Thách thức nào cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU?

PV.

Tính từ năm 2012 trở lại đây tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang EU luôn đạt mức 2 con số, thậm chí có những năm đạt tới mức tăng 45%. Tăng trưởng xuất khẩu từ EU sang Việt Nam cũng đạt mức từ 20-25%.

5 tháng đầu năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang EU đạt 17,3 tỉ USD. Nguồn: Internet
5 tháng đầu năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang EU đạt 17,3 tỉ USD. Nguồn: Internet

Xuất khẩu hai chiều vẫn tăng dù kinh tế toàn cầu phục hồi chậm

Theo Bộ Công Thương, kinh tế toàn cầu từ đầu năm đến nay vẫn phục hồi chậm và chưa vững chắc, nhiều nền kinh tế chủ chốt trên thế giới, trong đó có cả khu vực EU tiếp tục gặp khó khăn.

Điều đáng ngạc nhiên là kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang EU trong những tháng đầu năm lại diễn biến khá tích cực, một số mặt hàng chủ lực có kim ngạch tăng so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang EU đạt 17,3 tỉ USD, tăng trên 10% so với cùng kì năm ngoái, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam là 13,3 tỉ USD tăng 10,5% và nhập khẩu từ Việt Nam đạt trên 4 tỉ USD tăng 9,8%.

Trong những năm qua, EU luôn được xác định là một trong những thị trường xuất khẩu chiến lược, đồng thời là khu vực nhiều cơ hội cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

Đặc biệt, việc Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và EU (EVFTA) đã kết thúc đàm phán và dự kiến sẽ có hiệu lực vào năm 2018 hứa hẹn góp phần quan trọng nâng cao giá trị cạnh tranh và làm gia tăng thị phần xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tại thị trường này.

Theo đó, DN Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội đặc biệt là các điều khoản liên quan đến thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu vào EU. Các ngành hưởng lợi nhiều nhất là giày dép, dệt may.. do người tiêu dùng EU rất ưa chuộng các sản phẩm dệt may, da giày của Việt Nam.

Rào cản cho doanh nghiệp Việt Nam?

Theo các chuyên gia kinh tế, thách thức lớn nhất đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU tới đây là làm sau tận dụng được các ưu đãi từ FTA. Thực tế cho thấy, việc đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường và sản phẩm an toàn cũng sẽ là rào cản cho các doanh nghiệp khi tiếp cận vào thị trường rộng lớn này.

Để thâm nhập vào thị trường EU cần phải đáp ứng các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, môi trường, an toàn vô cùng nghiêm ngặt. EU là một trong những thị trường có nhiều quy định kỹ thuật cao với mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững... cần đáp ứng tốt các yêu cầu tiếp cận thị trường.

Đặc biệt, khi EVFTA có hiệu lực, với cơ hội về thuế và tiếp cận thị trường, nhưng nếu không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật thì hàng hoá của Việt Nam sẽ không xuất khẩu vào được EU dù có lợi thế FTA.

Đại diện cho DN, ông Trần Văn Liêng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cacao Việt Nam chia sẻ, dù là một trong những DN có kinh nghiệm xuất khẩu đi nhiều thị trường song với thị trường EU, DN này vẫn khó thâm nhập.

Lý do, hiện nay chưa có tổ chức nào của Việt Nam được châu Âu chấp nhận kết quả giám định chất lượng. Để xuất khẩu sản phẩm ra thị trường thế giới, các nhà sản xuất và xuất khẩu phải tuân thủ các quy định kỹ thuật do các tổ chức công xây dựng nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng.

Các quy định này thường khác nhau, phụ thuộc vào loại sản phẩm, nước nhập khẩu và nước xuất khẩu. Việc không tuân thủ các qui định này sẽ dẫn tới việc phải kiểm dịch hoặc bị nước nhập khẩu từ chối nhập khẩu.

Bên cạnh đó, sự kiện Brexit làm giảm giá đồng bảng Anh cũng đang gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu sang EU.

Theo các chuyên gia, để thành công trong hội nhập, không có cách nào khác DN phải chủ động trong việc tìm hiểu các cơ chế chính sách cũng như tìm các đối tác phù hợp, từ đó tìm được hướng đi mới và tháo gỡ khó khăn cho DN mình.