Thế giới đang đứng trước một cơn địa chấn địa chính trị, Nga và Trung Quốc sẽ hưởng lợi nhiều nhất
Từ Syria đến Ukraine, và từ Afghanistan đến châu Phi, những chiếc đĩa kiến tạo đang dịch chuyển theo hướng đe dọa sự bền vững và uy tín của trật tự do Mỹ lãnh đạo.
Tuần vừa qua, không ít người đã cảm nhận được rõ ràng rằng thế giới đang trải qua một cơn địa chấn địa chính trị.
Dù những "con sóng ngầm" đã xuất hiện từ lâu, mỗi ngày trôi qua thì chúng ta lại càng cảm nhận rõ ràng hơn về 1 sự dịch chuyển đe dọa hệ thống chính trị và kinh tế mà nước Mỹ đã góp công rất nhiều trong quá trình kiến tạo. Và trong làn sóng này thì những nước thách thức vị thế lãnh đạo của Mỹ nhiều nhất - Trung Quốc và Nga - đang nhìn thấy những cơ hội mới để có thể gia tăng lợi ích của mình trong khi Washington đang bị phân cực và xao nhãng bởi cuộc bầu cử Tổng thống 2020.
Từ Syria đến Ukraine, và từ Afghanistan dến châu Phi, những chiếc đĩa kiến tạo đang dịch chuyển theo hướng mà không chỉ đe dọa sự bền vững và uy tín của trật tự do Mỹ lãnh đạo mà còn đe dọa cả những giá trị dân chủ, các định chế phương Tây và những liên minh đã thổi hồn cho trật tự thế giới hiện tại vốn đã được duy trì suốt 70 năm qua.
Bạn có thể cảm nhận những rung chấn khi ông Trump quyết định đẩy mạnh rút quân khỏi Syria và bỏ mặc những đồng minh người Kurd ở đây. Ngay sau đó Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Syria đã tận dụng cơ hội để hưởng lợi. Moscow trở thành kẻ "môi giới quyền lực" nổi lên nhanh nhất ở Trung Đông.
Bạn có thể nhận thấy cơn địa chấn khi Tổng thống Nga Vladimir Putin có cuộc gặp kéo dài 6 giờ đồng hồ với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tại khu nghỉ dưỡng ở Sochi. Tại đây ông và đồng minh NATO - nước vừa mua hệ thống phòng không S-400 từ Moscow để tự bảo vệ trước phương Tây - đã bàn luận về việc Nga, Thổ Nhĩ Kỳ cùng những nước khác trong khu vực sẽ làm thế nào để tăng quyền kiểm soát vùng Đông Bắc Syria nhằm phục vụ lợi ích của họ.
Cơn địa chấn còn có thể được cảm nhận ở tận Paris, nơi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày càng bày tỏ sự bối rối trước thái độ của ông Trump và NATO. "Tôi coi những gì xảy ra trong vài ngày qua (ở miền Bắc Syria) là 1 sai lầm nghiêm trọng của phương Tây và NATO tại đây", ông Macron phát biểu sau 1 phiên họp Hội đồng châu Âu ở Brussels.
Tuần qua, ông Putin cũng tổ chức hội nghị Nga - Phi lần đầu tiên tại Sochi, một cử chỉ khác giúp nước Nga hưởng lợi từ nước Mỹ đang xao nhãng. Ông tiếp đón hơn 40 nhà lãnh đạo châu Phi, tập trung vào xây dựng mối quan hệ về quân sự, cung cấp cho họ những công cụ để duy trì quyền lực và tìm kiếm cả những thỏa thuận thương mại tập trung vào năng lượng và khai khoáng.
Một tuần trước, tâm chấn nằm ở vùng Vịnh, nơi ông Putin tới thăm Saudi Arabia lần đầu tiên trong mấy chục năm trở lại đây. Vụ tấn công vào các nhà máy dầu của Saudi chỉ thu hút được rất ít sự chú ý của Washington. Sau vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại cuối năm ngoái, Hoàng tử Mohammed Bin Salman ngày càng bị xa lánh và điều đó càng khiến Riyadh và Moscow thân thiết hơn.
Từ năm 2014, Nga và Saudi Arbabia đã tiến đến nhau gần hơn sau khi cả hai bên có những nỗ lực đáng kể từ các cấp lãnh đạo cao nhất để xúc tiến cái gọi là thỏa thuận OPEC+ nhằm giảm sản lượng dầu thô để bình ổn giá dầu. Chuyến đi mới nhất của ông Putin đã tạo ra một loạt thỏa thuận mới, mà quan trọng nhất là tạo tiền đề cho sự hợp tác lâu dài hơn giữa các nước OPEC với nhau và cả giữa các nhà sản xuất không nằm trong OPEC.
"Ông Putin có lẽ đang quan sát thế giới và cảm thấy hài lòng khi mọi thứ đang vận hành theo cách ông ấy mong muốn", Angela Stent – giáo sư ĐH Georgetown và là một trong những chuyên gia về Nga hàng đầu ở Mỹ nhận xét.
3 tuần trước, Stent tham dự hội nghị thường niên lần thứ 15 của Valdai Discussion Club tại Sochi, nơi ông Putin đưa ra chương trình nghị sự trước các khán giả quốc tế. Theo Stent, thông điệp mà người nghe nhận được là "phương Tây đang đi xuống, thời của nước Mỹ sắp hết, và đây là bình minh của 1 kỷ nguyên mới, trong đó Nga, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ dẫn dắt 1 thế giới mới đa cực".
Ông Putin còn ca ngợi Tổng thống Trump đã "dũng cảm" tiếp cận Triều Tiên để tránh chiến tranh. Khi Stent hỏi ông rằng Nga sẽ đối phó như thế nào với một nước Mỹ ngày càng khó đoán sắp bước vào bầu cử và cả nguy cơ ông Trump bị luận tội, ông Putin chỉ nhún vai và nói: "Cuộc sống vẫn tiếp diễn, và chúng tôi vẫn sẽ làm việc với Mỹ".
Trong khi đó, ở châu Á, Trung Quốc không hề giấu diếm tham vọng với Vành đai con đường – sáng kiến phát triển cơ sở hạ tầng tham vọng nhất trong lịch sử. Cách dây ít ngày một số quan chức Afgahnistan nói với CNBC rằng Trung Quốc đang tổ chức các cuộc thảo luận trong các phe đối lập với Afgahnistan sau khi đàm phán giữa Taliban và Mỹ đổ bể.
Ở thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn đang được hưởng lợi từ vị thế độc nhất vô nhị đã giúp ích rất nhiều trong quá khứ và sẽ là cả tương lai: các định chế vững chắc, nền kinh tế năng động và dồi dào việc làm, sức mạnh quân sự đáng gờm. Trong khi đó Trung Quốc và Nga vẫn tồn tại những điểm hạn chế: đối với Trung Quốc là dân số già hóa, kinh tế tăng trưởng chậm lại, biểu tình ở Hồng Kông; đối với Nga thì ít ai có thể dự đoán 1 thế giới hậu Putin sẽ như thế nào.
Tuy nhiên, đã đến lúc nhận ra sự thật là 1 cơn địa chấn địa chính trị đang hình thành, có thể ập đến bất cứ lúc nào và hệ quả sẽ là rất lớn.