vũ khí, chất nổ, động vật hoang dã quý hiếm, rượu, thuốc lá, các mặt hàng tân dược, mỹ phẩm, đồ điện tử, hàng tiêu dùng đã qua sử dụng, các loại hàng hoá khác có trị giá cao…
Trước tình hình này, ngành Hải quan đã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ và bắt giữ được nhiều vụ việc vi phạm. Có thể kể đến vụ việc ngày 05/01/2023, tại Sân bay quốc tế Nội Bài, cơ quan hải quan đã kiểm tra, hành lý của một hành khách trên chuyến bay khởi hành từ sân bay quốc tế Nội Bài đi Incheon (Hàn Quốc) bắt giữ tang vật vi phạm gồm 86.300.000 won tương đương 1,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, cơ quan hải quan cũng khởi tố vụ án hình sự về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đối với vụ việc một số đối tượng lợi dụng chuyến bay giải cứu vận chuyển trái phép hàng hóa (rượu, thuốc lá, trị giá 9,2 tỷ đồng) liên quan đến chuyến bay QH9195 từ Nga về Việt Nam qua cửa khẩu sân bay quốc tế Cam Ranh...
Trong thời gian tới, ngành Hải quan sẽ tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm để từng bước ngăn chặn và chủ động phát hiện, bắt giữ, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.