Thay đổi hoàn toàn cách xây dựng dự toán để đảm bảo cân đối ngân sách

Theo baohaiquan.vn

Đó là khẳng định của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển (ảnh) khi trao đổi với phóng viên Báo Hải quan.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Năm 2015, Chính phủ đã nỗ lực cân đối ngân sách trong bối cảnh hụt thu từ ngân sách Trung ương khi giá dầu thô thế giới giảm mạnh. Ông có thể phân tích những “căng thẳng cân đối thu- chi” dưới góc nhìn của người có nhiều năm làm công tác tài chính- ngân sách?

Thay đổi hoàn toàn cách xây dựng dự toán để đảm bảo cân đối ngân sách - Ảnh 1


Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội


Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội:
Ngân sách bao giờ cũng là vấn đề hết sức quan trọng của đất nước. Trong thực tiễn, kể cả quốc gia có nền kinh tế rất mạnh, cân đối ngân sách vẫn là vấn đề khó. Đó là giữa nhu cầu chi và thu. Trong khi nhu cầu chi về đầu tư, chi thường xuyên (liên quan đến tiền lương, an sinh xã hội) cao thì thu lại không dễ. Cho nên căng thẳng cân đối thu- chi là câu chuyện không chỉ đối với Việt Nam mà còn là của các quốc gia trên thế giới.

Đối với Việt Nam thì càng khó khăn hơn. Vì, trong năm qua chúng ta thực hiện chính sách giảm gánh nặng về thuế, cũng như thực hiện miễn, giảm, tạm hoãn thuế để các DN vượt qua khó khăn. Cho nên tỷ lệ huy động từ thuế, phí và lệ phí vào ngân sách giảm. Nếu giai đoạn trước là khoảng 26%, giai đoạn 2006-2010 giảm xuống 24,6% thì giai đoạn này chỉ đạt khoảng 21-22%, thậm chí năm 2015, tỷ lệ này chỉ còn 19,4%.

Trong các nguyên nhân thì có nguyên nhân về chính sách, như thuế TNDN giảm từ 32% xuống 22% và năm 2016 còn 20%. Trong khi đó, thuế TNCN cũng giảm theo. Thậm chí tới đây khi tham gia TPP, chúng ta không còn hàng rào thuế quan… Trong khi đó, giá dầu giảm dẫn đến số hụt thu từ dầu thô và các khoản thu khác do giảm giá dầu là 63.000 tỷ đồng.

Thu thì thế, mặt bằng chi lại không giảm do vẫn phải tăng chi cho an sinh xã hội, chi cho con người, cho đầu tư phát triển… nên cân đối ngân sách căng thẳng là tất yếu.

Ngân sách khó khăn như vậy, nhưng vấn đề triệt để tiết kiệm chi, theo ông đã thực sự hiệu quả hay chưa?

Đó là câu chuyện đã xảy ra và người dân đều nhìn thấy. Ngay trong chính sách của QH đã quán triệt theo tinh thần tiết kiệm triệt để, trong đó giảm chi thường xuyên đã cắt ngay từ khâu dự toán là 10%, cộng với các khoản chi hội nghị, khánh tiết… Đặc biệt, năm nay chúng tôi đã dự thảo nghị quyết (ngày 3-11) QH sẽ thảo luận trong đó có những điểm rất cụ thể như giảm tối đa những hội nghị không cần thiết, thực hiện cơ chế khoán đối với xe công…

Vậy có giải pháp căn cơ nào để đảm bảo cân đối ngân sách, giữ vững an ninh tài chính quốc gia, thưa ông?

Đây là vấn đề hết sức cơ bản. Tới đây chúng ta sẽ thay đổi hoàn toàn cách xây dựng dự toán NSNN. Cụ thể, sẽ xây dựng kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch vay nợ 5 năm, kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm. Trong xây dựng dự toán còn có xây dựng dự toán theo phương thức cuốn chiếu, đó là 1 năm dự toán, 2 năm dự báo, có nghĩa là 3 năm và có 2 cột dự báo dựa trên kế hoạch 5 năm. Và đầu tư công, tới đây sẽ thảo luận để biết tổng đầu tư công là bao nhiêu, từng địa phương là bao nhiêu, cho các chương trình như thế nào. Cho nên, chuyện địa phương không biết mình có bao nhiêu tiền, trông chờ vào Trung ương sẽ được giải tỏa hết.

Trong tương lai gần, có phải điều chỉnh trần nợ công không, thưa ông?

Quan điểm của tôi là không bao giờ, chỉ giảm thôi. Ngay trong định hướng năm 2020 thì trần nợ công phải giảm nữa, không phải 65%/GDP và bội chi cũng phải giảm nữa, theo thông lệ quốc tế. Có như thế thì mới bảo đảm an toàn tài chính quốc gia.

Xin cảm ơn ông!