Thanh toán song phương điện tử: Nâng cao hiệu quả quản lý ngân quỹ
(Tài chính) Giảm một nửa lượng giấy tờ, tiết kiệm thời gian, an toàn, tiện lợi và hạn chế được phần nào sự nhầm lẫn so với việc nhập số liệu bằng tay thủ công… là những lợi ích mà hệ thống thanh toán song phương điện tử mang lại cho ngành Kho bạc trong thời gian qua trong việc phối hợp thu NSNN giữa Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Văn Trường
Trước tình hình đó, KBNN đã tiến hành thỏa thuận hợp tác triển khai TTSPĐT với các NHTM và các nhà thầu. Trong năm 2013 và những tháng đầu năm 2014, KBNN đã cùng với 4 NHTM: NHTM Cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank); NHTM Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank); NHTM Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và nhà thầu (Công ty Seatech; Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT- FIS) khẩn trương phối hợp, tập trung nghiên cứu triển khai hệ thống TTSPĐT và phối hợp thu NSNN.
Đến nay, sau hơn 1 năm triển khai phương thức thanh toán mới này đã thể hiện rõ tính hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho cả ngành Kho bạc, ngân hàng cũng như các đơn vị thụ hưởng NSNN.
Kết quả là, hệ thống KBNN đã cải thiện đáng kể chất lượng công tác kế toán, thanh toán, góp phần đẩy nhanh quá trình điện tử hóa công tác giao dịch giữa KBNN và NHTM nói chung và của KBNN nói riêng trong quá trình thanh toán, chi trả của NSNN và tập trung các khoản thu NSNN, thay thế hoàn toàn phương thức thủ công giao nhận, xử lý và thanh toán bằng chứng từ giấy tại đơn vị KBNN cấp huyện với NHTM được duy trì từ trước đến nay.
Hơn nữa, công tác chi NSNN, thu nộp NSNN qua 4 NHTM và KBNN các cấp được đẩy nhanh hơn, chính xác hơn và đơn giản, thuận tiện hơn… Từ đó, góp phần cải cách thủ tục hành chính và tăng cường công tác thanh toán không dùng tiền mặt theo chỉ đạo, chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Thông qua việc thực hiện TTSPĐT đã làm giảm chi phí lao động của ít nhất 2 bước nhập liệu của kế toán và kiểm soát của kế toán trưởng hàng ngày, với trung bình khoảng 25.000 chứng từ kế toán chi NSNN và chi trả của các đơn vị sử dụng NSNN; giảm chi phí hành chính trong việc đi lại giao nhận và đối chiếu chứng từ hàng ngày giữa KBNN và NHTM.
Đến giảm tối đa về thủ tục thanh toán
Đánh giá cụ thể về thực trạng thanh toán theo phương thức thủ công trước đây, các đại biểu đại diện cho các đơn vị của KBNN và NHTM cho rằng, người nộp NSNN phải đi lại đến KBNN nộp chứng từ và có khi phải lập tới 4-5 giấy tờ thủ tục, thì hiện nay, áp dụng theo phương thức thanh toán mới đã giảm tới một nửa với việc phối hợp giữa hệ thống kho bạc với các NHTM.
Phân tích cụ thể hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó giám đốc KBNN TP. Hồ Chí Minh cho rằng, với phương thức thanh toán cũ, một ngày chỉ có 2 phiên thanh toán, nếu người nộp ngân sách tới muộn thì sẽ phải chuyển sang phiên thanh toán sau. Điều này dẫn tới tốc độ thanh toán trở nên khá chậm.
“Hiện nay, chứng từ khách hàng mang tới kho bạc được chuyển sang chứng từ điện tử thì có thể chuyển tiền bất cứ lúc nào”, ông Nguyễn Hoàng Hải nói.
