Thành tựu tài chính hai tháng đầu năm 2014

PV

(Tài chính) Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 2/01/2014 của Chính phủ và Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính, trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2014, Bộ Tài chính đã triển khai thực hiện được nhiều nhiệm vụ quan trọng.

Nền kinh tế đang từng ngày được chăm bẵm, sinh sôi. Nguồn ảnh: internet
Nền kinh tế đang từng ngày được chăm bẵm, sinh sôi. Nguồn ảnh: internet

Căn cứ Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 2/1/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán NSNN năm 2014, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 68/QĐ-BTC ngày 08/01/2014 ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ.

Trong 2 tháng đầu năm 2014, Bộ Tài chính đã triển khai thực hiện được nhiều nhiệm vụ quan trọng:

- Hoàn thành về cơ bản việc phân bổ, giao dự toán NSNN năm 2014 cho các Bộ, cơ quan Trung ương theo chế độ quy định.

- Đảm bảo nhu cầu chi NSNN cho phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản chi trả nợ đến hạn, chi trả kịp thời các khoản lương và các khoản có tính chất lương, góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và tạo điều kiện cho các đối tượng vui đón Tết cổ truyền Giáp Ngọ.

Để đảm bảo cân đối NSNN nói chung và NSĐP nói riêng, Bộ Tài chính đã đẩy mạnh việc huy động vốn trong nước; đồng thời, tăng tiến độ bổ sung cân đối NSĐP cho các địa phương khó khăn, tạo điều kiện chủ động về nguồn đáp ứng nhu cầu chi phát sinh trên địa bàn,... Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước (đến hết tháng 02/2014, hệ thống KBNN đã phát hiện trên 7.500 khoản chi của 3.500 lượt đơn vị chưa chấp hành đúng thủ tục chế độ quy định).

- Hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương thực hiện mua sắm tài sản từ nguồn dự toán NSNN năm 2014 được giao, gồm cả nguồn vốn NSNN năm 2013 được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển nguồn sang 2014 để tiếp tục sử dụng nếu có (công văn số 2133/BTC-QLCS  ngày 19/2/2014). Trong đó, đã yêu cầu việc mua sắm xe ôtô chuyên dùng phải đảm bảo nguyên tắc phù hợp với số lượng, chủng loại xe ôtô chuyên dùng theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Quyết định 59/2007/QĐ-TTg ngày 7/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ và khoản 6 Điều 1 Quyết định số 61/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng phương tiện đi lại trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty nhà nước.

- Phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp quản lý, điều hành, bình ổn giá; ngăn chặn các hành vi gây ảnh hưởng lớn đến giá cả (đầu cơ tích trữ, nâng giá, buôn lậu, gian lận thương mại..), kiểm soát chặt chẽ các phương án giá và mức giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước đặt hàng.

+ Quản lý giá xăng, dầu: Đã phối hợp với Bộ Công thương yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu đầu mối: (i) giữ ổn định mức trích Quỹ Bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng, dầu như hiện hành; (ii) chưa tính đủ lợi nhuận định mức trong giá cơ sở đối với mặt hàng xăng, dầu hỏa (tạm tính 100 đồng/lít); (iii) ngừng sử dụng Quỹ Bình ổn giá với các mặt hàng dầu hỏa, dầu madut; (iv) Chủ động rà soát lại phương án giá, cách tính giá theo quy định để điều chỉnh tăng giá bán các mặt hàng xăng, dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá cơ sở và quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP, nhưng tối đa không cao hơn mức chênh lệch giữa giá bán hiện hành và giá cơ sở.

+ Quản lý giá sữa: Bộ Tài chính đã chỉ đạo Sở Tài chính, Cục thuế, Cục Hải quan các tỉnh, TP tăng cường quản lý giá sữa của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa trên địa bàn (Văn bản số 2200/BTC-QLG ngày 21/2/2014); đồng thời phối hợp Bộ Công thương tổ chức kiểm tra việc niêm yết giá, kê khai giá và điều chỉnh giá các sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi của 4 doanh nghiệp; trên cơ sở đó đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp giải trình nguyên nhân tăng giá và chưa được tăng giá sữa. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa vẫn tăng giá bán sản phẩm, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Cục QLG sẽ chủ trì, phối hợp với Thanh tra Tài chính và các đơn vị liên quan khẩn trương tiến hành thanh tra, kiểm tra và đề xuất biện pháp xử lý nghiêm sai phạm (nếu có) và các giải pháp quản lý phù hợp với quy định pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

- Tiếp tục thực hiện giải pháp miễn thuế khoán (thuế GTGT, thuế TNCN, thuế TNDN) đối với hộ, cá nhân kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ; hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân theo quy định tại các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định số 204/2013/NĐ-CP ngày 05/12/2013 của Chính phủ và Thông tư số 187/2013/TT-BTC ngày 5/12/2013 của Bộ Tài chính.

- Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Thực hiện Quyết định số 929/QĐ-TTg, Bộ Tài chính đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015 để chỉ đạo xử lý kịp thời.

Phối hợp với VPCP và Ban chỉ đạo Đổi mới, phát triển doanh nghiệp Trung ương tổ chức Hội nghị sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp của Chính phủ; xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh, vững chắc, hiệu quả công tác sắp xếp, chuyển đổi sở hữu, cổ phần hoá DNNN cũng như công tác thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước.

- Thực hiện tốt các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, NSNN thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời theo tiến độ các khoản kinh phí đã bố trí trong dự toán ngân sách 2014. Thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong 02 tháng đầu năm 2014, Bộ Tài chính đã xuất, cấp trên 25,5 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ cho nhân dân ở những vùng bị thiếu đói, giáp hạt; góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.