Thêm giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn” giải ngân đầu tư công nguồn vay nước ngoài
Đến tháng 8/2020, ước thực hiện giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài đạt 21,64% so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Tỷ lệ này so với tháng trước có khá hơn, song vẫn thấp hơn mức bình quân chung về giải ngân vốn đầu tư phát triển. Tại hội nghị với các bộ, ngành về giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của Chính phủ 8 tháng đầu năm 2020 do Bộ Tài chính tổ chức ngày 26/8/2020, các bộ, ngành tiếp tục kiến nghị nhiều giải pháp để tiếp tục tháo gỡ “điểm nghẽn”, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công vốn vay nước ngoài.
Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Theo ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vốn đầu tư công có tác động tích cực tới tăng trưởng giá trị sản xuất của ngành xây dựng và GDP. Cụ thể, khi vốn đầu tư công tăng thêm 1% sẽ có tác động lan tỏa tới tăng trưởng giá trị sản xuất ngành xây dựng là 1,34 điểm phần trăm và đóng góp cho tăng trưởng GDP thêm 0,06 điểm phần trăm. Ước tính, nếu năm nay giải ngân được toàn bộ nguồn vốn đầu tư, thì GDP sẽ có thêm 0,42 điểm phần trăm tăng trưởng.
Năm 2020, nền kinh tế Việt Nam bị tác động tiêu cực chưa từng có do đại dịch Covid-19, khiến cho nguồn vốn đầu tư từ khu vực có vốn nước ngoài và khu vực tư nhân bị giảm. Trong bối cảnh đó, việc tập trung đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công chính là giải pháp kích cầu đầu tư, thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm, duy trì đà tăng trưởng kinh tế. Theo các chuyên gia kinh tế, tại Việt Nam, vốn đầu tư công tập trung chủ yếu cho các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm… nên một khi nguồn vốn này được giải phóng sẽ có vai trò như vốn mồi thu hút nguồn vốn từ khu vực dân doanh và đầu tư nước ngoài, qua đó góp phần tăng tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt mục tiêu đặt ra là từ 33-34% GDP, góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.
Với ý nghĩa như vậy, việc đẩy nhanh vốn đầu tư công trong đó có vốn ODA, vốn vay ưu đãi trở thành yêu cầu bắt buộc để không chỉ lấy lại đà tăng trưởng cho nền kinh tế mà là thể hiện trách nhiệm, năng lực sử dụng vốn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư, nhà tài trợ. Từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã lập đoàn công tác đi đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Đến nay, đã có tới 7 đoàn, do đích thân Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Trưởng đoàn, với sự tham gia của lãnh đạo nhiều bộ, ngành hữu quan. Thủ tướng Chính phủ cũng trực tiếp chủ trì liên tục 2 hội nghị giao ban với các bộ, ngành, địa phương (vào ngày 16/7/2020 và 21/8/2020) để đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công như năm nay. Các bộ, ngành cũng thường xuyên họp để cùng bàn cách tháo gỡ, quyết liệt trong việc xử lý các điểm nghẽn, ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư công nói chung và đầu tư công vốn vay nước ngoài nói riêng...
Thêm nhiều giải pháp, kiến nghị thúc đẩy giải ngân đầu tư công
Tại hội nghị với các bộ, ngành về giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của Chính phủ 8 tháng đầu năm 2020 do Bộ Tài chính tổ chức ngày 26/8/2020, nhiều kiến nghị, đề xuất tiếp tục được đưa ra. Cụ thể, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cam kết hoàn thành 100% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ giao. Để thực hiện mục tiêu này, Bộ Giao thông Vận tải sẽ quyết liệt “cá thể hóa” trách nhiệm cá nhân của các cơ quan, đơn vị và đưa vấn đề này như một nội dung đánh giá chất lượng của chủ dự án để đốc thúc triển khai thực hiện. Đồng thời, Bộ cũng thường xuyên giao ban xây dựng cơ bản và rà soát kế hoạch xây dựng từng tháng, từng quý, từng dự án, nắm bắt những dự án chậm trễ để có phương án xử lý kịp thời. Tới đây, Bộ Giao thông Vận tải cũng đề nghị các bộ, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đặc biệt trong việc cung cấp số liệu giải ngân, phục vụ việc kiểm soát, đối chiếu để có giải pháp điều hành kịp thời. Đồng thời, kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp hỗ trợ về quy trình, thủ tục đối với sử dụng vốn dư cho một số dự án quan trọng...
