Tháo gỡ các điểm nghẽn để hàng hóa lưu thông
Kết luận trong cuộc khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại TP. Hồ Chí Minh về tình hình dịch Covid-19 đối với các nhà đầu tư Nhật cho rằng, việc lưu thông hàng hoá là một trong những vấn đề mà họ rất quan tâm. Doanh nghiệp Nhật Bản kiến nghị cơ quan chức năng có biện pháp đảm bảo việc lưu thông hàng hóa không bị ngưng trệ, chậm trễ.
Không chỉ đối với các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản mà vấn đề trên thực ra cũng là mối quan tâm chung của nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu hiện nay với mong muốn chính sách lưu thông hàng hoá không “nghẽn” trước đại dịch Covid-19.
Về mặt chính sách, cơ quan quản lý nhà nước cũng đã nhìn thấy khó khăn này của doanh nghiệp, và thực tế đã có những điều chỉnh nhất định. Cụ thể như mới đây, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) có văn bản gửi UBND thành phố Hải Phòng về việc tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu và logistics vận chuyển hàng hóa đến và rời Hải Phòng.
Trong việc lưu thông hàng hoá không thể không nhắc đến vai trò của các doanh nghiệp logistics. Để vượt “cơn bão” Covid-19, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) đã đề ra một số kiến nghị nhằm làm giảm chi phí logistics, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu nâng cao năng lực cạnh tranh.
Theo đó, cần xem xét giảm giá dịch vụ cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải, như phí cầu đường, phí BOT, cảng phí, các loại giá ở cảng biển, cảng hàng không, giá xăng dầu cho xe tải và tàu biển, tàu bay, tới mức có thể để giảm chi phí lưu thông hàng hóa, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp xuất nhập khẩu và doanh nghiệp dịch vụ logistics trong lúc khó khăn này…