Tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa qua cụm cảng Cái Mép - Thị Vải
Nhằm tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa qua cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, ngành Hải quan đã và đang tiếp tục cải cách cơ chế chính sách, đẩy mạnh ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin và đầu tư máy móc trang thiết bị phục vụ giám sát hàng hóa. Các giải pháp này sẽ góp phần đưa cụm cảng Cái Mép - Thị Vải có tiềm năng trở thành một cảng cửa ngõ trung chuyển quốc tế lớn nhất cả nước, vươn tầm ra khu vực, thế giới.
Trang bị nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ giám sát
Cảng Cái Mép – Thị vải là một cụm cảng nước sâu thuộc thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Cụm cảng này đóng vai trò là cảng cửa ngõ kết nối giao thương hàng hóa đường thủy của các tỉnh Nam Bộ, Nam Trung Bộ, có khả năng cung cấp cho khách hàng những dịch vụ cảng container đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Lượng container thông qua các bến cảng tại khu vực Cái Mép – Thị Vải rất lớn, trong đó khoảng hơn 80% số lượng container được vận chuyển về các cảng đích tại TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương. Hàng quá cảnh chủ yếu bằng đường thủy đi Cambodia qua cửa khẩu ở An Giang, một số ít hàng quá cảnh được vận chuyển bằng đường bộ thông qua các cửa khẩu tại Tây Ninh. Phần lớn hàng trung chuyển được thực hiện thủ tục hải quan ngay tại cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, rất ít hàng trung chuyển được vận chuyển giữa cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh bằng đường thủy.
Kho, bãi, bến cảng trong khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải đã được doanh nghiệp kinh doanh trang bị đầy đủ cơ sở, trang thiết bị nhằm đảm bảo các điều kiện hoạt động theo quy định như: đảm bảo việc có tường rào ngăn cách biệt lập địa điểm với khu vực xung quanh, hệ thống của doanh nghiệp đã triển khai kết nối với hệ thống giám sát hải quan tự động (VASSCM) của cơ quan hải quan. Các doanh nghiệp đã lắp đặt, duy trì hệ thống camera giám sát các khu vực trong cảng 24/7 và đảm bảo kết nối trực tuyến với cơ quan hải quan, cảng đã bố trí khu vực lưu giữ riêng hàng xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh và hàng tồn đọng quá 90 ngày…
Tại Tọa đàm Hải quan và doanh nghiệp đồng hành thúc đẩy dòng chảy hàng hóa xuất nhập khẩu qua cụm cảng Cái Mép – Thị Vải do Tạp chí Hải quan phối hợp với Sở Giao thông vận tải tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Cục Hải quan Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý (Tổng cục Hải quan) Đào Duy Tám cho biết, trong bối cảnh toàn ngành Hải quan đang nỗ lực cải cách, hiện đại hoá, Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã được Tổng cục Hải quan trang bị nhiều loại trang thiết bị kỹ thuật hiện đại phục vụ công tác giám sát đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Theo đó, đã trang bị 02 máy soi container di động gồm 01 máy soi tại Địa điểm Kiểm tra tập trung Cái Mép - Thị Vải và 01 máy soi Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải để thực hiện công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa vận chuyển bằng container đưa vào, lưu giữ, đưa ra địa điểm, cảng biển; 01 máy soi hành lý di động tại các bến cảng Cái Mép - Thị Vải.
Hệ thống seal định vị điện tử cũng được trang bị tổng số 300 seal định vị điện tử, trong đó 200 seal được phân bổ cho Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép. Ngoài ra, đơn vị được lắp đặt 01 hệ thống phát hiện phóng xạ do Bộ Năng lượng Hoa Kỳ tài trợ, đi vào hoạt động từ năm 2013 nhằm phát hiện các nguồn phóng xạ từ các container xuất nhập khẩu hoặc từ hành lý của hành khách xuất nhập cảnh vào Việt Nam.
