Thêm “quyền năng” để giải cứu doanh nghiệp
“Muốn giải cứu, trợ giúp được ai đó, anh phải có quyền năng”, gợi mở vấn đề này, TS. Võ Trí Thành – nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, cần bổ sung quyền cung cấp tài chính, bảo lãnh vay vốn tín dụng cho doanh nghiệp mà DATC tham gia tái cơ cấu là hết sức hợp lý.
Thêm “quyền năng” cho DATC là cần thiết
Theo TS. Võ Trí Thành: Để xử lý triệt để nợ xấu, đòi hỏi phải có mua bán giao dịch thật các khoản nợ xấu này. Để làm được như vậy, phải tạo đủ quyền năng cho các tổ chức xử lý nợ xấu, tạo thêm nguồn lực và sửa đổi khung khổ pháp lý để hình thành thị trường mua bán nợ thực sự.
“Tôi đánh giá cao những đề xuất tại dự thảo Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của DATC được Bộ Tài chính đưa ra. Các quy định khá phù hợp với yêu cầu thực tiễn và phát huy vai trò của DATC trên thị trường mua bán nợ, đồng thời đảm bảo tính bình đẳng trong hoạt động mua bán, xử lý nợ”.
Khẳng định nội dung này, TS. Võ Trí Thành phân tích: Hiện nay, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) thực hiện mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt chỉ là bước ban đầu để làm "thanh thoát" cho bảng cân đối tài sản của các ngân hàng thương mại, giảm một phần chi phí cho các ngân hàng. Để xử lý triệt để nợ xấu, đòi hỏi phải có mua bán giao dịch thật các khoản nợ xấu này. Muốn làm được như vậy, phải tạo đủ quyền năng cho các tổ chức xử lý nợ xấu, tạo thêm nguồn lực và sửa đổi khung khổ pháp lý để hình thành thị trường mua bán nợ thực sự.
“Cơ chế mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt và chỉ phân tích các khoản nợ xấu từ 10 tỷ trở lên của VAMC có phần hạn chế hơn việc DATC mua nợ bằng tiền mặt. Khi chức năng và nhiệm vụ của DATC được mở rộng sẽ thúc đẩy nhanh cho xử lý nợ xấu ở Việt Nam” – TS. Thành nhấn mạnh.
Giải pháp hồi sinh, tái cơ cấu DN
Tại dự thảo Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của DATC, Bộ Tài chính đề xuất quy định, DATC được thực hiện các biện pháp phục hồi DN tái cơ cấu dưới hình thức cung cấp tài chính (tương tự như VAMC), bảo lãnh vay vốn tín dụng.
Đánh giá về đề xuất này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là sự cần thiết lẽ ra phải được triển khai từ lâu. Bởi, đối tượng DATC hỗ trợ là các DN khó khăn về tài chính, thua lỗ, không thể huy động được vốn lưu động để sản xuất kinh doanh, thậm chí nhiều DN đứng bên bờ vực phá sản, người lao động không có việc làm...
Đây là một trong những giải pháp, nghiệp vụ tái cơ cấu, xử lý tài chính, tạo điều kiện để DN sử dụng đòn bẩy tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh. Việc thực hiện các nghiệp vụ hỗ trợ tài chính hoặc bảo lãnh phải đảm bảo gắn với phương án tái cơ cấu được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên nguyên tắc hiệu quả, an toàn và phải hỗ trợ cho việc thu hồi nợ và vốn của DATC khi chuyển nhượng, đồng thời phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật.
Theo các chuyên gia, việc trao quyền hỗ trợ tài chính, bảo lãnh cho DATC có thể sẽ gây nhầm lẫn và ảnh hưởng đến hoạt động hiện nay của các ngân hàng. Tuy nhiên, cần hiểu sâu sắc rằng, Luật Các tổ chức tín dụng quy định hoạt động ngân hàng là việc kinh doanh, cung ứng thường xuyên một hoặc một số các nghiệp vụ như nhận tiền gửi, cấp tín dụng, cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản. Trong khi đó, dự thảo Bộ Tài chính đề xuất, hoạt động hỗ trợ tài chính đối với các DN được DATC tham gia tái cơ cấu trên cơ sở phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt không phải là hoạt động cấp tín dụng theo Luật Các tổ chức tín dụng.
Mặt khác, theo Luật DN, Công ty TNHH Một thành viên được phép cho vay (do chủ sở hữu quyết định). Thực tế, VAMC là Công ty TNHH MTV do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ cũng tương đồng về chức năng xử lý nợ với DATC và VAMC cũng được thực hiện nghiệp vụ cung cấp tài chính để hỗ trợ khách hàng vay khi khó khăn tài chính tạm thời và phục hồi sản xuất kinh doanh. Cũng theo Luật DN, một trong những trường hợp xác định một công ty là công ty mẹ của công ty khác nếu sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty đó.
Như vậy, theo quy định trên, thì các DN sau khi được DATC tái cơ cấu, chuyển nợ thành vốn góp mà đạt tỷ lệ theo quy định, sẽ được coi là công ty con của DATC và việc DATC bảo lãnh vay vốn cũng đảm bảo quy định của Luật DN.
Cùng với các quy định đề xuất trên, dự thảo cũng đưa ra các nguyên tắc đối với hoạt động cung cấp tài chính, bảo lãnh của DATC đối với DN tái cơ cấu có vốn góp chi phối của DATC. Các nguyên tắc gồm: Việc cung cấp tài chính phải gắn với phương án tái cơ cấu được cấp có thẩm quyền phê duyệt. DATC quyết định và chịu trách nhiệm về việc cung cấp tài chính cho DN tái cơ cấu, đảm bảo thu hồi vốn và có hiệu quả kinh tế; Không cung cấp tài chính đối với DN tái cơ cấu đã có kế hoạch chuyển nhượng toàn bộ vốn đầu tư của DATC được cấp có thẩm quyền phê duyệt; DN tái cơ cấu không được sử dụng khoản cung cấp tài chính của DATC để trả nợ cho chính DATC.
Có thể khẳng định, việc cho phép DATC được quyền cung cấp tài chính, bảo lãnh vay vốn tín dụng cho DN mà DATC tham gia tái cơ là cần thiết và phù hợp thông lệ, xu hướng phát triển thị trường tài chính quốc tế.