Cục Thuế TP. Hải Phòng:

Thêm nhiều giải pháp quản lý, sử dụng hóa đơn

Mạnh Chiến

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Cục Thuế TP. Hải Phòng đã và đang tăng cường các giải pháp để ngăn chặn, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng hóa đơn; đẩy mạnh rà soát, kiểm tra phát hiện người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro về quản lý, sử dụng hóa đơn.

Cục Thuế TP. Hải Phòng tăng cường rà soát, kiểm tra nhằm phát hiện dấu hiệu rủi ro về quản lý, sử dụng hóa đơn
Cục Thuế TP. Hải Phòng tăng cường rà soát, kiểm tra nhằm phát hiện dấu hiệu rủi ro về quản lý, sử dụng hóa đơn

Thời gian qua, ngành Thuế đã tập trung cải cách thủ tục hành chính thuế. Luật Quản lý thuế quy định người nộp thuế (NNT) tự khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, doanh nghiệp có quyền phát hành hóa đơn để sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Cục Thuế TP. Hải Phòng đã tăng cường các giải pháp để ngăn chặn, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng hóa đơn; tăng cường rà soát, kiểm tra phát hiện NNT có dấu hiệu rủi ro về quản lý, sử dụng hóa đơn, cụ thể:

- Tăng cường công tác tuyên truyền hỗ trợ, hướng dẫn NNT thực hiện đúng quy định của pháp luật trong chấp hành Luật Quản lý thuế, chấp hành nghiêm các quy định về sử dụng hóa đơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đẩy mạnh tuyên truyền việc nhận diện hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp và chế tài xử lý đối với từng hành vi để NNT biết và tránh tham gia vào các giao dịch mua bán hóa đơn; phối hợp với các đơn vị truyền thông công khai thông tin doanh nghiệp (DN) có hành vi mua bán hóa đơn nhằm kịp thời xử lý chống thất thu cho NSNN, đồng thời góp phần “cảnh báo” các đối tượng đã và đang có ý định vi phạm pháp luật về hóa đơn.

- Yêu cầu các phòng Thanh tra, kiểm tra, các Chi cục Thuế rà soát, giám sát chặt chẽ, kịp thời đối với các doanh nghiệp có rủi ro cao bằng biện pháp thu thập thông tin dữ liệu về NNT như: thông tin giao dịch đáng ngờ từ ngân hàng, cơ quan quản lý nhà nước khác (Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Cơ quan khác…); Đơn thư tố cáo; Phương tiện thông tin truyền thông… Đồng thời, nhận biết các dấu hiệu về hành vi và cách thức của NNT mua bán, sử dụng hóa đơn.

Lập danh sách NNT có rủi ro về in, phát hành, sử dụng, mua bán hóa đơn bất hợp pháp (NNT có rủi ro về hóa đơn); Rà soát, phân tích dữ liệu đã thu thập về NNT để nhận diện, xác định danh sách NNT có rủi ro về hóa đơn. Phân tích rủi ro để xác định NNT có rủi ro cao về hóa đơn. Tổ chức giám sát chặt chẽ đối với NNT có rủi ro cao về hóa đơn trong việc phát hành hóa đơn hàng ngày, báo cáo và đề xuất xử lý kịp thời khi phát hiện có rủi ro.

- Xác minh tình trạng hoạt động của NNT tại địa chỉ đã đăng ký với cơ quan thuế trên địa bàn quản lý theo quy định. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thuế để cập nhật kịp thời, đầy đủ các thông tin về NNT không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, thông báo công khai thông tin về DN đã phát hành hóa đơn nhưng bỏ trốn hoặc tạm ngừng hoạt động kinh doanh, DN sử dụng không hợp pháp hóa đơn trên trang Web của ngành Thuế và các phương tiện thông tin đại chúng để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật Thuế, hành vi mua bán trái phép hóa đơn.

- Phối hợp chặt chẽ với cơ quan Cảnh sát điều tra và các cơ quan chức năng có liên quan; Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chủ động phối hợp với cơ quan Cảnh sát điều tra hoặc chuyển hồ sơ xử lý theo quy định đối với NNT có hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn, để ngăn chặn kịp thời và có biện pháp phòng ngừa, tránh gây hậu quả, thiệt hại cho NSNN.

Việc đã triển khai hóa đơn điện tử tại 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong đó có Hải Phòng và đang tiến hành triển khai tại 57 tỉnh, thành còn lại đã đem lại nhiều lợi ích cho người nộp thuế, cho cơ quan thuế và cho xã hội, đặc biệt là góp phần khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng hóa đơn.

Sử dụng hóa đơn điện tử giúp cơ quan thuế xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn, việc kết nối cơ sở dữ liệu với các cơ quan chức năng có liên quan như cơ quan Cảnh sát điều tra sẽ khiến cho những hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng hóa đơn sẽ nhanh chóng bị phát hiện và xử lý, người vi phạm cũng không thể thực hiện tiêu hủy, làm thất lạc các hồ sơ, bằng chứng vi phạm, gây khó khăn cho quá trình điều tra.

 Cục Thuế TP. Hải Phòng nhận thức rõ: Để ngăn chặn tình trạng mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, gây thất thu ngân sách nhà nước, việc tuyên truyền hỗ trợ, hướng dẫn người nộp thuế thực hiện đúng quy định của pháp luật và việc thực hiện nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực thi nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ công chức, viên chức ngành Thuế là rất quan trọng.

Do đó, Cục Thuế tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ đối với đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra để đảm bảo đủ năng lực kiểm tra, phát hiện doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công chức, viên chức trong thực thi công vụ, nhất là công chức thường xuyên tiếp xúc với người nộp thuế, công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây khó khăn trong quá trình thực thi công vụ;

Đồng thời, Cục bố trí những công chức có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tốt, có phẩm chất đạo đức, đảm nhận được các nhiệm vụ của công tác thanh tra, kiểm tra; Kiên quyết xử lý nghiêm minh các công chức sai phạm, kiên quyết đưa ra khỏi hệ thống ngành Thuế những công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trình độ, thiếu ý thức trách nhiệm, vi phạm 10 điều kỷ luật đối với công chức, viên chức ngành Thuế theo quy định.