Tập trung hoàn thành chất lượng các văn bản pháp luật tài chính trong năm 2013
(Tài chính) Ngày 29/3/2013, tại Ninh Bình, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị pháp chế thường niên năm 2013. Nội dung trọng tâm của Hội nghị là tổng kết thành công của công tác pháp chế tài chính năm 2012, đồng thời tiếp tục hoàn thành có chất lượng nhiệm vụ này trong năm 2013.
Những thành công nổi bật
Năm 2012 đã qua đi nhưng điểm sáng về công tác pháp chế ngành Tài chính vẫn để lại rất nhiều bài học kinh nghiệm hữu ích cho năm 2013 và những năm tiếp theo. Toàn thể hệ thống tài chính các cấp đã đạt được kết quả tích cực trong xây dựng văn bản, phổ biến, giáo dục pháp luật; theo dõi, đánh giá thi hành pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp (DN).
Minh chứng rõ nét nhất là theo kết quả điều tra của Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Tài chính đã cải thiện 3 bậc, từ vị trí thứ 8/14 (năm 2011) lên vị trí thứ 5/14 của năm 2012 về chỉ số xây dựng và thi hành pháp luật về DN (MEI) của các bộ, ngành. Kết quả này thể hiện sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của các đơn vị thuộc bộ, từ Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính đến các ngành dọc thuộc Bộ như: Thuế, Hải quan, Chứng khoán, Kho bạc… và bộ phận xây dựng, thực thi, tuyên truyền pháp luật tài chính trong toàn thể hệ thống tài chính.
Theo ông Đặng Công Khôi - Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính, riêng trong năm 2012, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội 73/76 đề án, đạt tỷ lệ 96%; trong đó, đáng chú ý nhất là đã xây dựng, trình Quốc hội thông qua 4 dự án luật và 1 nghị quyết, bao gồm: Luật Quản lý thuế, Luật Thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) sửa đổi, bổ sung, Luật Giá, Luật Dữ trữ quốc gia và Nghị quyết 29/2012/QH13 về ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức, cá nhân. Ngoài ra, trong phạm vi thẩm quyền, Bộ Tài chính đã ban hành 230 thông tư và thông tư liên tịch, 3.313 quyết định của Bộ trưởng, hướng dẫn triển khai, áp dụng hàng loạt chính sách tài chính trong thực tiễn đời sống.
Bên cạnh thành công nói trên, ngành Tài chính đã đặc biệt chú trọng thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và lần đầu tiên tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho báo cáo viên và cán bộ công chức Bộ Tài chính.
Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng đã cấp giấy chứng nhận cho 52 báo cáo viên pháp luật và cán bộ làm nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật tại các đơn vị. Nhiều nội dung tuyên truyền pháp luật tài chính cũng được đẩy mạnh triển khai như “Ngày pháp luật tài chính” như phổ biến, cung cấp thông tin pháp luật cho DN, công tác cải cách và kiểm soát thủ tục hành chính, tổ chức tiếp nhận ý kiến phản hồi từ người dân, DN về các hoạt động nghiệp vụ của đơn vị; công khai cơ chế phản ánh của người dân, DN về hành vi vi phạm kỷ luật, kỷ cương trong thi hành công vụ của cán bộ công chức.
Mặt khác, Bộ Tài chính đã tổ chức kiểm tra 681/889 văn bản quy phạm pháp luật của 12/21 bộ, cơ quan ngang bộ và 42/63 địa phương, qua đó đã phát hiện 5 văn bản chưa phù hợp với quy định; tổ chức kiểm tra 131/230 thông tư của Bộ, phát hiện 13 văn bản chưa phù hợp; tự kiểm tra lại đối với 2.438 văn bản, qua đó đã phát hiện 49 văn bản chưa phù hợp...
