Tham vấn quốc tế để hoàn thiện cơ chế tài chính với dự án PPP
Chiều ngày 12/7/2023, Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) có cuộc làm việc với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để tham vấn những nội dung liên quan đến chính sách tài chính cho dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Tại cuộc làm việc, đại diện Vụ Đầu tư đã chia sẻ một số vướng mắc về cơ chế tài chính trong triển khai dự án PPP của Việt Nam hiện nay tại Luật số 64/2020/QH14 (Luật Đầu tư theo phương thức PPP) như: quy định về mức vốn nhà nước tham gia dự án PPP; nguồn vốn xử lý cơ chế chia sẻ doanh thu giảm; Nhà nước chia sẻ doanh thu giảm cho nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án PPP...
Ngoài các vướng mắc tại Luật, đại diện Vụ Đầu tư cũng đề cập đến các vướng mắc liên quan đến Nghị định số 28/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức PPP. Trong đó, có các vướng mắc về lãi suất vốn vay; quy định các chỉ tiêu phân tích, đánh giá tính khả thi của phương án tài chính đối với các lĩnh vực cụ thể; nguồn vốn thanh toán cho doanh nghiệp dự án BTL, BLT; trình tự, thủ tục thanh toán vốn nhà nước khi áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu giảm.
Chia sẻ tại cuộc làm việc, các chuyên gia phía ADB cho rằng, việc lựa chọn phương thức đầu tư của các dự án hạ tầng giữa phương thức đầu tư công và phương thức PPP phải được đánh giá cẩn trọng trên các khía cạnh về hiệu quả đầu tư, khả năng thu hút được khu vực tư nhân, tiếp cận được các nguồn vốn vay. Khu vực tư nhân quan tâm đến khả năng sinh lời của dự án, các cơ chế đảm bảo nguồn thu, không phải là tỷ lệ vốn nhà nước tham gia.
Các chuyên gia của ADB cũng đã chia sẻ kinh nghiệm của một số quốc gia trong quản lý các rủi ro phát sinh từ các hợp đồng PPP. ADB khuyến nghị Việt Nam nên thành lập một cơ quan trung ương, có thể là cơ quan độc lập hoặc thuộc bộ, ngành trung ương để quản lý rủi ro tài khóa từ các hợp đồng PPP.
Phía ADB khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Bộ Tài chính trong quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tài chính đối với các dự án PPP, đặc biệt là trong vấn đề quản lý các rủi ro.
Phát biểu tại cuộc làm việc, ông Dương Bá Đức - Vụ trưởng Vụ Đầu tư đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các chuyên gia ADB. Theo Vụ trưởng Vụ Đầu tư, trong Luật số 64/2020/QH14 đã có quy định cụ thể theo từng lĩnh vực và tổng mức đầu tư tối thiểu nhằm có sự lựa chọn các nhà đầu tư. Tuy nhiên, từ khi ban hành Luật số 64/2020/QH14 và Nghị định số 28/2021/NĐ-CP đến nay chỉ có 3 dự án PPP được ký kết, còn 8 dự án đang đàm phán, số lượng dự án mới khá khiêm tốn.
Do đó, Bộ Tài chính mong muốn các chuyên gia của ADB sẽ hỗ trợ Bộ Tài chính để sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách tài chính đối với dự án PPP để có thể khuyến khích, đưa dòng vốn tư nhân vào nền kinh tế.
"Chúng tôi mong muốn nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ ADB về cơ chế chính sách tài chính cho dự án PPP nói riêng cũng như trong lĩnh vực đầu tư công nói chung từ khâu tổng hợp cho đến quyết toán dự án cuối cùng. Đây là công cụ quản lý quan trọng của Nhà nước", Vụ trưởng Dương Bá Đức nhấn mạnh.