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ cũng thường xuyên trao đổi, sâu sát theo dõi tiến độ từng dự án để có chỉ đạo kịp thời, đồng thời coi đó là yếu tố đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Bộ, thủ trưởng các đơn vị và các chủ đầu tư. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị các Bộ, ngành nghiên cứu thiết lập một cơ chế chia sẻ thông tin để có thể nắm bắt, theo dõi và báo cáo sát tiến độ giải ngân đầu tư vốn vay nước ngoài khi hiện nay vẫn có “sự vênh” về số liệu giải ngân do cách tiếp cận, ghi nhận khác nhau giữa các bên...
Trong khi đó, đại diện Bộ Y tế hiện cũng đang yêu cầu các tỉnh, thành phố có dự án đẩy nhanh, hoàn thiện các thủ tục đấu thầu, đôn đốc các nhà thầu thi công để nghiệm thu và có khối lượng hoàn thành, thành lập các tổ công tác để triển khai việc giám sát đầu tư và tháo gỡ vướng mắc của đơn vị; xây dựng kế hoạch hành động trong đó phân công chi tiết, cụ thể cho các đơn vị, các ban quản lý dự án, các đồng chí Thứ trưởng phụ trách trực tiếp các đơn vị để đôn đốc các dự án này. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề nghị sửa đổi quy định về điều kiện đàm phán, kí hiệp định tài trợ dự án ODA đối với các dự án có cấu phần xây dựng theo hướng thực hiện báo cáo nghiên cứu khả thi khi đàm phán và kí hiệp định khi chưa cần có thiết kế cơ sở và dự toán do Bộ Xây dựng thẩm định và phê duyệt. Sau khi đàm phán thành công thì mới tiếp tục hoàn thành thủ tục phê duyệt thiết kế cơ sở vì hiện nay thủ tục về đầu tư xây dựng mất rất nhiều thời gian để thực hiện. Đồng thời, Bộ cũng đề nghị sửa đổi quy định về tài sản đảm bảo tiền vay để xác định rõ tài sản hợp pháp của bên vay tạo thuận lợi trong việc thực hiện dự án.
Đối với Bộ Tài chính, bên cạnh các giải pháp kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành tại Công văn 8895/BTC-QLN ngày 23/7/2020 báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả Hội nghị giải ngân tháng 6/2020, thì tại hội nghị với các bộ, ngành về giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của Chính phủ 8 tháng đầu năm 2020, Bộ Tài chính cũng tiếp tục đề nghị với các Bộ, ngành phối hợp thực hiện một số vấn đề liên quan đến tài chính.
Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thanh toán gửi Kho bạc Nhà nước để kiểm soát chi theo chế độ quy định, đảm bảo chi trong dự toán được phân bổ, chi đúng chế độ quy định. Các Ban quản lý dự án thực hiện ghi thu, ghi chi kịp thời, không để dồn chứng từ vào cuối năm...
Bộ Tài chính cũng kiến nghị các bộ, ngành chỉ đạo các chủ dự án, vào các ngày 15 và 30 hàng tháng, chủ động phối hợp rà soát, đối chiếu số liệu giải ngân với Bộ Tài chính nhằm công khai số liệu giải ngân trên trang điện tử của Chính phủ và Bộ Tài chính để kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tiến độ triển khai cam kết cụ thể của từng bộ ngành, trên nguyên tắc khối lượng hoàn thành sát với khối lượng kiểm soát chi và khối lượng kiểm soát chi sát với đề nghị thanh toán của chủ dự án. Đồng thời, chỉ đạo các Ban quản lý dự án phối hợp với cơ quan cho vay lại trong việc thẩm định phương án tài chính đối với các dự án cho vay lại, thẩm định tài sản đảm bảo, để cơ quan cho vay lại sớm báo cáo và đề xuất các phương án giải quyết các vướng mắc phát sinh (nếu có) gửi tới Bộ Tài chính...
Đến nay, đã có tới 7 đoàn, do đích thân Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Trưởng đoàn, với sự tham gia của lãnh đạo nhiều bộ, ngành hữu quan. Thủ tướng Chính phủ cũng trực tiếp chủ trì liên tục 2 hội nghị giao ban với các bộ, ngành, địa phương (vào ngày 16/7/2020 và 21/8/2020) để đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công như năm nay. Các bộ, ngành cũng thường xuyên họp để cùng bàn cách tháo gỡ, quyết liệt trong việc xử lý các điểm nghẽn, ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư công nói chung và đầu tư công vốn vay nước ngoài nói riêng...