Quyết tâm về đích trong năm 2013
Trong năm 2013, theo chương trình xây dựng văn bản pháp luật, Bộ Tài chính sẽ chủ trì soạn thảo để trình Chính phủ, trình Quốc hội cho ý kiến ban hành 7 dự án luật, bao gồm: Luật Hải quan, Luật Thuế Giá trị gia tăng (GTGT), Luật thuế Thu nhập DN (TNDN), Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) và các dự án luật mới như Luật Quản lý, sử dụng vốn đầu tư vào DN sản xuất - kinh doanh, Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu. Ngoài ra, Bộ Tài chính còn chủ trì nghiên cứu, soạn thảo 72 nghị định, quyết định và đề án thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ; 141 thông tư và thông tư liên tịch…
Ngoài nhiệm vụ nêu trên, công tác pháp chế ngành Tài chính còn phải tập trung đẩy mạnh việc phổ biến, giáo dục pháp luật, lồng ghép với công tác hỗ trợ pháp lý cho DN. Theo đó, Bộ sẽ triển khai Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ, cung cấp thông tin cho người khai hải quan, người nộp thuế; tổ chức lấy ý kiến cán bộ công chức ngành Tài chính về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; tổ chức “Ngày pháp luật tài chính” thường niên; hưởng ứng và triển khai lần đầu “Ngày pháp luật nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam - 9/11”; nâng cao chất lượng trang thông tin pháp luật của Ngành; duy trì, phát triển hơn nữa hình thức hỗ trợ pháp lý cho DN thông qua chuyên mục hỏi đáp pháp luật trên báo, webside của Bộ Tài chính, các tổng cục, nhằm đáp ứng yêu cầu hiểu biết, tạo điều kiện tuân thủ pháp luật cho các đối tượng thi hành; tiếp tục tổ chức đối thoại DN về thuế, hải quan...
Đặc biệt, công tác pháp chế của ngành Tài chính còn đặt trọng tâm vào việc hỗ trợ, cung cấp thông tin về những quy định mới của các luật và văn bản hướng dẫn thi hành như Luật Quản lý thuế, Luật Thuế TNCN, Luật Thuế GTGT, Thuế TNDN sửa đổi và các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu; các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến lĩnh vực hải quan, thuế xuất, nhập khẩu; Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan và cưỡng chế thi hành...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung khẳng định trước khối lượng công việc đồ sộ nói trên, để đảm bảo yêu cầu về tiến độ, chất lượng, công tác xây dựng văn bản pháp luật đòi hỏi các đơn vị trong hệ thống tài chính phải vào cuộc khẩn trương, nỗ lực với quyết tâm cao và nhất là phải phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng. Muốn vậy, cơ quan pháp chế các cấp và mỗi cán bộ, công chức thuộc lĩnh vực này cần chú ý đến công tác tổng kết thi hành; tổ chức lấy ý kiến các đối tượng chịu sự điều chỉnh và tiếp thu, giải trình các ý kiến phản biện xã hội, góp phần nâng cao chỉ số hiệu quả hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật. Yêu cầu đặt ra trong năm 2013 là các đơn vị phải hoàn thành 100% kế hoạch xây dựng văn bản và trước khi trình Bộ phải có ý kiến thẩm định của Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính. Đặc biệt phải cải tiến lề lối, phương thức làm việc, phân công rõ trách nhiệm trong từng công việc chuyên môn, đề cao trách nhiệm của từng đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện. Định kỳ hàng tháng, quý, năm phải có tổng kết, đánh giá để kịp thời khen thưởng, biểu dương những tập thể, cá nhân có sáng kiến, có biện pháp hiệu quả trong triển khai công tác pháp chế ngành Tài chính.
Với kinh nghiệm hoàn thành khối lượng công việc lớn trong năm 2012 đạt chất lượng cao, tin tưởng rằng công tác pháp chế ngành Tài chính trong năm 2013 sẽ tiếp tục gặt hái được những thành công ấn tượng hơn nữa, đóng góp vào thành công chung của công tác tài chính - ngân sách.