Tháo gỡ thể chế chồng chéo
Trong sáng 23 và 24-10, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14, các đại biểu (ĐB) đã thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước (NSNN) hàng năm và giữa kỳ. Nhiều ý kiến về việc tháo gỡ những rào cản như giá điện thấp, lãi suất cho vay cao, tình trạng doanh nghiệp (DN) giải thể nhiều… đã được các ĐB nêu ra.
Giá điện thấp, lãi suất cao
Theo ĐB Trần Sỹ Thanh (Lạng Sơn), lãi suất bình quân hơn 6%/năm nhưng thực chất vay dài hạn 5-7 năm hơn 10%. “Làm con đường Bắc Giang - Lạng Sơn hơn 12.000 tỷ đồng, vốn DN 2.000 tỷ đồng, vay ngân hàng 10.000 tỷ đồng, mỗi năm trả lãi hơn 1.000 tỷ đồng. Những chi phí đó “không đè của dân” DN lấy đâu ra lãi” - ĐB Thanh nói và cho rằng, với lãi suất vay hiện nay DN rất khó vay tiền để đổi mới, đầu tư công nghệ.
Trong khi đó, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được ưu đãi vay vốn. Chính phủ cần tìm phương thức hạ thấp hơn nữa mặt bằng chung chi phí tài chính. “DN cần sự công bằng chính sách trong tiếp cận đất đai, tài chính chứ không xin gì cả. Chúng ta quá ưu đãi cho DN FDI mà chưa ưu ái cho DN trong nước” - ĐB Thanh nói.
Liên quan đến vấn đề kinh tế thị trường, theo ĐB Trần Sỹ Thanh, chúng ta cần có lộ trình điều chỉnh giá điện theo hướng nhích lên, nếu không đến năm 2023 sẽ không đủ điện, khó cho tăng trưởng kinh tế.
Thực tế hiện nay, do giá điện thấp nhà đầu tư trong và ngoài nước không muốn đầu tư. “Mấy năm nay không khởi công được nhà máy điện nào cũng vì giá điện quá thấp. Cần phải có đường lối, lộ trình cho giá một số mặt hàng cơ bản. Đừng lấy lý do ảnh hưởng đến người nghèo để không không tăng giá điện, vì người nghèo, cận nghèo khi điều chỉnh giá điện đã được Nhà nước hỗ trợ. Nghịch lý hiện nay là giá dầu, khí theo thị trường, trong khi đó giá điện lại không” - ĐB Thanh nói thêm.
Đề cập đến vấn đề này, theo ĐB Đào Ngọc Dung (Thanh Hóa), sức ép với giá điện lớn, nếu không điều chỉnh sẽ làm lợi lớn cho DN FDI. Nếu điểm nghẽn này không được tháo gỡ sẽ kìm hãm sự phát triển. Còn Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu (Thanh Hóa), chia sẻ: “Nền kinh tế thị trường cần có sự bình đẳng trong cạnh tranh giữa DN trong và nước ngoài. Giá điện phải theo thị trường nhưng cũng cần có lộ trình. Không thể nói giá điện phải bằng Thái Lan, Malaysia hay các nước châu Âu, vì điều đó sẽ khiến chi phí của DN tăng lên, kéo giá cả hàng hóa tăng theo”.
Về việc lãi suất NH còn cao, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu, cho rằng cần tính toán lại sao cho hợp lý. “Vốn trong dân nhiều nhưng tại sao chúng ta không huy động được. Chính sách của chúng ta không đô la hóa, nhưng nếu người dân có ngoại tệ, muốn gửi NH phải trả lãi suất. Chúng ta vay nước ngoài phải trả lãi suất, còn muốn huy động của dân lại trả lãi suất 0%? Chúng ta muốn người dân chuyển ngoại tệ sang đồng Việt Nam nhưng tâm lý của họ vẫn muốn giữ, tại sao chúng ta không trả lãi suất thấp hơn vay ODA” - Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nói và cho rằng trong đầu tư, nếu chỉ trông chờ vào vốn ngân sách sẽ không đáp ứng được yêu cầu về đầu tư hạ tầng cho đất nước. Do đó cần huy động vốn trong dân, kêu gọi xã hội hóa thông qua các hình đầu tư đối tác công tư.
DN “chết” nhiều, đầu tư hạ tầng khó khăn
Dù đánh giá nền kinh tế đang diễn ra đúng hướng với một số thành tích rõ rệt, nhưng ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) lưu ý về con số DN thành lập mới và giải thể. “Giải thể vì môi trường kinh doanh, nhưng một số DN nói với tôi thành lập ra để mua bán hóa đơn, nợ thuế, nợ xuất nhập khẩu, rồi giải thể, thành lập DN mới. DN thành lập ra để làm một số việc tiêu cực. Chính phủ phải khảo sát thêm việc này” - ĐB Nghĩa đề nghị.
Còn theo ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình), mỗi năm có trên 50.000 DN “chết” và tình trạng này vẫn diễn ra đến nay. “Chúng ta đặt ra mục tiêu tới năm 2020 đạt 1 triệu DN, nhưng nhiều DN ở các địa phương hiện nay đều trong tình trạng “chết” - ĐB Nguyễn Tiến Sinh nói.
Theo ĐB Bùi Minh Châu (Phú Thọ), từ nay đến năm 2020, nền kinh tế còn đối diện nhiều khó khăn, thách thức. Thí dụ, trong đầu tư hạ tầng theo hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) là cách thức mọi quốc gia đều làm để kêu gọi vốn đầu tư xã hội. Ở Việt Nam, các dự án BOT cũng được triển khai nhưng có chỗ được, chỗ chưa được, và 2 năm gần đây không nhà đầu tư nào dám đầu tư BOT nữa. Còn việc đầu tư BT (xây dựng - chuyển giao) tạm dừng, đã khiến tăng trưởng ở các địa phương không có khả năng phát huy.
Cũng theo ĐB Bùi Minh Châu, những bất cập hiện nay đòi hỏi pháp luật về đầu tư, đất đai cần phải có sự điều chỉnh. DN tư nhân đầu tư với chi phí rẻ, thời gian hoàn thành chỉ bằng 1/5 so với đầu tư nhà nước, nhưng lại bị đặt ra quá nhiều điều kiện, chi phí quá lớn, khiến DN gặp khó khăn. “Không có dự án nào 5 tỷ đồng trở lên sau khi hoàn thành dưới 3 lần thanh, kiểm tra giám sát” - ĐB Châu nói.
Chia sẻ về những ý kiến của ĐB tại tổ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cho biết dù còn những điểm chưa an tâm nhưng phải nhìn nhận uy tín của Việt Nam trên thị trường thế giới đã nâng lên; khả năng chống chịu của nền kinh tế đã khá hơn trước, từ lương thực, năng lượng, ngân sách, ngoại tệ… Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều ràng buộc kìm hãm sự phát triển chung. Đó là việc văn bản này chồng văn bản kia, hệ thống pháp luật chằng chịt, làm việc này lo việc kia, quy định lâu đời, nhiều tầng lớp chồng chéo.
Việt Nam đang trong bối cảnh hội nhập sâu, biện pháp quan trọng là phát triển khoa học công nghệ, tìm giá trị gia tăng. Còn nếu không tìm giá trị gia tăng chúng ta sẽ mãi luẩn quẩn. Bên cạnh đó, việc tháo gỡ thể chế chồng chéo, xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển cũng rất quan trọng.