Thanh toán bằng công nghệ ở Trung Quốc và những vấn đề đặt ra

ThS. Nguyễn Châu Giang - Đại học Thương mại

Trung Quốc đang tiến rất nhanh đến một xã hội không dùng tiền mặt và thanh toán điện tử trở thành phương thức thanh toán thống trị trong mọi lĩnh vực.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

 Với tỷ lệ sử dụng internet qua di động và thương mại điện tử cao, hình thức thanh toán bằng công nghệ ở Trung Quốc đang giúp nền kinh tế quốc gia này tăng sức cạnh tranh.

Từ thực trạng phát triển thanh toán qua công nghệ tại Trung Quốc có thể sẽ gợi mở một số kinh nghiệm cho Việt Nam. Bài viết nghiên cứu về thành tựu thanh toán điện tử của Trung Quốc hiện nay để thấy rõ hơn tiềm năng cũng như lợi ích mà hình thức thanh toán này đem lại cho Trung Quốc.

Thành tựu thanh toán bằng công nghệ vượt bậc ở Trung Quốc

Theo Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, tính đến cuối tháng 4/2017, Trung Quốc có tới 1,35 tỷ người dùng điện thoại di động và hơn 1 tỷ người trong số đó sử dụng dịch vụ internet băng thông rộng. Tỷ lệ sử dụng internet qua di động, thương mại điện tử cùng với các ứng dụng công nghệ 4.0 đang thúc đẩy hình thức thanh toán bằng công nghệ phát triển như vũ bão và trở thành động lực tăng trưởng kinh tế tại quốc gia này.

Nếu như trước đây, thanh toán tiền mặt trở nên phổ biến trong xã hội Trung Quốc, thì vài năm trở lại đây thanh toán bằng tiền mặt ở Trung Quốc được xem là điều kỳ quặc, vì xã hội đều đang hướng đến thanh toán di động. Tuy nhiên, khi làn sóng thanh toán điện tử tràn vào Trung Quốc với tốc độ chóng mặt, gần như tất cả các giao dịch thanh toán tại nước này đều thông qua công nghệ. Các cửa hàng và những trung tâm thương mại lớn đều sử dụng những ứng dụng này, ngay cả dịch vụ taxi, nhạc công đường phố... cũng đã sử dụng mã QR.

Với sự bùng nổ của công nghệ thanh toán và sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp thương mại điện tử khổng lồ như: Alibaba, Tencent… đến nay, Trung Quốc là thị trường lớn nhất thế giới về thanh toán kỹ thuật số, chiếm gần 50% thị phần toàn cầu. Thanh toán di động tại Trung Quốc đã phát triển thành một thị trường trị giá 16 nghìn tỷ USD, thị trường do 2 gã khổng lồ công nghệ lớn nhất Trung Quốc  là Tencent và Alibaba thống trị. Về thị phần, Alipay chiếm 54% so với 40% của WeChat Pay. Với việc thống lĩnh thị trường với thị phần chiếm lớn nhất, Alipay của Alibaba và WeChat Pay của Tencent bỏ xa các đối thủ quốc tế như Samsung Pay hay Apple Pay. Tuy nhiên, cuộc chiến dành cho vị trí thống trị ngành Công nghiệp thanh toán di động chỉ mới bắt đầu nóng lên. Mới đây, Công ty nghiên cứu CLSA dự đoán, quy mô thanh toán điện tử tại Trung Quốc sẽ tăng gấp 4, lên 300 nghìn tỷ NDT năm 2021.

Có rất nhiều các công cụ thanh toán trực tuyến tại Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện nay, Alipay của Alibaba và Wechat của Tencent là 2 ứng dụng phổ biến nhất được sử dụng tại quốc gia này và nó đang trở thành một kênh thanh toán khác thay thế cho tiền mặt. Trong đó, Alipay thường được dùng trong thanh toán online, trong khi WeChat Pay lại phổ biến tại các quầy hàng nhỏ lẻ. Gần như tất cả mọi người dân ở Trung Quốc đều sử dụng 2 ứng dụng này, từ các nhà hàng sang trọng, cửa hàng cao cấp đến các cửa hàng đường phố, tài xế taxi và thậm chí cả thợ làm bánh. Khảo sát sơ bộ mới đây cho thấy, 92% người dân ở các thành phố hàng đầu của Trung Quốc cho biết, họ sử dụng WeChat Pay hoặc AliPay làm phương thức thanh toán chính. WeChat Pay của Tencent có 900 triệu người dùng hoạt động hàng tháng - một con số khổng lồ và Alipay - công ty liên kết của Alibaba Ant Financial, có hơn 500 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, cao gấp 4 lần so với Apple Pay chỉ có 127 triệu người dùng trên toàn cầu khi mà được cài đặt sẵn trên mọi iPhone. Và số tiền chi tiêu mỗi tháng thông qua các dịch vụ vẫn tiếp tục tăng lên. Trong khi đó, chi tiêu bằng tiền mặt của Trung Quốc giảm khoảng 10% trong hai năm qua.