Ông Lê Đức Thọ, Tổng Giám đốc Ngân hàng Vietinbank cho biết, từ tháng 8/2013, khi chương trình hợp tác triển khai TTSPĐT và phối hợp thu NSNN giữa KBNN với các NHTM, Vietinbank đã thực hiện thành công khoảng 3 triệu giao dịch với số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Tổng giám đốc KBNN Nguyễn Hồng Hà trao tặng Giấy khen của KBNN cho các đơn vị và các NHTM đã có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác phối hợp triển khai thành công TTSPĐT. Ảnh: Văn Trường
Ngoài các ý kiến trên, hội nghị còn được nghe các bài tham luận của đại diện Ngân hàng Vietcombank, Ngân hàng BIDV… với những nội dung đánh giá cụ thể hơn về những kết quả triển khai TTSPĐT giữa KBNN và các NHTM, đồng thời chỉ ra các tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện phương thức thanh toán này. Qua đó, đưa ra các đề xuất, kiến nghị với KBNN và các cơ quan hữu quan khẩn trương hoàn thiện chương trình ứng dụng để đảm bỏa yêu cầu thanh toán nhanh, an toàn với khối lượng ngày càng gia tăng trong thời gian tới.
Cũng tại Hội nghị, Tổng giám đốc KBNN Nguyễn Hồng Hà đã trao tặng Giấy khen của KBNN cho các đơn vị, NHTM đã có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác phối hợp triển khai thành công TTSPĐT và phối hợp thu NSNN giữa KBNN với các NHTM.
Thêm nhiều tiện ích cho khách hàng
Phát biểu kết luận hội nghị, Tổng giám đốc KBNN Nguyễn Hồng Hà khẳng định, hệ thống thanh toán mới này đã được triển khai thành công trên phạm vi cả nước và mang lại 5 lợi ích to lớn, đó là:
Tổng giám đốc KBNN Nguyễn Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Văn Trường
Thứ nhất, hệ thống TTSPĐT đã cải thiện đáng kể chất lượng công tác kế toán, thanh toán của KBNN; các giao dịch thanh toán được điện tử hóa, sử dụng chữ ký số và thực hiện online, thay thế hoàn toàn phương thức thủ công giao nhận, xử lý và thanh toán bằng chứng từ giấy tại đơn vị KBNN cấp huyện với NHTM như trước đây.
Thứ hai, TTSPĐT đã tạo thuận lợi cho công tác tập trung các khoản thu NSNN được kịp thời, chính xác, đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế. Các khoản chi NSNN sau khi được kiểm soát sẽ được thanh toán ngay lập tức theo từng giao dịch online, qua đó đáp ứng kịp thời nhu cầu chi của các cấp ngân sách và các đơn vị sử dụng ngân sách, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý quỹ NSNN.
Thứ ba, phương thức thanh toán này góp phần quan trọng để xây dựng hệ thống tài khoản thanh toán tập trung của KBNN, tạo cơ sở để quản lý ngân quỹ tập trung tại Trung ương, nâng cao khả năng thanh khoản của toàn hệ thống KBNN, sử dụng ngân quỹ an toàn và hiệu quả.
Thứ tư, việc triển khai TTSPĐT và xây dựng hệ thống tài khoản thanh toán tập trung tạo điều kiện giúp Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước dự báo được nhanh chóng các luồng tiền vào – ra của khu vưc công để xác định các phương án điều hành chủ động, linh hoạt và có hiệu quả; đồng thời, làm cơ sở để điều chỉnh lượng cung – cầu tiền trên thị trường phù hợp, đảm bảo sự phối kết hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.
Thứ năm, hệ thống TTSPĐT mang lại hiệu quả đầu tư cao, giảm đáng kể chi phí điều chuyển vốn giữa các đơn vị KBNN trong hệ thống, tăng tốc độ chu chuyển của đồng tiền, giảm lượng tiền mặt lưu thông ngoài xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích trên, Tổng Giám đốc KBNN Nguyễn Hồng Hà cho rằng, trong quá trình triển khai, hệ thống TTSPĐT với các NHTM vẫn còn những vướng mắc về quy trình nghiệp vụ như với tiền gửi ngoại tệ, xử lý những tình huống phát sinh, công nghệ kỹ thuật…
Đồng thời, thời gian tới, ngành Kho bạc cũng như các NHTM sẽ triển khai mở rộng hình thức thu hiện đại, thuận tiện cho người nộp thuế như: thu ngân sách qua máy chấp nhận thanh toán thẻ của NHTM (POS), thu NSNN qua ATM, internet banking.
Cùng với đó, KBNN sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình nghiệp vụ, chấp hành kỷ luật thanh toán, xây dựng các tiện ích ứng dụng có khả năng cảnh báo, ràng buộc chéo để tránh sai sót trong quá trình thanh toán, đảm bảo tuyệt đối an toàn tiền và tài sản của Nhà nước giao cho hệ thống KBNN quản lý./.