Thanh toán không dùng tiền mặt: Góp phần hạn chế lượng tiền mặt lưu thông trong nền kinh tế
Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) không chỉ đem lại lợi ích cho người tiêu dùng mà còn giúp hạn chế lượng tiền mặt lưu thông trong thị trường. Thống kê của NHNN, hiện có khoảng 12% giao dịch có chứng thực sử dụng thanh toán qua tiền mặt, như vậy khoảng 88% giao dịch thanh toán không trả bằng tiền mặt.
Lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt
Theo đề án mới của NHNN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020 này cứ 7 trong 10 người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản ngân hàng. Có thể thấy phương thức thanh toán này đang chứng minh được giá trị của nó và đang trên đà thay thế thói quen thanh toán bằng tiền mặt của người tiêu dùng. Tiền mặt ở đây được hiểu là tiền nội tệ, ngoại tệ; vàng bạc, kim quý đá quý theo đúng tài khoản hạch toán kế toán.
TTKDTM là hình thức thanh toán thông qua các phương tiện khác không phải tiền mặt như tài sản, chứng chỉ có giá trị tương đương. Nghĩa là người tiêu dùng có thể sử dụng các giấy tờ có giá (chứng khoán, chứng chỉ tiền gửi…), tài sản hữu hình (không phải vàng, bạc) hoặc sử dụng công cụ để thanh toán, nhưng chủ yếu thông qua các tổ chức tín dụng thay vì người tiêu dùng và người bán trực tiếp trao đổi với nhau hiện nay.
Bản chất của hình thức TTKDTM chính là hạn chế lượng tiền mặt lưu thông trong nền kinh tế, giảm thiểu chi phí xã hội. Hoạt động này sẽ trực tiếp làm giảm số lượng tiền mặt đang được lưu hành trên thị trường hàng hóa bằng cách khuyến khích từng người tiêu dùng TTKDTM.
Người tiêu dùng có thể sử dụng các dịch vụ thu chi, thẻ ngân hàng, thanh toán trực tuyến mà không làm thay đổi giá trị tiền mặt tương đương. Có sự xuất hiện của tiền mặt hay không chính là sự khác biệt lớn nhất giữa hai hình thức thanh toán bằng tiền mặt và không dùng tiền mặt.
Hoạt động này sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia: người tiêu dùng, người bán hàng, tổ chức tín dụng (chủ yếu là ngân hàng) và tổng thể nền kinh tế. Cụ thể:
Đối với cá nhân
- Nhanh chóng, an toàn: Nhanh chóng thanh toán cho các giao dịch có giá trị lớn, các giao dịch ở xa. An toàn vì tránh được các rủi ro mang tiền mặt như mất cắp; an toàn vì tránh được các rủi ro vật lý như rách, mất góc không thể sử dụng.
- Chính xác: Chính xác số tiền cần thanh toán, nhất là khi phải trả các khoản lớn, số lẻ.
- Tiết kiệm: Người tiêu dùng có thể nhận nhiều khuyến mãi từ người bán cũng như ngân hàng hơn. Bạn sẽ thường xuyên được giảm giá khi thanh toán bằng thẻ ngân hàng, các chương trình khuyến mãi sẽ được người bán liên tục “tung” ra thị trường để khuyến khích tiêu dùng.
Đối với tổng thể kinh tế
- Giảm chi phí xã hội: Giảm chi phí in ấn tiền, vận chuyển và kiểm đếm hay bảo quản tiền.
- Giảm lạm phát: Số lượng tiền mặt lưu thông là một yếu tố tác động trực tiếp tới lạm phát.
- Góp phần thiết thực phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố...
Một số phương thức thanh toán không dùng tiền mặt phổ biến hiện nay
Hiện nay, có nhiều kênh TTKDTM từ ngân hàng cho bạn lựa chọn, tất cả các dịch vụ ngân hàng cung cấp đều sẽ thu một khoản phí nhỏ song lợi ích mà nó mang lại lớn hơn phí đó gấp nhiều lần. Tuy nhiên, theo quy định TTKDTM tại Thông tư số 46/2014/TT-NHNN các phương thức TTKDTM được sử dụng phổ biến gồm:
Thanh toán sử dụng giấy ủy nhiệm (thu hoặc chi): Ủy nhiệm chi là một lệnh chi theo mẫu ngân hàng, yêu cầu ngân hàng đó trích một số tiền nhất định cho người được hưởng trên giấy ủy nhiệm. Ủy nhiệm thu cũng là một lệnh, yêu cầu ngân hàng thu hộ một số tiền nhất định từ người được ghi trên giấy ủy nhiệm.
Thanh toán sử dụng Séc: Séc là một phiếu chi, một mệnh lệnh vô thời hạn thể hiện dưới dạng chứng từ của người chủ tài khoản và có xác nhận của ngân hàng; yêu cầu ngân hàng trích tiền từ tài khoản của chủ Séc sang tài khoản của người có tên trên Séc (có thể trích gửi tiền mặt trực tiếp cho họ). Bất kỳ người nào có “tấm Séc” ký tên của chủ tài khoản đều có thể nhận tiền. Tuy nhiên, ở thời điểm mà công nghệ được áp dụng vào thanh toán không dùng tiền mặt thì gần như hai phương thức thanh toán trên không còn được biết đến nhiều.
Thanh toán qua thẻ: Thẻ ngân hàng là một công cụ đã được mã hóa thông tin của chủ thẻ, cho phép chủ tài khoản có thể thanh toán, giao dịch, rút tiền hoặc chuyển tiền bất kỳ lúc nào họ muốn. Thẻ ngân hàng có ba loại: Thẻ trả trước, thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng trong đó thẻ ghi nợ có số lượng người dùng nhiều nhất, nhưng thẻ tín dụng mới là thẻ đem lại nhiều ưu đãi nhất.
Thanh toán trực tuyến: Cách thức thanh toán này đang đề cập tới dịch vụ internet banking của ngân hàng. Dịch vụ này cho phép người dùng thanh toán các hóa đơn hàng hóa ngay tại nhà hoặc bất kỳ đâu mà không cần trực tiếp tại quầy thanh toán. Theo đó, chỉ cần một thiết bị kết nối internet như laptop, smartphone và tài khoản online do ngân hàng cung cấp là có thể trả tiền hóa đơn mà không cần tới quầy, không dùng một đồng tiền mặt nào, thậm chí không dùng tới thẻ.