Thanh toán bằng công nghệ ở Trung Quốc và những vấn đề đặt ra - Ảnh 1

Khi AliPay ra mắt vào năm 2004, với vai trò như một dịch vụ ký quỹ giữa người mua và người bán trên Taobao - nền tảng thương mại điện tử tiêu dùng phổ biến của Alibaba đã cung cấp một lớp bảo mật và tin cậy cần thiết. Trong những năm gần đây, dịch vụ này đã phát triển nhanh chóng và so với việc đăng ký thẻ tín dụng hoặc các dịch vụ ngân hàng khác, AliPay thân thiện và dễ dàng sử dụng hơn nhiều. Điều này khiến cho người dân Trung Quốc thích thanh toán điện tử hơn là sở hữu thẻ tín dụng hoặc tiền mặt. Trong khi đó, WeChat Pay - Chức năng thanh toán đã được đưa ra năm 2014, thời điểm mọi người có truyền thống trao tiền lì xì trong những phong bì đỏ. Khi đó, Tencent đưa ra chiến dịch thúc đẩy người dùng WeChat tặng quà phong bì màu đỏ kỹ thuật số cho các nhóm bạn. Người dùng mở các gói phong bì đầu tiên và đã đăng ký WeChat Pay sẽ nhận được một số tiền lớn.

Thống kê của Tờ The Wall Street Journal, năm 2014, WeChat Pay có 16 triệu phong bì màu đỏ được gửi trong 24 giờ đầu tiên ra mắt. Chiêu ra mắt ấn tượng này đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của số đông khách hàng. Ngay sau đó, ứng dụng trở thành phương thức chính để người dùng gửi tiền cho nhau hoặc trả hóa đơn, tương tự như ứng dụng Venmo ở Mỹ. Khả năng kết hợp với ví tiền được tích hợp trong ứng dụng, giúp người dùng có thể sử dụng để thanh toán các khoản phí, tránh được rất nhiều rủi ro khi phải mang theo tiền mặt. Thị phần của WeChat trong thị trường thanh toán di động của Trung Quốc đã tăng từ 3,3% trong năm 2013 lên 40% trong năm 2018.

Lợi ích thanh toán bằng công nghệ

Theo nhận định của các nhà phân tích quốc tế, quá trình chuyển đổi phương thức thanh toán tại Trung Quốc cũng là xu hướng thanh toán trong tương lai. Sự thành công này cho thấy, việc thanh toán thông qua các ứng dụng đang nở rộ ở các thị trường mới nổi, nơi mà các DN vừa và nhỏ chiếm đa số không có nhiều nguồn vốn để đầu tư cho hệ thống thanh toán đắt đỏ. Bên cạnh đó, thanh toán số là một phần của dự án "tài chính xanh" đang được tiến hành ở Trung Quốc. Ngoài ra, tỷ lệ sử dụng thẻ tín dụng thấp (chỉ khoảng 16% vào năm 2014) trong khi các thiết bị di động thông minh được sử dụng rộng rãi giúp Trung Quốc dễ dàng thực hiện quá trình chuyển đổi này.

Đối với nền kinh tế, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, công nghệ thanh toán điện tử “không tiền mặt” đem lại nhiều hiệu quả hơn khi cắt giảm chi phí lên đến 75% của Chính phủ Trung Quốc và các DN. Thanh toán bằng công nghệ cũng giúp nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và DN không phải đầu tư chi phí quá lớn trong các hoạt động của mình. Lợi ích thanh toán bằng công nghệ mang đến nhiều trải nghiệm phong phú, tiết kiệm chi phí, nhanh chóng thuận tiện, tránh được nhiều rủi ro khi mang theo tiền mặt…

Tuy nhiên, những lợi ích mang lại cho Alibaba và Tencent là rất lớn. Không chỉ chia nhau "miếng bánh" thanh toán với trị giá hàng nghìn tỷ USD, lợi ích mà các công ty Trung Quốc thu được còn vượt xa giá trị đơn thuần của các giao dịch. Theo các chuyên gia công nghệ hàng đầu thế giới, càng có nhiều người Trung Quốc sử dụng thanh toán di động đồng nghĩa với việc các công ty đang “ngồi” trên một kho tàng dữ liệu người tiêu dùng. Dữ liệu người tiêu dùng từ các khoản thanh toán được sử dụng để xây dựng hồ sơ chi tiết của từng người dùng, sau đó có thể tạo ra lợi nhuận từ mục đích tiếp thị trực tiếp ngay trong ứng dụng mà ngay cả Facebook và Google cũng rất muốn sở hữu. Đây chính là công cụ giúp các công ty Trung Quốc kiếm tiền từ quảng cáo theo cách mà Facebook và Google đã và đang làm. Chẳng hạn, khi khách hàng mua sắm đồ dùng từ cửa hàng tiện lợi sẽ nhắc nhở Taobao gửi cho khách hàng quảng cáo và chương trình khuyến mãi cho các sản phẩm liên quan khác để khuyến khích khách hàng mua sản phẩm trực tiếp trong ứng dụng Taobao.