Tuy nhiên, công tác quản lý hải quan tại cụm cảng này còn gặp một số khóa khăn do việc bố trí nhiều cổng ra vào. Điều này kéo theo công tác quản lý hải quan phải bố trí thêm nhiều nguồn nhân lực, số lượng máy móc, trang thiết bị phục vụ kiểm tra, giám sát hải quan như: máy soi container, camera giám sát, barie điện tử, cân điện tử... cũng tăng lên.
Về cơ chế chính sách, việc vận chuyển hàng hóa giữa các bến cảng trong cùng một cụm cảng Cái Mép – Thị Vải phải niêm phong hải quan dẫn đến tăng thời gian và chi phí để thực hiện. Thực tế này đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung quy định liên quan việc vận chuyển hàng hóa chịu sự giám sát hải quan qua lại giữa các bến cảng trong cụm cảng thuộc cùng một Chi cục Hải quan quản lý đơn giản, thuận lợi hơn nữa.
Cải cách cơ chế chính sách, ứng dụng kỹ thuật công nghệ
Từ thực tế nêu trên, Tổng cục Hải quan đang nghiên cứu, tiếp thu để sửa đổi, bổ sung quy định tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015, Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính để có sự thống nhất trong quản lý, thực hiện giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh, trung chuyển vận chuyển qua lại giữa các cảng trong cùng một cụm cảng tại tất cả các cảng biển trên toàn quốc.
Theo đó, sẽ tối giản quy trình kiểm tra, đối chiếu thông tin về số lượng, số hiệu container theo khai báo và trên thực tế. Cơ quan hải quan sẽ tiếp nhận kết quả do doanh nghiệp kinh doanh cảng thông báo và sử dụng một hoặc nhiều thiết bị kỹ thuật (như Hệ thống GPS, Hệ thống camera giám sát/nhận dạng, Hệ thống seal định vị điện tử) để kiểm tra, giám sát lại hoạt động, kết quả do doanh nghiệp kinh doanh cảng gửi đến.
Các quy định cũng sẽ sửa đổi theo hướng loại bỏ bước niêm phong hải quan (trừ trường hợp container không có niêm phong của hãng vận chuyển) để thay thế bằng việc tiếp nhận kết quả kiểm tra, đối chiếu niêm phong của hãng vận chuyển do doanh nghiệp kinh doanh cảng thực hiện. Đồng thời, xây dựng hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ tự động cập nhật khi hàng hóa vận chuyển đi và hàng hoá vận chuyển đến trên cơ sở thông tin tiếp nhận từ doanh nghiệp kinh doanh cảng. Cơ quan hải quan sẽ sử dụng hệ thống và thiết bị kỹ thuật để kiểm tra, giám sát lại kết quả, hoạt động do doanh nghiệp kinh doanh cảng thực hiện.
Trong khi chờ sửa đổi quy định pháp luật hiện hành, để giải quyết vướng mắc và tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động vận chuyển hàng hóa giữa các cảng trong bến cảng Cái Mép nhưng vẫn đảm bảo công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan, Tổng cục Hải quan đang nghiên cứu giải pháp về việc sử dụng chung mã cảng đối với các cảng container trong khu vực cụm cảng Cái Mép. Theo đó, thay vì mỗi cảng container có 01 mã độc lập như hiện nay, với phương án cấp 01 mã cảng dùng chung duy nhất cho toàn bộ các cảng container trong khu vực cụm cảng Cái Mép, khi tàu đến hoặc rời cảng, người khai hải quan chỉ cần khai mã cảng đích hoặc cảng cảng xếp dỡ hàng theo mã dùng chung đã được cấp.
Trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan cũng dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư, trang bị 02 máy soi container di động tại khu vực cảng Cái Mép, bao gồm 01 máy soi container tại Cảng quốc tế Cái Mép và 01 máy soi di động tại cảng SSIT để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát hàng hóa.
Cùng với đó, Tổng cục Hải quan tiếp tục đầu tư trang bị hệ thống barie điện tử, cân điện tử, seal định vị… Việc sử dụng máy soi container và các trang thiết bị nghiệp vụ sẽ hỗ trợ hoạt động kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan, góp phần khắc phục tình trạng khó khăn về biên chế hiện nay tại đơn vị nói riêng và toàn ngành nói chung.