Ngành Thuế thực hiện 6.265 cuộc thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế giá trị gia tăng

Việt Dũng

Năm 2022, công tác chỉ đạo về hoàn thuế và hóa đơn được Tổng cục Thuế tập trung hướng dẫn cơ quan thuế các cấp nhận dạng các hành vi vi phạm trong việc quản lý hóa đơn; nhận dạng hành vi gian lận trốn thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT)... Qua đó, toàn Ngành đã thực hiện 6.265 cuộc thanh tra, kiểm tra sau hoàn với tổng số thuế truy hoàn và phạt là 630,837 tỷ đồng.

Dồn lực chống gian lận hoàn thuế 

Trong những năm qua, công tác quản lý, phòng chống gian lận về mua bán, sử dụng hoá đơn trái phép và phòng chống gian lận, trục lợi nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT luôn được ngành Thuế đặc biệt quan tâm.

Năm 2022, toàn Ngành Thuế tiếp tục triển khai đồng bộ và quyết liệt nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn, chủ động phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Số liệu của Tổng cục Thuế cho thấy, năm 2022, toàn ngành Thuế thực hiện 6.265 cuộc thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế GTGT (bằng 174,66% so với cùng kỳ năm 2021). Tổng số thuế truy hoàn và phạt là 630,837 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Tổng cục Thuế đã đánh giá dữ liệu 11.829 doanh nghiệp có phát sinh đề nghị hoàn thuế GTGT xuất khẩu từ ngày 1/1/2018 đến hết 30/8/2021 và xác định được 70 doanh nghiệp có rủi ro cao về hoàn thuế.

Đối với công tác chỉ đạo về hoàn thuế và hóa đơn, Tổng cục Thuế đã tập trung hướng dẫn cơ quan Thuế các cấp nhận dạng các hành vi vi phạm trong việc quản lý hóa đơn; nhận dạng hành vi gian lận trốn thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT theo từng mặt hàng xuất khẩu như: nông sản (điều, sắn, dăm gỗ, cao su…), linh kiện điện tử (máy tính, ram,…); hướng dẫn nghiệp vụ kiểm tra, xác minh để cơ quan Thuế các cấp kịp thời nắm bắt thông tin và triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đấu tranh.

Nhằm hạn chế tình trạng hồ sơ hoàn thuế GTGT tồn đọng lớn trong các tháng cao điểm, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cục thuế địa phương bố trí đầy đủ nguồn lực, đôn đốc đơn vị trực thuộc triển khai kiểm tra hoàn thuế đã tiếp nhận.

Tổng cục Thuế cũng đã tổ chức các đoàn kiểm tra công tác hoàn thuế tại 5 cục thuế có số hoàn lớn như: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu để kịp thời giải quyết các vướng mắc tồn tại. Qua đó, trực tiếp hỗ trợ các cục Thuế xử lý các vụ việc phức tạp có dấu hiệu vi phạm về hóa đơn và hoàn thuế GTGT.

Về công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về hoàn thuế GTGT, Tổng cục Thuế đã tổ chức 02 cuộc họp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội Sắn Việt Nam nhằm hướng dẫn chính sách thuế, giải đáp các vướng mắc của các hiệp hội... Đồng thời, đã kịp thời truyền thông các chính sách về pháp luật thuế, đưa ra các trường hợp cụ thể về trốn thuế, gian lận trục lợi chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT.

Xác minh hóa đơn là nội dung rất quan trọng trong công tác quản lý hoàn thuế, do vậy,  Tổng cục Thuế đã xây dựng Ứng dụng hỗ trợ xác minh hóa đơn nhằm đẩy nhanh tiến độ gửi yêu cầu/trả lời xác minh hoá đơn giữa các Cục Thuế.

Sau thời gian xây dựng và thử nghiệm, từ ngày 11/03/2022, các cơ quan Thuế đã sử dụng Ứng dụng theo dõi kết quả xác minh hoá đơn theo hình thức điện tử. Nhờ đó, kết quả xác minh được cập nhật nhanh chóng, kịp thời và chính xác trên hệ thống, cho phép cơ quan Thuế thực hiện truy vết thông tin.

Tiếp tục hoàn thiện các quy định trong quản lý hoàn thuế 

Tổng cục Thuế xác định, công tác quản lý thuế về phòng chống gian lận về mua bán, sử dụng hoá đơn trái phép và phòng chống gian lận, trục lợi nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT là một trong những khâu quan trọng, trọng tâm của toàn Ngành.

Do vậy, năm 2023, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi nội dung chính sách quy định thuế suất 5% đối với mặt hàng nông sản ở khâu trung gian thương mại, có so sánh đánh giá số đã thu NSNN so với số thuế đã hoàn trả NSNN. Từ đó, có cơ sở để tham mưu Bộ Tài chính xem xét có tiếp tục áp dụng mức thuế suất 5% đối với mặt hàng nông sản ở khâu trung gian nữa hay không?

Bên cạnh đó, nghiên cứu, bổ sung quy định về tính hợp pháp của hợp đồng xuất khẩu trong trường hợp cơ quan thuế nước ngoài xác định không tồn tại doanh nghiệp mua hàng, không có giao dịch mua bán hoặc có giao dịch nhưng đã bỏ địa chỉ kinh doanh. Tiếp tục xây dựng hệ thống rủi ro cho phép phân loại rủi ro về hoàn thuế theo hướng điện tử, tự động đáp ứng quy định tại Thông tư số 31/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Đặc biệt, cơ quan Thuế sẽ bổ sung chức năng Báo cáo rủi ro về hoá đơn điện tử (HĐĐT), trong đó, bổ sung các tiêu chí cảnh báo trong Báo cáo rủi ro tại dữ liệu HĐĐT. Đối với những doanh nghiệp có rủi ro cao thì thực hiện cảnh báo và đưa vào giám sát trọng điểm. Đề xuất phương án cấp quyền khai thác dữ liệu HĐĐT toàn Ngành cho các Cục Thuế để đảm bảo có thể khai thác dữ liệu phục vụ công tác quản lý thuế, hóa đơn, đồng thời đảm bảo tính bảo mật thông tin cho doanh nghiệp.

Tổng cục Thuế cũng sẽ tiếp tục trình Bộ Tài chính có kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu trình Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số quy định về đăng ký doanh nghiệp đối với trường hợp doanh nghiệp thay đổi người đại diện; hồ sơ tạm ngừng, nghỉ kinh doanh; hồ sơ liên quan đến tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong dữ liệu lịch sử thì cần có cơ chế giám sát trọng điểm khi cấp giấy chứng nhận theo đề nghị.