Ngoài ra, cả Tencent và Alibaba đều có các doanh nghiệp đánh giá tín dụng có tín dụng Tencent và tín dụng Zhima. Cả 2 công ty đang bắt đầu giới thiệu các sản phẩm tài chính khác, chẳng hạn như các khoản vay và các quỹ thị trường tiền tệ, từ đó tạo thành chuỗi khép kín, khiến người dùng phải thường xuyên chi tiêu và mang về lợi nhuận lớn cho 2 gã khổng lồ này.

Thanh toán bằng công nghệ ở Trung Quốc và những vấn đề đặt ra - Ảnh 2

Có thể nói, sự biến đổi của kỹ thuật số ở Trung Quốc đã có tác động sâu sắc tới nền kinh tế nước này và có một tầm ảnh hưởng ngày càng lớn trên “địa hạt số” toàn cầu. Trung Quốc đã xây dựng được những hệ sinh thái nền tảng, làm bàn đạp cho đến sự phát triển bền vững. Trung Quốc là một trong những nhà đầu tư và áp dụng công nghệ kỹ thuật số lớn nhất thế giới và là quê hương của 1/3 công ty khởi nghiệp trên thế giới. Quốc gia này đang đi đầu trong việc thương mại hóa các mô hình kinh doanh kỹ thuật số với lợi thế của một thị trường tiêu dùng nội địa lớn, trẻ và ham kỹ thuật số dưới mọi hình thức. Bộ ba gã khổng lồ internet Trung Quốc mang tầm thế giới (Baidu, Alibaba và Tencent – hay còn gọi là BAT), đang tạo ra một hệ sinh thái số đa diện và đa ngành, tác động đến mọi mặt của đời sống người tiêu dùng. Không dừng lại ở đó, Chính phủ Trung Quốc đang khuyến khích đổi mới kỹ thuật số bằng cách tạo cho các công ty một môi trường để thực nghiệm và cung cấp hỗ trợ như một nhà đầu tư, nhà phát triển và người tiêu dùng các công nghệ mới.

Một số vấn đề đặt ra

Sự bùng nổ về thanh toán công nghệ ở Trung Quốc mang lại nhiều lợi ích to lớn, song cũng đặt ra không ít vấn đề mà quốc gia này hay các quốc gia đang có xu hướng phát triển thanh toán công nghệ cần quan tâm, cụ thể:

Một là, bảo mật thông tin cá nhân đang trở thành vấn đề nhạy cảm, khiến nhiều người dân lo ngại. Sự thống trị của thanh toán di động cũng có nghĩa các công ty như Alibaba, Tencent có quyền truy cập lượng dữ liệu khách hàng khổng lồ. Từ đó, làm dấy lên lo ngại các dữ liệu này có thể được chuyển cho bên thứ 3 hoặc cung cấp cho một chính phủ khác mà không xin phép người dùng. Hoặc có thể, dữ liệu này sẽ bị đánh cắp do các hacker tự do hoặc của Chính phủ hay tổ chức nào đó tài trợ.

Hai là, sự phát triển nhanh chóng của thanh toán công nghệ đang tác động đến lĩnh vực dịch vụ tài chính – ngân hàng. Bởi với số lượng đông đảo người dân sử dụng dịch vụ thuận tiện này, các sản phẩm dịch vụ tài chính - ngân hàng như thẻ tín dụng, các thẻ thanh toán… gần như không có cơ hội phát triển. Thậm chí, đến nay không ít người dân không có thói quen sử dụng thẻ tín dụng, còn các ngân hàng thì cũng rất khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng và phát triển các dịch vụ thanh toán. Ngoài ra, việc người dùng trữ tiền trên các ứng dụng thanh toán mà không phải ngân hàng khiến nhà băng mất đi nguồn vốn cho vay, yếu tố tạo ra lợi nhuận đáng kể của nhóm doanh nghiệp này.

Ba là, thanh toán di động đang phát triển nhanh ở Trung Quốc đến mức người nước ngoài cũng cảm thấy khó khăn với các thanh toán cơ bản. Chẳng hạn, khi người nước ngoài dùng bữa tại một cửa hàng McDonald’s ở Bắc Kinh, các hình thức thanh toán được chấp nhận là thẻ tín dụng Union Pay của Trung Quốc, Apple Pay, WeChat Pay và Alipay. Như vậy, nếu không có tài khoản ngân hàng hay mã định danh QR ở Trung Quốc, người nước ngoài hay khách du lịch sẽ rất khó sử dụng các ứng dụng này. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề này cũng đã được các doanh nghiệp khắc phục.           

Tài liệu tham khảo:

  1. Thanh Hà (2018), Trung Quốc đang trở thành một thị trường không tiền mặt, Tạp chí điện tử Viettimes.vn;
  2. Trọng Đạt (2018), Trung Quốc thành thị trường thanh toán di động lớn nhất thế giới bằng cách nào?, Báo điện tử Vietnamnet;
  3. Huỳnh Lộc (2018), Cuộc cách mạng “không tiền mặt” ở Trung Quốc, zing.vn;
  4. Một số website: genk.vn, baocongthuong.com.vn, vietnambiz.vn…